Cách xử lý rắn bò vào nhà trong mùa mưa bão chuẩn xác

18/09/2024 16:07

Cách xử lý khi gặp rắn ở trong nhà, sơ cứu khi bị rắn cắn

Trong những ngày mưa bão gây ngập lụt khiến cho rắn không có chỗ trú ẩn nên thường vào trong nhà. Để tránh bị rắn cắn gây nguy hiểm cho tính mạng cần áp dụng các biện pháp đuổi rắn ra khỏi nhà dưới đây.

Mưa lũ ngập lụt, sạt lở đất đá làm thay đổi môi trường tự nhiên của rắn. Lượng mưa lớn, cây cối bị gãy đổ, ngập lụt dài ngày khiến cho các hang, bụi rậm, gò đất, ống cống, đống vật liệu xây dựng,…bị ngập nước, xói mòn. Ngoài ra, khi mưa bão khiến cho nguồn thức ăn tự nhiên của chúng bị giảm nên bắt buộc chúng phải tìm nơi trú ẩn mới để sinh sống cho đến khi môi trường sống của chúng được khôi phục.

Rắn là một trong những loài động vật máu lạnh nên chúng cần sinh sống ở những khu vực có nhiệt độ ấm áp, do đó nhà là địa điểm mà chúng lựa chọn nhiều nhất khi có mưa bão, ngập lụt kéo dài. Tuy nhiên, khi rắn trú ngụ trong nhà có thể gây nguy hiểm cho người dân sinh sống, nhất là một số loài rắn có độc như rắn hổ mang, cạp nong, rắn lục đuôi đỏ, cạp nia, lục đuôi đỏ, chàm quạp,…

Cách xử lý khi gặp rắn ở trong nhà

Nhiều người khi bắt gặp rắn trong nhà sau mùa mưa bão thường có tâm lý hoảng loạn, la hét, cố gắng đánh đuổi rắn hay bỏ chạy khi thấy rắn trong nhà. Nhưng hành động này không thể đuổi được rắn mà có thể khiến rắn tấn công ngược lại. Khi gặp rắn trong nhà, gầm giường, gầm tủ, trong đống quần áo ướt, vật dụng gia đình,… hãy cố gắng bình tĩnh, không la hét, nhanh chóng tránh xa khu vực có rắn.

Thông báo cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em và người già, để họ biết và tránh xa khu vực có rắn trú ẩn. Di chuyển người già, trẻ nhỏ, vật nuôi ra khỏi khu vực nguy hiểm

Hãy nhanh chóng đeo găng tay nhựa, ủng dày nếu có sẵn để tránh bị rắn cắn. Nếu rắn không có độc có thể sử dụng cây gậy dài và nhẹ nhàng dọa đuổi chúng đi. Mở cửa chính và đóng tất cả các cửa phòng khác lại dùng gậy dài hoặc vòi phun nước áp suất cao để lùa rắn ra khỏi nhà. Hoặc dùng khăn tắm to, chăn, quần áo nhẹ nhàng tiến về phía trước cúi lưng và nhanh chóng trùm lên đầu con rắn. Do bị phủ khăn bất ngờ, con rắn nhất thời không kịp phản ứng bạn có đủ thời gian để chạy trốn hoặc khi bắt được rắn đem chúng bỏ trong bao, lồng và thả ra môi trường tự nhiên cách xa khu dân cư sinh sống.

Sau khi dùng cây gậy dài xua đuổi chúng đi nếu chúng vẫn nằm yên trong góc nhà, kẹt tủ hay quấn trong chăn, hãy để yên và đừng động đến chúng, gọi người có kinh nghiệm, chuyên gia đến đuổi bắt rắn, không nên xử lý một mình.

Nếu rắn trú ngụ trong nhà là rắn lục đuôi đỏ, hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia hãy nhanh chóng tránh xa, liên hệ với cơ quan chức năng để xử lý, tuyệt đối không kích động, xua đuổi rắn tránh tình trạng bị rắn cắn gây nguy hiểm đến tính mạng.

Cách sơ cứu khi bị rắn cắn

Trong quá trình dọn dẹp nhà cửa sau bão lũ nếu chẳng may bị rắn cắn cần thực hiện các bước sơ cứu nhanh chóng để tránh nguy hiểm đến tính mạng.

Bước 1: Cố gắng xác định loài rắn đã cắn, màu sắc, kích thước, hình dạng đầu, cách thức tấn công nếu được để bác sĩ xác định đúng chủng loại huyết thanh cần sử dụng.

Bước 2:  Để nạn nhân nằm yên, bất động vì vận động sẽ làm tăng nhanh quá trình tác động của nọc đến các phần khác của cơ thể, đến tim nhanh hơn.

Bước 3: Dùng tay, gạc hoặc khăn sạch ép lên phía trên vết thương. Để nạn nhân nằm thoải mái, đặt phần bị thương cao hơn để giảm áp lực máu. Sau đó, dùng dây vải băng ép miếng gạc hoặc khăn vào vết thương, buộc một cách chắc chắn nhưng vẫn đủ để máu lưu thông. Nên băng ép chặt phía trên vết thương từ 5 – 10 cm để ngăn chất độc lan ngược lại các bộ phận khác.

Bước 4: Cố định chân tay nhưng không được hạn chế sự lưu thông của máu, trừ khi biết chắc loài rắn đã cắn có nọc độc tác động đến thần kinh.

Bước 5: Nới lỏng quần áo của nạn nhân, cởi tất cả đồ trang sức như nhẫn, vòng ở vùng bị cắn.

Bước 6: Cần phải theo dõi sát tình trạng hô hấp. Nếu bệnh nhân thở nhanh, yếu, hoặc xuất hiện tím môi phải hô hấp nhân tạo ngay. Nguyên nhân tử vong hàng đầu là suy hô hấp do liệt cơ hô hấp, nên nếu không được hô hấp kịp thời, có thể bệnh nhân sẽ chết trước khi đến được bệnh viện.

Bước 7: Đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, cần đưa đến bệnh viện lớn, nơi có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu. Huyết thanh kháng nọc rắn nên dùng tốt nhất trong 4 giờ đầu. Sau 24-48 giờ, việc điều trị nọc độc rắn hiệu quả rất kém hoặc không hiệu quả.

Phòng ngừa rắn bò vào nhà trong mùa mưa lũ

Để đề phòng rắn cắn, rắn bò vào nhà gây nguy hiểm cho các thành viên trong gia đình trong những ngày mưa lớn, bão lũ, ngập lụt kéo dài chúng ta cần:

+ Đóng kín các cửa kính, cửa sổ, cửa chính ngăn ngừa rắn bò vào nhà khi có mưa lớn, bão lũ, ngập lụt kéo dài

+ Kiểm tra kỹ các bức tường, sàn nhà, mái nhà và sửa chữa những lỗ hổng nhỏ nhất để ngăn chặn rắn có thể bò vào nhà

+ Mưa bão có thể gây khó khăn trong việc dọn dẹp nhà cửa nhưng hãy loại bỏ các nguồn thức ăn rắn như thức ăn thừa, rác thải.

+ Hãy lau dọn không gian sống, sắp xếp mọi vật dụng cho gọn gàng, thông thoáng sẽ làm mất đi nơi ẩn mình của rắn trong những ngày mưa bão.

+ Nên trồng các loại cây có mùi hương mạnh, cay nồng như hoa lan, tỏi tím, sắn dây, sả, củ nén,...

+ Sử dụng các loại tinh dầu như tinh dầu sả chanh, bạc hà, tràm... giúp đuổi rắn, có thể dùng đèn xông tinh dầu hoặc thấm tinh dầu vào bông gòn đặt ở các góc nhà nếu nhà không bị ngập lụt.

+ Nuôi chó mèo bởi các loài vật nuôi này chỉ cần ngửi hay nghe tiếng sủa, tiếng kêu của chó mèo loài rắn sẽ hoảng sợ tránh xa khu vực sinh sống của gia đình.

+ Hãy dọn dẹp ngay những bụi cây, cỏ dại xung quanh nhà cho thoáng đãng

+ Khi phát hiện ngôi nhà có những khe hở, vết nứt,... thì hãy nhanh chóng che phủ lại hoặc bịt kín bằng xi măng.

+ Không vứt rác bừa bãi

+ Nếu quần áo bị ướt do mưa bão tuyệt đối để chất đống, vắt lên bờ tường, vứt dưới nền nhà hãy nhanh chóng giặt sạch sẽ, phơi khô và cất gọn trong ngăn tủ quần áo.

+ Nên chú ý dùng gậy, đèn chiếu sáng để đi lại và làm việc trong những ngày có mưa gió, bão lũ gây ngập lụt để đề phòng có thể va chạm với rắn.

+ Khi lao động, đi lại ban đêm, dọn dẹp nhà cửa sau mưa lũ nên mang ủng, đeo găng tay cao su đề đề phòng rắn cắn.

Suckhoecuocsong.vn

Các tin khác

Kỹ năng xử lý khi bị bỏng bô xe máy tránh để lại sẹo

Hướng dẫn cách sơ cứu khi bị bỏng lạnh

Kỹ năng đảm bảo an toàn khi chèo SUP

Kỹ năng sơ cứu khi bị thú hoang cắn khi đi rừng

Hướng dẫn cách sơ cứu khi bị bỏng lưỡi tránh nhiễm trùng

Hướng dẫn sơ cứu nhanh khi bị bỏng axit

Cách sơ cứu chuẩn khi bị trật mắt cá chân tại nhà

Kỹ năng sơ cứu khi bị giập ngón tay

Bí quyết giúp uống rượu bia không say

Kỹ năng xử lý chuột rút khi bơi trong nước lũ