Các ban thờ tự chính của chùa Tiêu và tiểu sử Thiền sư Vạn Hạnh

26/02/2015 10:06

Chùa Tiêu là ngôi chùa linh thiêng, có ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa tâm linh rất lớn đồng thời ẩn chứa nhiều bí ẩn về nhục thân một vị thiền sư nổi tiếng sau khi viên tịch.

 

1. Nhà bia

 

Từ cổng chùa, sau khi đã leo hết các bậc thang đặt bước chân đầu tiên lên sân chùa, trước mặt là nhà bia “Lý Gia Linh Thạch”. Có thể coi nhà bia như một đền trình với các bậc tiền nhân, đã một thời ở chùa dầy công gây dựng vương triều Lý trải dài suốt 216 năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc (1009 - 1225).

 

 

 

Một số bia tại chùa Tiêu.

 

Trong nhà có dựng tấm bia bằng đá nhám kích thước 39 x 69 x 23 (cm), mặt trước khắc 4 chữ Hán lớn (Lý - Gia - Linh - Trạch), mặt sau còn khắc nhiều chữ Hán nhỏ khác… theo các nhà dịch giả cho biết: Đây là hòn đá thiêng ghi những nhân vật và sự kiện tiêu biểu của dòng họ Lý.

 

Thiền sư Vạn Hạnh quê Cổ Pháp người về trụ trì rồi viên tịch tại chùa vào đầu thế kỷ XI, thời kỳ này Phật giáo phát triển đến mức cao được gọi là Quốc giáo. Vạn Hạnh được phong Quốc sưở triều đại Lê và Lý nên thiền sư có cơ hội vừa làm việc cho Phật giáo, vừa làm việc cho quốc gia dân tộc, khi đó chùa Tiêu là trung tâm Phật giáo lớn của cả nước, là thiền viện đào tạo các bậc tăng ni và cung cấp kinh sách cho nhiều chùa trong cả nước.

 

Lý Công Uẩn được đầu thai ở chùa Tiêu, sinh ngày 8 tháng 3 năm 974 (Mười hai tháng Hai năm Giáp Tuất), lúc tuổi thơ (khoảng lên 7) làm tiểu ở chùa, học một biết mười được thầy Vạn Hạnh truyền đạo, dạy văn, luyện võ rất chu đáo, khi trưởng thànhđược thầy giúp đưa về triều làm quan đến chức “Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ”. Khi Lê Ngọa Triều băng hà, Lý Công Uẩn được thầy Vạn Hạnh cùng quần thần (nhất là Đào Cam Mộc) giúp lên ngôi vua, trở thành vị vua sáng lập vương triều Lý.

 

Bà Phạm Thị, thân mẫu của Lý Công Uẩn quê hương Diên Uẩn, Châu Cổ Pháp (làng Đình Sấm - Dương Lôi) nay thuộc phường Tân Hồng - Thị xã Từ Sơn - tỉnh Bắc Ninh được vua phong Minh Đức Hoàng Thái Hậu.

 

Tấm bia này được khắc từ thời Hậu Lê minh chứng về cội nguồn nhà Lý mà người xưa để lại cho chúng ta hôm nay.

 

Trước đây bia được đặt trên thượng điện, rồi được đưa xuống hầu bệ Đức Thánh Hiền, đến năm 1989 bia được dựng tại vị trí trung tâm này, có lầu che.

 

Nhớ về cội nguồn nhà Lý. Ông Lý Xương Căn - Hậu duệ đời thứ 31 của Lý Thái Tổ, đời thứ 26 của hoàng thúc Lý Long Trường năm 1994 từ Hàn Quốc đã về dâng hương trước bia “Lý Gia Linh Trạch”. Tấm bia này là một phần quan trọng cùng với sử sách và huyền thoại về chùa Tiêu.

 

2. Tam bảo

 

Tam bảo chùa Tiêu nằm trên sườn non Tiêu. Qua thăng trầm lịch sử, qua biến cố của thời gian Tam bảo đã được nhiều lần tu sửa. Theo lời kể của các cụ trong ban Quản Lý di tích cho thấy, khi xưa Tam bảo đặt sát vườn tháp, trên Tam bảo còn có nhà Mẫu, cạnh đó về phía bắc có đền Thượng, dưới chân núi có đền Hạ nơi thờ chung Đức thánh Cao Sơn của hai làng Tiêu Thượng và Tiêu Long. Hai bên Tam bảo có nhà dải muống thờ các tượng La Hán. Nhứng năm 1941 - 1942 Tam bảo được sửa chữa, lần sửa này nền nhà đã dịch lên phía trên (chỗ hiện nay) ở trên mỗi đầu hồi Tam bảo có xây lầu cổ diêm. Lầu được những bàn tay tài hoa của thợ ngõa quê hương cải đắp tạo cho khuôn viên Tam bảo thêm vẻ đẹp. Trong phong trào tiêu thổ kháng chiến (1948 – 1949) ngói của nhà Tam bảo, nhà tổ và các đền bị cào xuống. Sau những năm 1950 tản cư về thấy Thích Thanh Khoan cùng địa phương làm lại được ngôi Tam bảo. Năm 2000 năm kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, nhờ sự ra tâm công đức của nhân dân địa phương và du khách, Tam bảo được đại tu. Hiện nay, gỗ làm nhà đều bằng kim loại gỗ lim. Nền nhà được tôn cao hơn. Cột nhà cũng được nâng cao hơn nhiều so với trước. Nhà có nhiều cửa đi, cửa sổ tạo sự thông thoáng. Chiều dài nhà được mở rộng sang hai bên. Tất cả hệ thống tượng Phật, hoàng phi câu đối, cổ vật khác vẫn giữ nguyên nét kiến trúc thời Lê, Nguyễn.

 

Giữa những ngày Phật đản năm 2010 chùa Tiêu vinh dự được cung nghinh xá lỵ Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni về thờ giữa ngôi Tam bảo.

 

3. Đỉnh non Tiêu

 

Sau khi dâng hương đức Phật ở Tam bảo, vượt qua 8 nhịp cầu thang với 80 bậc, ta đã đặt chân lên đỉnh Tiêu Sơn. Đến đây chúng ta được chiêm ngưỡng tượng đài Vạn Hạnh trang nghiêm bề thế tạo dựng năm 1993. Núi Tiêu được ví như viên ngọc quý giữa những cánh đồng màu mỡ xanh tươi. Tượng Vạn Hạnh hướng về Thăng Long - Hà Nội, đi từ xa ta đã thấy.

 

Đứng trên đỉnh non Tiêu này ngược thời gian theo dòng lịch sử quý khách sẽ thấy vui hơn khi biết thêm địa danh tên xã, tên làng trên mảnh đất ngàn năm văn hiến và cách mạng của Bắc Ninh - Kinh Bắc. Xã Tương Giang - Tên sông thành tên xã (sông Tương - xã Tương Giang). Tên núi thành tên làng, tên chùa (núi Tiêu - Tiêu Sơn, làng Tiêu Tè; chùa Tiêu.

 

4. Nhà tổ thờ Thiền Sư Vạn Hạnh

 

 

Tôn tượng Thiền sư Vạn Hạnh tại đỉnh núi chùa Tiêu.

 

Nhà thờ tổ Vạn Hạnh được dựng trên nền đất cũ, năm 2001 được làm mới. Theo nhà báo Trương Thị Kim Dung: “Pho tượng cổ Vạn Hạnh đúc bằng đồng được đặt trong một khám kính cao chừng 50 cm với chân dung rất sinh động, các chi tiết khắc họa ăn khớp với những điều ghi trong sử sách, cũng như những chuyện kể dân gian”. Theo Tiến sĩ sử học Trần Đình Luyện, nguyên giám đốc sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Bắc Ninh: Bài vị thờ ghi rõ “Lý triều nhập nội, tể tướng Lý Vạn Hạnh thiền sư thần vị”.

 

Thắp nén nhang thơm dâng lên Ngài, trong tâm tưởng của mỗi chúng ta trào dâng tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn. Cuộc đời và sự nghiệp của Thiền sư Vạn Hạnh hết lòng vì quyền lợi quốc gia, có nhiều đóng góp lớn lao đối với lịch sử đất nước, với Phật giáo, Ngài xứng đáng là một nhà tư tưởng lớn, nhà văn hóa lớn. Ngài là người quảng bác uyên thâm lầu thông Tam giáo kinh kệ, còn là tư tưởng môn phái võ lâm Tiêu Sơn giúp Lê Hoàn (trước cũng là đệ tử tục gia của phái Tiêu Sơn) đánh giặc Tống được nhà vua phong quốc sư, nhờ đó Vạn Hạnh có cơ hội vừa làm việc cho Phật giáo, vừa làm việc cho quốc gia dân tộc. Nhà sử gia Ngô Thì Sỹ trong Việt sử tiên án có ghi: “Vạn Hạnh có kiến thức vượt ra ngoài mọi vật, thần toán được thời cơ trời, thâm thúy về thiên học, được người đời tôn vinh là thánh Vạn, từng âm vang trong tâm hồn bao thế hệ người Việt ta, là hy vọng, là niềm tin, có tác dụng dẫn đường chỉ lối mở mang phát triển để đất nước thái bình thịnh trị. Chính Vạn Hạnh là linh hồn của việc sáng lập vương triều Lý, chỉ đạo giành ngôi vua, việc dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long và giúp Lý Công Uẩn dự thảo Chiếu dời đô”. Sở dĩ người đời tôn Ngài làm Thánh, bởi Ngài nói ra lời nào được thiên hạ  coi là phù sấm và trở thành hiện thực.

 

Theo Tiến sĩ sử học Lê Mạnh Thát: “Việc Vạn Hạnh phấn đấu để yểm trợ và tạo điều kiện cho Lý Công Uẩn lên ngôi vua làm chủ đất nước thể hiện quan điểm chính trị rất tiến bộ. Quan điểm này đã chi phối gần 300 năm phát triển lịch sử tư tưởng của hệ thống văn hóa Việt Nam.

 

Bài thơ “Thị đệ tử” là bài thơ cuối cùng của Ngài nói vói học trò Lý Công Uẩn.

 

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vịnh thu hựu khô

Nhân vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

 

Dịch:

 

Bảo đệ tử

Thân như ánh chớp có rồi không

Cây cối xuân tươi thu héo cong

Chớ thấ thịnh suy mà sợ hãi

Như trên đầu cỏ hạt sương trong.

 

Đây là một bài thơ hay trong thi ca Việt Nam, với 28 chữ mà chứa đủ cả triết  cả thơ về bí quyết của tạo hóa, về lẽ đời, là tư tưởng khai sang, chỉ đạo mở ra một thời đại mới cho dân tộc - Xã hội thì trường tồn, còn con người thì chỉ như ánh chớp lóe lên rồi tan biến.

 

Vạn Hạnh sinh năm 932, bước vào đường tu hành khi tuổi đời vừa 21, mất ngày Mười năm tháng Năm năm Mậu Ngọ (1018), hưởng thọ 86 tuổi. Cuộc đời và sự nghiệp của Ngài là tấm gương sang ngời về lòng yêu nước thương dân, cống hiến cho dân tộc người anh hung kiệt suất Lý Công Uẩn để lại cho hậu thế nhiều bài học quý gía. Ghi nhớ công lao của Vạn Hành với đời, với đạo, khi Ngài mất tháp Ngài được xây cất trước Tam bảo ẩn mình trong vườn tháp cổ rợp bóng cây xanh bốn mùa hương khói. Hàng năm cứ đến ngày Mười năm tháng Năm Âm lịch dòng người xa gần lại đổ về  chùa Tiêu để dâng hương tưởng niệm Thiền sư Vạn Hạnh với tấm lòng thành kính và biết ơn sâu sắc.

 

Đình Bảng, nơi có đền thờ Lý Bát Đế từ lâu cứ mỗi độ xuân về vào dịp lễ hội Mười lăm tháng Ba âm lịch hàng năm, người dân Bình Đảng lại lên chùa Tiêu xin nước để cúng tế.

 

Du khách về Đền Hùng là nhớ về cội nguồn của cả dân tộc, về chùa Tiêu là nhớ về cội nguồn của vương triều Lý như nhắc nhở chúng ta hãy sống vui, sống khỏe, sống hữu ích.

 

5. Nhà thờ Thiền sư Thích Như Trí

 

Thiền sư Thích Như Trí về trụ trì chùa Tiêu cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII là đệ tử của Thiền sư Chân Nguyên, trụ ở chùa Long Động - Yên Tử.

 

Sau khi trùng tu Ngài được thờ trong một ngôi nhà mới được xây dựng năm 2004.

 

 

 

Nhục thân Thiền sư Thích Như Trí sau khi tu sửa.

 

 

Gian thờ Thiền sư Thích Như Trí.

 

Khi phát hiện trong một tháp cổ có tượng, ngày 5 tháng 3 năm 2004 nhục than được thỉnh ra để tu bổ và bảo quản. Mọi thủ tục và quy trình trùng tu do Thiền viện trúc lâm Đà Lạt - Yên Tử chủ đầu tư, chủ nhiệm dự án là PGS.TS Nguyễn Lâm Cường, có sự giúp đỡ của viện K69, của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam của Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Bắc Ninh, của Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh. Dự án được thực hiện trong 4 tháng. Đây là pho tượng Thiền sư Như Trí sau khi trùng tu nặng 34 kg, cao 78,5 cm với 13 lớp sơn và thếp bạc đặt trong khám kính dày 1 cm chứa đầy  nito để bảo vệ, còn một phiên bản khác bằng Comosite (com mếc) nặng 55 kg với 10 lớp sơn, vải, mạt cưa đặt trong tháp cổ của Ngài trong vườn tháp. Qua trùng tu nhờ nghiên cứu di cốt các nhà khoa học cho biết: Thiền sư cao xấp xỉ khoảng 1,65m, Ngài tịch trong độ tuổi từ 45 đến 50. Nhờ có tấm bia ở tháp cổ mang dòng chữ “ Nhục than Bồ tát Như Trí”, “Lê Triều Bảo thái đệ tứ niên” ta biết Thiền sư viên tịch vào đời vua Lê Dụ Tông, năm Qúy Mão (1723). Tiếp tục nghiên cứu về thiền sư còn cho thấy ngài là một cao tăng đắc đạo, có công lớn là “ Sưu tầm, in ấn các cuốn sách quý về Phật, đặc biệt là khắc in cuốn “Thiền uyển tập anh” tại chùa Tiêu năm Ất Mùi (1725). Đây là bộ sử thiền có giá trị của nền Phật giáo Việt Nam, ngoài ra còn khắc in nhiều ấn phẩm khác. Thật quý thay trước những năm 40 ở chùa Tiêu vẫn còn giữ khá nhiều ván in sách. Về thăm Yên Tử ta thấy thiền sư Như Trí còn 2 bài thơ được đăng tải ở chùa Sùng Bái.

 

Bài 1: Ca ngợi vua Phật trúc lâm Trần Nhân Tông.

 

Bài 2: Ánh đạo ca - ca ngợi Bảo Sái là đệ tử đầu tiên rất trung thành của Trần Nhân Tông.

 

Qua đó cho chúng ta hiểu thêm về thiền sư Như Trí, Ngài là nhà sư lại là một nhà thơ có công lớn, cuộc đời tu hành đã hóa than Bồ Tát đệ tử nối pháp là Tính Phong cùng hàng môn nhân xây tháp tôn thờ. Nhục thân Như Trí là pho tượng thứ 4 theo kiểu tượng táng tìm thấy ở Việt Nam, tang thức này ở Trung Quốc gọi là “ giáp trữ tất”. Gần 300 năm mà vẫn còn gần như nguyên vẹn điều này chứng minh cho sự màu nhiệm và huyền bí của đạo Phật cũng là kết quả hành đạo của người tu thiền, đã vượt qua khỏi vòng sinh tử luân hồi.

 

Skcs.vn (sưu tầm)

Các tin khác

Khám phá, trải nghiệm những lễ hội độc đáo ở Bình Liêu

Những lễ hội văn hóa độc đáo tại Trà Vinh

Những lễ hội văn hóa đặc sắc tại Vũng Tàu

Đình Bia Bà: Địa danh tâm linh nổi tiếng tại La Khê, Hà Đông

Đền Voi Phục một trong tứ trấn linh thiêng thành Thăng Long

Những ngôi đền linh thiêng nổi tiếng tại Lào Cai

Độc đáo lễ hội rước 'ông Lợn' bằng kiệu của người dân xã La Phù

Độc lạ: Lễ hội 'Của quý' - Tàng thinh ngày rằm tháng giêng tại Lạng Sơn

Những Lễ hội khai mạc từ ngày mùng 6 Tết

Lễ hội đèn lồng khổng lồ lần đầu diễn ra ở Việt Nam