Bị gà mổ có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường
Cách xử lý khi bị gà mổ và khuyến cáo của chuyên gia
Trong các loài vật nuôi, gà là một con vật bé nhỏ, khá thuần tính. Tuy nhiên cũng như những vật nuôi khác, gà phản kháng lại những yếu tố gây bất lợi cho chúng bằng cách dùng mỏ để mổ đối phương. So sánh với các vết thương bị chó, mèo cắn, vết thương do gà mổ tuy không quá lớn nhưng cũng có thể để lại những hậu quả khôn lường.
Hậu quả đau lòng
Bà T ở xã Tân Phú (huyện Thới Bình, Cà Mau) sau 4 ngày bị gà mổ vào tay, do chủ quan dẫn đến nhiễm trùng và thiệt mạng.
Con trai của bà T chia sẻ khi mẹ kiểm tra ổ gà mái đang ấp trứng thì bị con vật mổ vào tay. Tuy nhiên thấy vết trầy xước không gây chảy máu nên không lưu tâm. Hậu quả "Bốn ngày sau vết trầy trên tay mẹ tôi sưng to, bà bị sốt và mệt nên gia đình đưa vào trạm y tế xã. Thấy mẹ tôi huyết áp cao nên trạm y tế xã giới thiệu ra bệnh viện tỉnh điều trị. Mẹ tôi nằm ở phòng hồi sức cấp cứu một ngày, đến 5h sáng hôm sau thì qua đời vì nhiễm trùng huyết. Vết thương lúc đó bầm đen".
Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, vết trầy xước trên tay bà T bị nhiễm trùng da và mô mềm. Đây là tình trạng viêm cấp tính của da và mô mềm do các vi khuẩn ký sinh trên da gây ra khi có các yếu tố thuận lợi với các đặc điểm sưng đỏ, đau vùng da, phần mềm bị tổn thương. Từ việc nhiễm trùng da và mô mềm, bệnh nhân không điều trị kịp thời khiến vi trùng xâm nhập vào mạch máu, gây nhiễm trùng huyết và tử vong. Một bác sĩ Bệnh viện kết luận "Hàng rào bảo vệ sức khỏe của bệnh nhân khi đó đã không còn" dẫn đến hậu quả đau lòng trên.
Cách xử lý khi bị gà mổ và khuyến cáo của chuyên gia
Từ câu chuyện đáng buồn trên, các chuyên gia khuyên mọi người không nên chủ quan với những vết trầy xước tưởng chừng như đơn giản. Các vết trầy xước do va quẹt với vật cứng hoặc bị vật nuôi cắn dù nhỏ cũng có thể bị nhiễm trùng da và mô mềm. Nguyên nhân do tụ cầu khuẩn (Staphylococcus) hay tấn công những vết thương dù nhỏ. Đầu tiên là nhiễm trùng da và mô mềm, sau đó dẫn đến nhiễm trùng huyết. Đó là hội chứng nhiễm trùng, vi khuẩn theo máu đi khắp cơ thể khiến bệnh nhân thiệt mạng.
Trường hợp nếu không may bị trầy xước tương tự như trường hợp nêu trên cần rửa sạch tay bằng nước sạch và lấy hết dị vật trong vết thương (như bùn, đất, cát, mảnh sành, đinh, gai…). Tiếp theo là sử dụng các loại nước sát trùng để diệt khuẩn rồi đưa người bệnh cần đến cơ quan y tế để kiểm tra vết thương, uống thuốc hoặc tiêm phòng uốn ván theo chỉ định để tránh gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo zing.vn