Bánh lá ngải lạ miệng thơm ngon

30/10/2014 10:56

Bánh ngải thường được làm nhiều vào dịp Tết Thanh minh, những dịp mừng lúa mới.

Bánh ngải thường được làm nhiều vào dịp Tết Thanh minh, những dịp mừng lúa mới.

Bánh ngải kén gạo, không phải bất kỳ loại gạo nào cũng làm được bánh. Muốn bánh thơm, dẻo phải chọn loại nếp nương và không được lẫn gạo tẻ. Đường để chấm bánh cũng phải là đường phên có màu vàng, ngọt và không có sạn. Ngải cứu phải chọn lá non, tươi.

Lá ngải rửa sạch, cho vào nồi nấu với nước tro, để có nước tro tốt, người Tày, Nùng chọn tro sạch, tốt nhất là tro tre nứa, hoặc tro vỏ đậu xanh. Tro sạch được lèn vào rá. Người ta đổ nước từ từ vào tro cho ngấm dần rồi chảy xuống chậu. Lá ngải đun trong nước tro rất chóng nhừ. Sau khi đun nhừ, đổ lá ngải ra rá, rửa nhiều lần cho sạch nước tro, nhặt bỏ xơ, vắt kiệt nước rồi nắm thành từng nắm bằng nắm tay. Sau đó cho vào cối giã nhuyễn.

Bánh lá ngải là món ăn đặc trưng của Lạng Sơn, có hương thơm và vị ngọt đậm đà.

Gạo làm bánh được vo và ngâm trong nước ấm khoảng 6-8 tiếng sau đó vớt ta để ráo nước rồi cho vào chõ đồ chín thành xôi. Trong quá trình đồ, khi lên hơi, người ta thường tưới thêm lần nước (nước sôi) để khi giã bánh sẽ dẻo hơn. Khi xôi đồ chín được giã đều trong cối đá hoặc cối gỗ cùng lá ngải đã giã nhuyễn từ trước, xôi phải giã ngay lúc còn nóng thì bánh mới mền, mịn và dẻo.

Nhân bánh chính là bí quyết tạo ra hương vị thơm ngon cho chiếc bánh. Nhân bánh được làm từ vừng đen rang chín giã nhỏ trộn với đường phên đã được làm chảy trên bếp nóng và để đặc lại.

Sau khi xôi được giã nhuyễn, các bà, các mẹ sẽ nhanh tay múc ra mâm để nặn bánh. Những chiếc bánh nóng hổi được phết một lớp sáp (sáp ong) để giữ độ bóng, dẻo, thơm và để chúng không dính vào nhau.

Bánh ngải thuộc món bánh chay, tuy được làm từ gạo nếp nhưng rất dễ ăn, mát, không ngấy. Bánh có mùi thơm, dẻo của gạo nếp, vị của lá ngải, vị ngọt của đường và mùi thơm lừng của hạt vừng hòa quyện vào nhau. Nếu ai đã từng ăn một lần sẽ không thể quên mùi vị của loại bánh dân dã này.

Ngoài ra, bánh ngải còn có khả năng chữa được một số bệnh vì lá cây ngải cứu (còn gọi là ngải diệp) có vị đắng, cay, tính hơi ấm có tác dụng điều hòa khí huyết, trừ hàn thấp, an thai, cầm máu…

Phụ nữ Tày, Nùng ở Lạng Sơn không ai là không biết làm bánh ngải, chính vì thế mà bánh lá ngải đã trở thành một món ăn truyền thống được lưu truyền từ đời này qua đời khác và là một món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ tết của người Tày, Nùng.

(Theo Vietnamnet).

Các tin khác

Bật mí cách phân biệt tổ yến thật, tổ yến giả chính xác nhất

Món ngon từ trám đen, cách sơ chế và bảo quản trám đen đúng chuẩn

Kinh nghiệm sơ chế thịt thỏ không bị hôi tanh, món ngon từ thịt thỏ

Kinh nghiệm chọn gà ngon, phân biệt gà bị bơm nước và nhuộm vàng

Cách chế biến thịt cóc an toàn, món ăn ngon từ thịt cóc

Món ngon từ thịt ếch, cách chọn thịt ếch ngon, phân biệt ếch đồng với ếch nuôi

Món ăn ngon từ thịt cá sấu, cách chọn thịt cá sấu ngon, mẹo khử mùi tanh

Kinh nghiệm chọn ba ba ngon, mẹo sơ chế ba ba không bị tanh

Cách khử mùi gây ở thịt cừu, cách chọn thịt cừu ngon, món ngon từ thịt cừu

Bí quyết chọn thịt trâu tươi ngon, món ngon từ thịt trâu cực hấp hẫn