Bài học sau vụ 24 người nghi ngờ bị phơi nhiễm HIV khi cấp cứu người bị tai nạn giao thông
Những việc cần làm khi nghi ngờ bị phơi nhiễm HIV
Ngày 2/7, sau khi tham gia cứu nạn các nạn nhân bị tai nạn giao thông thuộc xã Đắk Hring, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum, 24 người đã bị nghi ngờ phơi nhiễm HIV do 1 bệnh nhân bị HIV tử vong. Câu hỏi đặt ra là phải làm gì khi bị phơi nhiễm HIV, hướng xử lý…
Những việc cần làm khi nghi ngờ bị phơi nhiễm HIV
Bước 1: Rửa vết thương bằng xà phòng và nước sạch sau đó sát trùng bằng Javel, cồn 70 độ trong 5 phút.
Nếu bị bắn vào mắt mũi thì rửa bằng nước cất hoặc nước muối NaCl 0,9% liên tục trong 5 phút. Nếu bị bắn vào miệng thì súc bằng dung dịch Nacl 0,9% nhiều lần.
Bước 2: Đi khám ngay.
Bước 3: Uống thuốc kháng virus HIV càng sớm càng tốt, từ 2-6 giờ và trước 72 giờ sau khi bị phơi nhiễm.
Uống thuốc kháng virus HIV càng sớm càng tốt khi nghi ngờ bị phơi nhiễm
Bước 4: Xét nghiệm.
Bước 5: Uống thuốc có tác dụng phụ (sốt phát ban, buồn nôn…) cũng không được ngưng thuốc.
Bước 6: Ngừa lây nhiễm. Dù xét nghiệm âm tính vẫn cần phải dự phòng lây nhiễm bằng cách quan hệ tình dục an toàn, tiêm chích an toàn...
Bước 7: xét nghiệm lại, HIV âm tính vẫn phải kiểm tra lại sau 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng.
Tập trung xử lý triệt để 24 người nghi ngờ phơi nhiễm HIV
Theo báo cáo của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum, nạn nhân bị HIV đã điều trị ARV nhiều năm bởi vậy xét về khoa học, khi người nhiễm HIV đã được điều trị ARV từ 6 tháng trở lên thì nồng độ virus HIV trong máu ở mức rất thấp (dưới ngưỡng ức chế) nên khả năng lây truyền sang những người khác rất thấp.
Đặc biệt, 24 người tham gia cứu hỗ lại được điều trị dự phòng phơi nhiễm ngay. Do vậy, hy vọng những người tiếp xúc trực tiếp với máu nạn nhân này sẽ không ai nhiễm HIV. Không chỉ vậy, việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV kéo dài liên tục trong thời gian 28 ngày, được tư vấn để theo dõi về tác dụng phụ có thể có của thuốc ARV, tư vấn hỗ trợ tâm lý, tuân thủ điều trị.
Sau đó, việc xét nghiệm HIV sẽ được làm lại sau 3 tháng theo quy định mặc dù nguy cơ có thể thấp nhưng những người bị phơi nhiễm chưa loại trừ khả năng đã nhiễm HIV.
Qua đó, các bác sĩ khuyến cáo 24 người trong thời gian điều trị không được cho máu, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, nếu là phụ nữ đang nuôi con nhỏ thì không cho con bú cho đến khi loại trừ được tình trạng nhiễm HIV. Sau 3 tháng xét nghiệm lại nếu âm tính với HIV thì có thể khẳng định chắc chắn là họ không nhiễm HIV.
Suckhoecuocsong.com.vn (Theo 24h.com.vn)