Văn hóa riêng hay tư duy ngược đời của một bộ phận người Việt?
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này và xem xem, nguyên nhân nào đã đưa đường chỉ lối khiến đa số người Việt chúng ta cư xử như vậy.
Nhiều ý kiến cho rằng, người Việt dễ thỏa mãn nên thường xuất hiện tâm lý hưởng thụ và đòi hỏi. Từ đó dẫn đến không chịu làm việc, thiếu tầm tư duy và không chủ động trong công việc. Bên cạnh đó, mục đích khi thực hiện một công việc nào đó không phải là mong muốn phát triển bản thân mà lại là nghĩ đến lợi ích trước mắt cho chính mình chứ không phải cho cả một tập thể… Chúng ta hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này và xem xem, nguyên nhân nào đã “đưa đường chỉ lối” khiến đa số người Việt chúng ta cư xử như vậy nhé!
Ai cũng thấy mình cần được ưu tiên
Từ văn hóa giao thông…
Việt Nam là nước sở hữu nền giao thông “đáng sợ” nhất thế giới.
Tham gia giao thông là phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu thì người Việt chúng ta lại khá vội vàng. Có thể nói, người Việt có vẻ bận rộn hơn rất nhiều so với cộng đồng các nước khác. Ra đường ai cũng vội vàng và thấy mình bận bịu hơn kẻ khác nên ai cũng muốn chiếm “thế thượng phong” trong các điểm nút giao thông. Nếu bạn chậm trễ một chút mà chưa kịp di chuyển khi đèn xanh xuất hiện thì hàng chục tiếng còi sẽ vang lên để nhắc bạn rằng, thời gian quan trọng như thế nào và rằng bạn đang lãng phí “vàng bạc” của chính mình cũng như của nhiều người khác ra sao...
… đến văn hóa đám đông
Nhiều người không chỉ vội vã khi ra đường mà còn tất bật ở cả những nơi, những sự kiện có đông người tham gia. Vậy là chen lấn, xô đẩy, cướp giật (nhất là trong các lễ hội đầu xuân) được dịp “phát huy” mạnh mẽ. Khi đó, ai cũng thấy là mình quan trọng hơn, đáng được ưu tiên hơn do mình đang vội hơn người khác.
Ở các thành phố lớn tại Việt Nam, sẽ không lấy gì làm lạ khi một cô gái trẻ hay một chàng thanh niên thản nhiên cắt ngang một dòng người đang xếp hàng hay đề nghị người đứng trước cho mình làm thủ tục trước vì “tôi đang rất vội”, trong khi chẳng quan tâm người được đề nghị kia có vội như mình hay không!
Chậm rãi thực hiện công việc cá nhân
Vừa nhâm nhi cà phê vừa đọc báo hay tán gẫu đã trở thành một thói quen không thể thiếu mỗi ngày của người Việt.
Buổi sáng, đa phần người Việt vội vã phóng xe đến công sở để chậm rãi ăn sáng, nhâm nhi trà đá, café trước cổng cơ quan trước khi… đun nước, pha trà và tán gẫu tại nơi làm việc. Chiều về, khi hòa vào dòng giao thông, họ lại thay nhau bấm còi inh ỏi để vượt lên phía trước. Có rất nhiều người ăn vận lịch sự nhưng sẵn sàng vượt đèn đỏ nếu vắng bóng CSGT.
Khi thấy họ tất bật trên đường, hẳn nhiều người phải thốt lên rằng: “Có lẽ đây là một người cha thương con, một người chồng yêu vợ hay một người đàn ông có trách nhiệm đang vội vã về với gia đình!”. Trên thực tế, điểm đến của nhiều người đang vội vã phóng xe kia biết đâu lại là những quán bia - nơi họ có thể ngồi lỳ hàng mấy tiếng đồng hồ cùng những bầu tâm sự không bao giờ cạn…
Nguyên nhân nào cho chúng ta?
Cảnh tượng “tranh cướp” của người Việt trong vụ hôi bia ở Đồng Nai.
Về góc độ văn hóa, nhiều ý kiến cho rằng, chuyện người Việt luôn vội vã có nguồn gốc từ quá khứ nghèo khó của đa phần dân chúng. Khi đại bộ phận người dân còn sinh sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp vốn rất bấp bênh do phụ thuộc vào thời tiết và thiên nhiên thì chuyện thiếu thốn lương thực trong giai đoạn từng được gọi là “tháng 3 ngày 8” (giáp hạt) có lẽ thường xuyên xảy ra, đặc biệt là tại các cộng đồng Miền Bắc và Miền Trung – nơi phải chịu thiên nhiên khắc nghiệt hơn.
Thiếu thốn lâu ngày đã tạo nên một tâm lý trong các thành viên cộng đồng, đó là luôn có cảm giác bấp bênh và lo lắng cho tương lai. Do không được dư giả lắm nên mỗi khi có các hoạt động cộng đồng, thường xảy ra hiện tượng hàng hóa không đủ chia cho tất cả. Ví dụ, khi hội làng thì con lợn quá bé lại gầy; sân đình làng quá nhỏ khiến mọi người phải chen chúc… Do vậy, muốn xem hát chèo thì phải vội vàng đi sớm kẻo sẽ hết chỗ; muốn có cân thịt ngon thì cần phải dậy từ mờ sáng để lấy phần... Thiếu thốn về nhiều mặt trong đời sống xã hội đã khiến cho mọi người luôn cần phải khẩn trương nếu không muốn thiệt thòi.
Chuyện phải vội vã di chuyển, không chịu nhường nhịn, thậm chí ganh đua của nhiều người sẽ không cần bàn nếu như họ phải làm vậy do sức ép công việc hoặc vì một mục tiêu lớn lao, ích nước lợi nhà nào đó. Rất tiếc là phần lớn trong chúng ta ganh đua và không nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông chỉ vì để nhanh chóng được thưởng thức một tô phở ngon với chỗ ngồi chật chội hay một ly café ở một góc phố yên tĩnh... Như vậy, chúng ta chỉ thực sự vội vã khi phải hoặc cho rằng mình đang ganh đua với ai đó và nếu mình không nhanh thì chắc sẽ bị thiệt thòi.
Việc chỉ ra những thói hư tật xấu của con người Việt Nam là thực sự cần thiết. Bởi vì một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp đổi mới chính là đổi mới về tư duy cũng như lối sống. Tất cả chúng ta, hãy đừng lảng tránh và nghĩ rằng “chắc chừa mình ra” để phủ định một phần tư duy cũng như lối sống có phần ngược đời này. Có như vậy, Việt Nam mới có thể phát triển theo hướng tích cực, tươi mới và thăng hoa hơn trên trường quốc tế.
Skcs.vn (Trích bài viết: Vì đâu nhiều thứ ở Việt Nam đi ngược thế giới/ vietnamnet)