Phong tục tảo mộ trong ngày thanh minh tháng 3 của người dân Việt

04/04/2016 13:48

Lệ tảo mộ trong ngày thanh minh tiết tháng 3 âm lịch hàng năm.

Dân ta thường có câu: “Sống vì mồ mả, không sống vì cả bát cơm”, để thấy trong quan niệm, mồ mả ông bà, nguồn cội đối với người Việt là rất hệ trọng, không ai dám thờ ơ. Trong phong tục, có nhiều vùng quê Việt giữ lệ tảo mộ trong tiết Thanh minh.

 Thanh minh là một trong 24 tiết khí trong một năm, theo chu kỳ bắt đầu từ lập xuân (ứng với ngày dương lịch là 4.2); Vũ thủy (mưa ẩm); Kinh trập (sâu nở); Xuân phân (giữa mùa xuân), rồi đến Thanh minh (ứng với ngày dương lịch là 4.4); Cốc vũ, Lập hạ, …

Tính từ tiết Lập xuân đến tiết Thanh minh là khoảng trên 60 ngày (có thể lệch vài ngày tùy theo từng năm). Theo lịch 2016, thanh minh năm nay là ngày 4.4 nhằm 27.2 Bính Thân. Năm nào rơi vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch thì gọi là ngày “Thanh minh đích thực”.

Về sự tích tết Thanh minh, Edmond Nordemann (một nhà Việt Nam học người Pháp, rất sành chữ Hán, tự phiên âm tên mình ra chữ Hán là Ngô Đê Mân), có kể lại trong cuốn sách của mình, quyển Chrestomathie annamite (Quảng tập viêm văn) xuất bản ở Hà Nội năm 1898, tuy rất ngắn gọn nhưng lại khá đầy đủ:

“Tết Thanh minh là cách từ hôm lập xuân sáu mươi ngày. Hôm ấy thấy khí trời sáng sủa, hây hẩy gió đông, thì người được mạnh khỏe, thóc lúa được mùa. Bởi thế người ta mới đặt ra hội Đạp thanh, rủ nhau đi thăm nhận các mồ mả tổ tiên, đắp điếm cho cao ráo, quét dọn cho sạch sẽ, rồi về làm cỗ dâng cúng. Trước là cảm đức tổ tiên, sau là ăn uống chơi bời vui vẻ. Ấy, như thế gọi là tết Thanh minh”.

Sách cũng có chép bài thơ nàng Kiều đi chơi hội Thanh minh từ Thúy Kiều thi tập: “Vừa tiết xuân sang liễu rủ mành/ Dập dìu, ai cũng hội Thanh minh…”.

Truyện Kiều - cốt truyện lấy từ “Phong tình lục” của Gia Tĩnh triều Minh (Trung Quốc): “Thanh minh trong tiết tháng ba, Lệ là tảo mộ, hội là Đạp thanh” (câu 22).

Ta biết, Đạp thanh nghĩa đen là dẫm chân lên cỏ xanh. Đây là tập tục đi chơi ngoài đồng nội trước và trong ngày tết Thanh minh. Đạp thanh vốn là ngày hội của người Trung Hoa, thường tổ chức 106 ngày sau tiết đông chí, cùng ngày với tết Thanh minh. Do người người đều đi tảo mộ nên vào ngày ấy, “Ngựa xe như nước áo quần như nêm”, đâu đâu cũng “Dập dìu tài tử giai nhân”.

Xưa, tuyệt đại đa số mồ mả dân gian đều làm bằng đất rất sơ sài nên bên Tàu, vào ngày “trời trong sáng” này, mọi người đều mang cuốc xẻng ra đồng sửa sang, tô bồi mồ mả người thân cho vun cao, lành lặn, đồng thời bày biện lễ vật cúng vái. Giàu có thì dâng cúng tam sinh (3 loại thịt: heo, dê, bò); “thường thường bậc trung” thì trái cây, trà bánh; còn nghèo túng chí ít cũng hương đèn trầu rượu…, cầu xin các hương hồn được siêu thăng “cõi thọ”...

Về lễ vật dâng cúng cũng cần biết, sách Triều dã thiêm tái chép: Phong tục Lĩnh Nam nhà có người đau ốm trước hết giết thịt gà, ngỗng, dê cúng thần cầu phúc. Nếu không khỏi lại giết heo, dê cúng để cầu thần. Tục ấy nay vẫn còn; người xưa chê cười đã lâu vì muốn cầu sinh mà lại sát sinh. Tục đốt mã “giấy tiền vàng bạc” cũng vậy, nói chung thể hiện tấm lòng hiếu thảo, nhưng hay bị lạm dụng.

Nếu ngày xưa đâu đâu bên Tàu cũng: Ngổn ngang gò đống kéo lên, Thoi vàng hồ rắc, tro tiền giấy bay” (Kiều, câu 25), thì ở ta, tự Nguyễn, thời Pháp, hoạt động “Hàng Mã” đã tỏ ra không thua chị kém em: “Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Than/ Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Ngang, Hàng Đồng” (ca dao “Hà Nội ba sáu phố phường”). Ngộ cái là cho đến nay, những người kinh doanh “hàng mã”  vẫn “ăn nên làm ra”!

Qua trên, ta thấy lệ Thanh minh và hội Đạp thanh là chuyện của người Tàu, nhưng vì sao nó lại diễn ra trên đất nước mình? Hẳn phải có duyên do.

Đại Nam thực lục chép, Quý Mùi, năm Minh Mệnh thứ 4 [1823], ngày Giáp Tý, tiết Thanh minh, vua rước Hoàng thái hậu đi yết lăng Thiên Thụ. Lệ trước hằng năm cứ tháng Chạp thì yết. Tháng Chạp năm ngoái thuyền Từ cung đã khởi hành thì gió mưa bỗng nổi, vua vội đem bầy tôi theo hầu. Đến khi lễ xong, hồi loan, vua bảo bộ Lễ rằng: “Lễ yết lăng đời trước phần nhiều theo tiết Thanh minh. Nay lấy kỳ tháng Chạp rét mướt, không những quan viên theo ngự giá phải xông pha lạnh lẽo, mà quân lính hầu ở dọc đường đứng giữa mưa gió lại càng đáng thương. Huống chi nếu thời tiết không tạnh mà trẫm thân rước Từ cung đi lại thì cũng không phải là ý thận trọng. Từ sau, yết lăng lấy tiết Thanh minh làm lệ”.

Như vậy có thể nói, lệ dùng sinh và cỗ dâng cúng trong những ngày Thanh minh là chuyện của hoàng tộc, do triều đình đặt ra từ năm Minh Mạng thứ 4 (1823) nhân tại thời điểm ấy tiết trời quang đãng, ấm áp. Còn trước đó, “sau khi yết tảo (mộ) cuối năm là đến tế chạp, lễ phẩm yết tảo chỉ dùng hương đèn trầu rượu”, và chỉ hương đèn trầu rượu mà thôi, chứ tuyệt nhiên không hề thấy có bày chuyện đốt giấy tiền vàng bạc, nói chung là đồ vàng mã như một bộ phận người dân đã “nghĩ ra”.

Phong tục tảo mộ ở ta cho đến nay diễn ra tại nhiều nơi không cùng thời điểm. Tại các vùng phía Bắc như Thái Bình, Nam Định… người dân thường tảo mộ vào ngày tiết Thanh minh; nhiều địa phương khác tảo mộ vào hạ tuần tháng Chạp hoặc thậm chí là ngay sau Tết.

Đặc biệt là người Việt Nam không có lệ Đạp Thanh, tổ chức ăn nhậu vui vẻ tại mồ mả với người quá cố như người Tàu, vì như đã có nói ở trên. Người Việt quan niệm, ông bà của mình không hề nằm lạnh lẽo ngoài đồng, mà đang ở trong nhà với con cháu, ngay trên ban thờ - một trong những cách suy nghĩ hết sức độc đáo!

Bài văn khấn Lễ âm phần long mạch, sơn thần thổ phủ

Văn khấn lễ âm phần Long Mạch, Sơn thần thổ phủ nơi mộ

Nam mô a di Đà Phật

– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

– Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ, chư vị Tôn thần:

– Con kính lạy các ngài Thần linh bản xứ cai quản trong khu vực này.

Hôm nay là ngày: …………………………………………………

Tín chủ (chúng) con là:……………………………………….

Nhân tiết Thanh minh (hoặc là nhân tiết thu, tiết đông, hoặc nhân ngày lành tháng tốt.. .) tín chủ con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương kính dâng trước án, kính mời chư vị Tôn thần lai lâm chiếu giám.

Gia đình chúng con có ngôi mộ của…………………..

Táng tại xứ này, nay muốn sửa sang xây đắp (hoặc tảo mộ, bốc mộ…) vì vậy chúng con xin kính cáo các đấng Thần linh, Thổ công, Thổ phủ Long Mạch, Tiền Chu Tước, Hậu Huyền Vũ, Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ và Chư vị Tôn thần cai quản trong khu vực này, chúng con kính mời các vị chư Thần về đây chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, độ cho vong linh được an nhàn yên ổn, siêu thoát. Cúi xin các vị phù hộ độ trì cho tín chủ chúng con toàn gia mạnh khỏe an bình, bốn mùa không tật ách, tám tiết hưởng thái bình.

Nam mô a di Đà Phật

Bài văn khấn Lễ vong linh ngoài mộ

Nếu viết văn khấn ra giấy thì đọc, xong hoá ngay cùng tiền vàng. Trong khi đợi tuần nhang thổ địa thì mọi người trong gia đình đi viếng thăm các ngôi mộ của gia đình mình, thắp lên mộ mấy nén. Đứng trước ngôi mộ và khấn:

Văn khấn lễ vong linh ngoài mộ

-Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

-Con Kính lạy Hương linh………………(Hiển khảo, Hiển tỷ hoặc Tổ Khảo………….

Hôm nay là ngày. . ………….

Nhân tiết:………………………….

Tín chủ (chúng) con ……………………………

Ngụ tại:…………………….

Chúng con và tòan thể gia đình con cháu, nhờ công ơn võng cực, nền đức cao dầy, gây dựng cơ nghiệp của………….. chạnh lòng nghĩ đến âm phần ở nơi hoang vắng, tín chủ con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương kính dâng trước mộ, kính mời chân linh……. . .. …….. . …. . . .lai lâm hiến hưởng. Chúng con xin phép được sửa sang phần mộ, bồi xa, bồi thổ, cho được dầy bền, tu sửa minh đường hậu quỷ cho thêm vững chắc. Nhờ ơn Phật Thánh phù trì, đội đức trời che đất chở, cảm niệm Thần linh phù độ, khiến cho được chữ bình an, âm siêu dương thái. Con cháu chúng con xin vì chân linh . . ……..Phát nguyện tích đức tu nhân, làm duyên, làm phúc cúng dâng Tin Bảo, giúp đỡ cô nhi quả phụ, tế bần cứu nạn, hiếu thuận tông nhân để lấy phúc này hướng về Tiên Tổ.

Cúi xin linh thiêng chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ độ trì con cháu, qua lại soi xét cửa nhà. Che tai cứu nạn, ban tài tiếp lộc, điều lành mang đến, điều dữ xua đi. Độ cho gia đạo hưng long, quế hờ tươi tốt, cháu con vinh hưởng lộc trời, già trẻ nhuần ơn Phật Thánh.

Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin chứng giám.

Sau khi khấn xong, đợi hết 2/3 tuần hương thì đi lễ tạ các nơi, hóa vàng, xin lộc và mọi người trở về nhà làm lễ gia thần và gia tiên ở nhà.

Suckhoecuocsong.vn (Tổng hợp)

Các tin khác

Thưởng trà số 2 Tông Đản review: giá chát hơn cả nước trà

Thưởng trà Số 2 Tông Đản giá sốc

Tìm hiểu tục để móng tay dài (móng tay lá lan) của người Việt xưa

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Lịch sử hình thành, các quốc gia công nhận

Trình độ văn hoá của con người đôi khi được thể hiện qua hành động nhỏ

Mách bạn những set quà tặng người yêu trong ngày lễ Valentine cực lãng mạn, ý nghĩa

Điều kiêng kỵ không nên làm tránh xui xẻo trong ngày Tết Đoan Ngọ

Cà phê Espresso, Americano, Latte, Cappuccino, Mocha và Machiato các đặc điểm riêng, cách pha để phân biệt

Ruby: Hồng ngọc hợp với những mệnh nào?

Tục lệ 'khắc dấu' trên đầu trẻ em ở nhóm dân tộc Houeda khiến ai chứng khiến cũng rùng mình