Nuôi tôm mùa lạnh những điều cần biết
Để tôm phát triển khỏe mạnh, ít nhiễm bệnh mùa lạnh người nuôi tôm cần chú ý những điều sau
Tôm sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh nhất khi được nuôi ở nhiệt độ từ 28-32oC. Do đó khi nhiệt độ xuống thấp dưới 26oC khiến khả năng bắt mồi, sức đề kháng, tiêu hóa thức ăn, hoạt động của hệ thống thần kinh bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, khi nhiệt độ xuống thấp là điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus gây hại cho tôm. Để tôm phát triển khỏe mạnh, ít nhiễm bệnh mùa lạnh người nuôi tôm cần chú ý những điều sau đây.
Thức ăn cho tôm trong mùa lạnh
Khi nhiệt độ giảm dưới khoảng tối ưu tôm sẽ không đòi hỏi lượng thức ăn nhiều mà chúng chỉ cần lượng thức ăn vừa đủ để duy trì cơ thể. Trong quá trình nuôi người nuôi nên thường xuyên theo dõi nhiệt độ nước và điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, tránh gây lãng phí, ô nhiễm môi trường ao nuôi, tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển. Khi nhiệt độ ổn định người nuôi cần theo dõi khả năng bắt mồi để điều hỉnh cho phù hợp.
Trong thức ăn nuôi tôm cần bổ sung thêm một số chất hỗ trợ như: men tiêu hóa, vitamin C, vitamin B để tăng sức đề kháng cũng như khả năng hấp thụ cho tôm.
Ao nuôi tôm trong mùa lạnh
Ao nuôi tôm trong mùa lạnh cần được chọn nơi khuất gió, bờ ao được xây dựng chắc chắn để giữ nước ổn định. Mực nước cao>2m nhằm tránh cho nhiệt độ nước thay đổi nhanh, liên tục làm ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm.
Đối với ao nuôi tôm ở khu vực đón gió mùa đông bắc liên tục người nuôi có thể xây dựng phần đáy ao phía Đông Bắc sâu hơn và cần che bạt tránh gió trên bờ ao. Trên mặt nước có thể thả một ít bèo dâu để làm giảm mặt tiếp xúc với không khí, từ đó hạn chế được sự chênh lệch nhiệt độ. Hạn chế các hoạt động dễ gây shock cá như: kéo lưới sang cá, chài kiểm tra,…
Bên cạnh đó, người nuôi nên tạo nơi trú ẩn cho tôm trong những ngày lạnh bằng cách dùng chà cây ở một vùng nhỏ nào đó trong ao. Tuy nhiên phải đảm bảo rằng cây, chà làm nhà cho tôm cá phải được sát trùng và phơi thật kỹ
Người nuôi chỉ thả giống khi nhiệt độ thật sự ổn định, không thả khi đang mùa gió lạnh tràn về. Nếu sau khi thả giống lại gặp những cơn mưa bất thường người nuôi cần dùng vôi bột rải đều trên khắp bờ, mặt ao với lượng 2kg/100m2 để khắc phục tình trạng pH giảm đột ngột làm tăng độc tính của khí H2S làm ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm.
Định kỳ dùng vôi bột hay thuốc sát trùng như đồng sulfat, ; thuốc tím, muối, BKC,…để ngăn chặn sự xâm nhập của các mầm bệnh.
Mùa lạnh tôm sẽ di chuyển xuống đáy ao nên tăng cường sục khí để cung cấp đầy đủ oxy cho các tầng nước, hạn chế tình trạng stress cho tôm hoặc có thể bơm nước từ đáy ao lắng qua để có thể cung cấp thêm nước sạch có nhiệt độ ổn định.
Những hộ gia đình nuôi tôm trong nhà kín, hệ thống nuôi bể có thể sử dụng một số hệ thống nâng nhiệt để giữ nhiệt độ ổn định khi trời lạnh.
Lưu ý:
Hộ gia đình nuôi quảng canh cải tiến
Vào mùa lạnh nên nâng mức nước trong vuông (mương bao >1,2 m, trên mặt trảng >0,5 m). Tuyệt đối không cấp nước trực tiếp từ sông rạch chưa qua lắng lọc vì sẽ gây bệnh cho tôm.
Sử dụng men vi sinh định kỳ để ổn định môi trường, hạn chế khí độc làm sạch môi trường vuông nuôi.
Nếu đang cho tôm ăn dặm hãy ngưng hoặc giảm thức ăn và phối trộn thêm các chất dinh dưỡng như vitamin C, men tiêu hoá…để tăng cường sức đề kháng cho tôm.
Những hộ gia đình nuôi thâm canh
Những hộ gia đình nuôi thâm canh nên nâng mực nước trong ao lên trên 1,4 m, nhằm giữ nhiệt độ ít dao động giữa ngày và đêm. Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi. Bên cạnh đó, tăng cường thời gian vận hành quạt nước nhất là thời điểm ít nắng, ban đêm hoặc nhiệt độ trong ngày xuống thấp.
Tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học để ổn định môi trường, hạn chế khí độc. Nếu phát hiện tôm nuôi bị nhiễm bệnh do vi khuẩn gây ra, cần sử dụng các loại thuốc diệt khuẩn (Iodine, BKC…) để điều trị.
Vào mùa lạnh người nuôi cần thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường 2 lần/ngày để kiểm tra tình trạng sức khỏe tôm nuôi, bờ ao, cống bọng để phát hiện kịp thời các yếu tố bất lợi cho tôm nuôi. Nếu phát hiện các biểu hiện ngoài tầm kiểm soát người nuôi cần liên hệ với cán bộ kỹ thuật chuyên môn để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh tự ý dùng thuốc, hoá chất, kháng sinh cấm để trị các bệnh do vi-rút gây ra, không tự ý xả thảy nước chưa qua xử lý ra môi trường bên ngoài… làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.
Suckhoecuocsong.vn/TH