Người mới nuôi cá cảnh cần nhớ những điều gì
Người mới nuôi cá cảnh cần quan tâm đến điều gì
Nuôi cá cảnh là thú chơi của nhiều người nhằm thư giãn tinh thần sau một ngày làm việc căng thẳng và mệt mỏi. Nuôi cá cảnh còn giúp không gian ngôi nhà thêm phần sinh động, nhiều màu sắc hơn. Nhưng với những người mới bắt đầu tập nuôi cá cảnh cần quan tâm đến những điều gì để cá cảnh luôn khỏe mạnh, ít nhiễm bệnh tật, lên màu rực rỡ.
Chọn loại cá cảnh
Trước khi muốn nuôi cá cảnh người mới nuôi cá cần xác định rõ muốn nuôi loại cá cảnh nào để lựa chọn bể nuôi, nước nuôi phù hợp với từng loại cá cảnh. Khi chọn loại cá cảnh để nuôi cần chọn theo kích thước và giá tiền của từng loại cá cảnh. Những loại cá cảnh có giá tiền cao thường đòi hỏi cách chăm sóc kỹ hơn, yêu cầu môi trường sinh sống cũng cao hơn. Với những người mới chơi có thể tùy thuộc vào tài chính, sở thích mà lựa chọn nuôi cá cảnh phù hợp.
Bể nuôi cá cảnh
Người mới nuôi cá cảnh có thể chọn loại bể cá thủy sinh mini, bể cá cảnh để bàn làm việc hoặc loại bể to có trang bị sục khí oxy, lọc nước đầy đủ, vật trang trí nhân tạo đầy đủ để thả cá cảnh.
Nhưng bể cá cảnh có dung tích từ 8 lít trở lên, càng lớn càng tốt. Bởi cá cảnh là loài luôn luôn vận động, bơi lội, di chuyển cần không gian sống rộng rãi cho quá trình phát triển của cá. Bể nhỏ ít nước sẽ gây stress cá vì thiếu không gian bơi lội, gây biến thiên nhiệt độ cao, không có điều kiện phát triển vi sinh, gây tăng nồng độ NO3, NH3,… cũng như các chất độc hại khác được sinh ra bởi phân cá, thức ăn thừa
Máy lọc
Máy lọc đóng vai trò lọc các cặn bẩn trong bể cá cảnh và là nơi trú ngụ của các vi sinh vật có lợi cho cá cảnh. Các vi sinh vật phát triển trong vật liệu lọc đi theo dòng nước sẽ giúp phân hủy các chất độc, thức ăn thừa và phân cá thành những chất vô hại. Người mới nuôi cá cảnh có thể mua các thiết bị máy lọc của một số hãng như: Sobo, Atman, Sunsun có giá cả phải chăng không quá đắt. Bên cạnh đó, hãy trang bị thêm trong bể nuôi vật liệu lọc vi sinh cơ bản như: sức lọc, nham thạch, neo, matrix để nước nuôi trong vắt không lẫn cặn bẩn, mùi hôi tanh khó chịu.
Nước nuôi
Nên sử dụng nước sạch, nước giếng khoan nhưng nước không lẫn tạp chất, không có mùi lạ hay mùi của hóa chất, không sử dụng nước máy chưa qua xử lý. Một số loại cá cảnh bạn nên cho 1-2gr muối pha vào nước nuôi để cá khỏe hơn, phòng bệnh cho cá.
Vi sinh
Những người mới nuôi nên chuẩn bị vi sinh cho bể nuôi cá. Có thể sử dụng một số loại vi sinh phổ biến được người nuôi cá cảnh kinh nghiệm mách bảo như: ExtraBio, JLAB, EM-Pro. Bởi những hồ mới nuôi chưa có sẵn vi sinh nên cần được bổ sung nhân tạo giúp nước trong bể nuôi mau đạt trạng thái ổn định, tạo môi trường sinh sống cho cá cảnh được tốt hơn. Hơn nữa cá cảnh ăn các loại vi sinh có tác dụng cực tốt cho hệ tiêu hóa của chúng.
Hóa chất khử Clo trong nước
Tại các thành phố nước nuôi cá cảnh thường được sử dụng là nước máy. Nhưng trong nước máy tồn tại hàm lượng Clo không tốt cho cá nên trước khi cho nước vào bể cá nước cần được khử hết hàm lượng Clo trong nước. Ngoài việc phơi nắng từ 1-2 ngày để Clo được khử hoàn toàn người mới nuôi có thể mua các sản phẩm khử Clo được cho phép để khử Clo trong nước. Bạn có thể sử dụng Seachem Prime là loại được tin dùng và có chất lượng cao. Sử dụng 5ml cho 200 lít nước, nếu bể nhỏ chỉ cần 2-3 giọt Seachem Prime là đủ.
Trang bị đèn thủy sinh cho cá cảnh
Bên cạnh việc quan tâm đến nước, bể nuôi người mới nuôi cá cảnh cần quan tâm đến lắp đặt đèn thủy sinh cho cá cảnh. Ánh sáng mặt trời khi chiếu vào bể nuôi cá có thể tạo điều kiện cho các loại rong, rêu, tảo độc phát triển gây ảnh hưởng tới sức khỏe của cá. Do vậy các tốt nhất chính là sử dụng đèn thủy sinh với cường độ chiếu sáng 6-8 tiếng mỗi ngày sẽ giúp quan sát cá tốt hơn, cá phát triển tốt, cây thủy sinh trong hồ vẫn phát triển ổn định.
Cách cho cá ăn
Khá nhiều người mới nuôi thường cho cá ăn nhiều vì nghĩ rằng cá ăn nhiều, ăn thường xuyên sẽ nhanh lớn nhưng đây là quan niệm sai lầm mà nhiều người mới nuôi mắc phải. Người mới nuôi cá cảnh cần nhớ nên cho cá ăn loại thức ăn khô có độ dinh dưỡng cao, kích thước phù hợp với miệng của cá. Những loại thức ăn khô được nén với kích thước lớn hãy ngâm với nước cho mềm rồi mới cho cá cảnh ăn. Bên cạnh, mỗi tuần nên cho cá ăn các loại thức ăn tươi sống như: trùn trỉ, bobo, trùng huyết, artemia, lăng quăng để cung cấp thêm dinh dưỡng cho cá cảnh.
Không nên cho cá ăn quá nhiều và tạo ra các thức ăn thừa. Thức ăn thừa sẽ gây bẩn nước, bẩn đáy bể và tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh phát triển. Mỗi ngày cho cá ăn đều 1-2 lần tùy loại cá cảnh mà bạn đang nuôi.
Bảo trì vệ sinh bể nuôi cá cảnh
Để cá phát triển khỏe mạnh, ngăn sự phát triển của vi khuẩn gây hại cần được vệ sinh bể nuôi cá cảnh. Nên thay 30% nước mỗi tuần một lần dù nước bạn không bị đục. Việc thay nước sẽ có thêm nguồn khoáng chất cho cá, tép và cây thủy sinh
Trong trường hợp cần thay nước trên 50%, hãy chia ra nhiều lần bổ sung nước: 30% rồi nửa tiếng sau thì thêm 20% nữa tránh việc cá cảnh bị shock nước. Nên châm Seachem Prime vào nguồn nước trước khi thay và để đó tầm 10p-30p trước khi đổ vào hồ.
Không nên vệ sinh lọc và thay nước cùng một thời điểm mà hãy dãn cách 2-3 ngày mới thay từng loại một. Bởi nếu bể nuôi có mật độ cá lớn, việc thay đồng thời nước và rửa lọc sẽ thổi bay một lượng lớn vi sinh hữu ích trong bể và gây ảnh hưởng đến độ ổn định của bể. Cá sẽ dễ yếu vì nồng độ NH3, NO3 tăng cao vì thiếu vi sinh tạm thời nên người mới nuôi cần nắm rõ.
Cách thả cá
Nhiều người mới nuôi nghĩ rằng việc thả cá đơn giản chỉ cần cho cá vào bể nuôi là được nhưng kỹ thuật đúng hoàn toàn không phải như vậy. Khi mua cá cảnh ở các cửa hàng cá cảnh về không đổ cá trực tiếp vào bể nuôi hãy dùng kim, châm vài lỗ nhỏ trên bịch nilon sau đó để nguyên bịch nilon cá trong hồ. Nước trong bể nuôi nước chảy vào từ từ vào trong bịch để cá thích nghi môi trường nước và nhiệt độ của bể cá. Cắt bịch nilon và thả cá vào sau 30 phút. Nếu bể nuôi cá đã nuôi khi cá mới mua về nên cách lý cá mới và khử trùng bằng nước muối trước tránh trường hợp cá mới bị bệnh, nấm gây lây nhiễm cá cũ trong bể nuôi.
Suckhoecuocsong.vn/TH