Bệnh dại ở mèo và những dấu hiệu nhận biết
Cách nhận biết mèo bị bệnh dại
Vật nuôi như chó, mèo...không chỉ bảo vệ gia đình mà còn là “người bạn thân thiết” của trẻ em, người cao tuổi, người sống độc thân…Tuy nhiên những vật nuôi này đều có thể mắc bệnh, điển hình là bệnh dại nếu không phát hiện kịp thời khả năng tử vong là rất cao.
Đường lây truyền và những biểu hiện khi bị dại
Mèo khi bị dại sẽ lây nhiễm trong bầy đàn hoặc lây cho loài vật khác thậm chí lây nhiễm sang cho người. Virus gây bệnh dại ở mèo tác động trực tiếp đến hệ thần kinh và tủy sống. Loại virus này còn có khả năng gây bệnh trên hầu hết các loài động vật có vú gồm chó, mèo và cả ở người. Điểm đặc biệt là virus gây bệnh dại thường phát triển mạnh mẽ khi thời tiết nắng nóng trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm. Virus gây bệnh dại ở mèo có khả năng lây truyền rất nhanh bởi chúng tồn tại trong nước bọt của mèo mắc bệnh. Thông qua các vết cắn hoặc cào có thể truyền virus cho vật nuôi khác hoặc ở người.
Thời gian ủ bệnh dại ở mèo kéo dài từ 9 đến 60 ngày. Thông thường sau 15 ngày từ khi có những biểu hiện đầu tiên mèo sẽ dần phát bệnh với những dấu hiệu bất thường như thu mình, trở nên lo lắng và nhút nhát, dễ bị kích động hoặc bị mất phương hướng, hay gầm gừ, dễ cáu kỉnh, hung tợn hơn, thậm chí cắn cả chủ nuôi. Một số cá biệt trở nên điên loạn, cắn xé đồ đạc, có biểu hiện sợ ánh sáng, co giật, suy hô hấp. Một số khác di chuyển chậm chạp, buồn rầu, kém nhanh nhậy. Ở giai đoạn cuối kỳ của bệnh dại, mèo bị chảy nước bọt nhiều, khó nuốt hoặc không thể nuốt, khàn tiếng, không thể kêu như bình thường và sau đó là chết do suy hô hấp, suy tim mạch.
Phương pháp xác định bệnh dại ở mèo
Virus bệnh dại tấn công vào cơ thể chủ yếu cư ngụ trong mô cơ. Sau khoảng gần 90 ngày, chúng sẽ bắt đầu “xâm chiếm” các dây thần kinh khiến vùng não và tủy sống của mèo bị tổn thương đáng kể. Ở giai đoạn này, bệnh dại ở mèo bắt đầu diễn tiến nhanh, các biểu hiện của bệnh ngày một rõ ràng hơn. Đến thời điểm này mèo chỉ sống được thêm khoảng 4 - 5 ngày. Khi mèo phát bệnh, virus dại tồn tại nhiều trong nước bọt và các loại dịch tiết khác như nước mắt, nước tiểu, sữa của mèo cái….
Để xác định bệnh dại ở mèo, một số xét nghiệm có thể được chỉ định như xét nghiệm máu ELISA pháp dùng để chẩn đoán bệnh dại. Xét nghiệm kháng thể huỳnh quang trực tiếp là thử nghiệm chính xác nhất để chẩn đoán virus bệnh dại tuy nhiên cần phải có mô não, vì vậy phương pháp này chỉ có thể áp dụng sau khi con vật đã chết.
Các chuyên gia khuyến cáo để tránh những rủi ro gây bệnh dại cho mèo cũng như các vật nuôi khác người dân không thả rông để tránh lây nhiễm bệnh, đưa vật nuôi đi khám nếu có những biểu hiện bất thường & đặc biệt là duy trì tiêm phòng dại hàng năm.
Suckhoecuocsong.vn