Kỹ thuật trồng bí ngô tại ban công, sân thượng
Hướng dẫn cách trồng và chăm sóc bí ngô trên sân thượng, ban công cho trái to, cây ít sâu bệnh
Bí ngô không chỉ là đồ ăn bổ dưỡng mà bí ngô còn giúp ngăn ngừa tim mạch, ngăn ngừa ung thư, hỗ trợ giảm cân, chống lão hóa da rất tốt cho hệ tiêu hóa. Bí ngô là loài có thể sinnh trưởng tốt ở nhiều vùng khác nhau. Ngày nay, tại một số gia đình thường tận dụng trồng bí ngô ở ban công hay sân thượng. Vậy cách trồng bí ngô trên ban công, sân thượng như thế nào cây sẽ phát triển khỏe mạnh, cho trái to.
Thời gian trồng bí ngô
Thời gian trồng bí ngô thích hợp nhất theo khuyến cáo của các kỹ sư nông nghiệp thì thời vụ chính trồng bí đỏ là vào mùa Thu Đông ( tháng 11,12 dương lịch). Ngoài ra còn vụ Hè Thu (tháng 2-4 dương) cũng có thể trồng bí.
Vị trí trồng bí ngô
Bí ngô là loài cây leo bò lan và rần nhiều không gian để mọc, bạn có thể chọn trồng bí ngô tại ban công, sân thượng nơi có nhiều ánh sáng chiếu. Có thể tận dụng hộp xốp hoặc bao tải, chậu sứ để trồng bí ngô.
Chọn giống bí ngô
Để đảm bảo bí ngô phát triển khỏe mạnh bạn có thể chọn mua hạt giống tại các vườn ươm hoặc mua trên các website bán hạt giống.
Ươm hạt bí ngô
Hạt giống sau khi mua về chọn đất mùn hoặc đất phù sa, dễ thoát nước gieo hạt sâu khoảng 2,5 – 5 cm. Khi gieo hạt mỗi hạt đặt cách nhau 4-7cm.
Sau khi gieo hạt bí đỏ được khoảng 7-10 ngày (cây có từ 2-3 lá nhám), tiến hành bứng cây ra trồng vào khoảng đất trống đã chuẩn bị sẵn hoặc trồng riêng vào từng chậu, thùng xốp, xô nhựa cỡ lớn. Khi cấy cây con xong thì tiến hành tưới và che phủ trong vòng 1 tuần để tránh bị cháy lá.
Đất trồng
Bí đỏ dễ trồng là loại cây không hề kén đất, trồng được trên nhiều nền đất khác nhau. Bạn có thể sử dụng loại đất tribat hay các loại đất hữu cơ sạch giàu chất dinh dưỡng. Đất có thể mua sẵn hoặc trộn đất với phân gà, bò, phân cá, phân trùn quế…
Nước tưới
Bí ngô cần nhiều nước nhưng không quá nhiều. Khi tưới nước cho cây nên tưới nhiều nước để cho nước ngấm sâu vào đất, cố gắng không để nước đọng trên lá cây. Do nếu để nước đọng trên lá sẽ tạo điều kiện cho các loại nấm bệnh phát triển. Thời gian tưới nước cho cây tốt nhất chính là buổi sáng, không tưới vào buổi trưa, nhiệt độ nắng nóng. Bạn có thể tận dụng nước vo gạo để tưới cho cây.
Chăm sóc bí ngô
Khi bí ngô phát triển cao khoảng 1m hãy đắp thêm đất vào thân cây để bí ngô tăng rễ phụ, đảm bảo khả năng hút chất dinh dưỡng và sinh trưởng tốt hơn,
Nên để từ 2-4 nhánh khỏe mạnh nhất cây để giúp bí ngô tập trung dinh dưỡng nuôi trái. Tỉa bớt các lá bí bị vàng úa ở chân giúp cho bí thông thoáng tránh được nấm và để cho ong bướm dễ ràng tìm hoa hút nhụy tăng tỉ lệ đậu quả.
Thụ phấn cho bí ngô
Khi bí ngô ra hoa, bạn tiến hành ngắt hoa đực, bỏ hết đài và cánh hoa, quét nhị đực lên nướm vòi nhụy.
Khi cây được 15 ngày tuổi thì tiến hành bón thúc đợt 1 bằng phân bò, phân gà, trùn quế… Cứ khoảng 20 ngày thì tiến hành bón phân đợt tiếp theo.
Phòng trừ sâu bệnh hại trên bí ngô
Rệp muội (Aphis sp.) và bọ trĩ (Thrips palmi)
Đây là những sâu hại thường thấy trên cây bí đỏ và là môi giới lan truyền bệnh khảm virus.
Phòng trừ bằng phun các thuốc Sherpa, Fastac, Polytrin, Confidor.
Bệnh đốm vàng
Nguyên nhân: Do nấm Pseudoperonospora cubensis
Phòng trừ bằng các thuốc Mexyl – MZ, Ridomil gold, Ridozeb, Carbenzim…
Bệnh phấn trắng
Nguyên nhân: do nấm Erysiphe cichoracearum
Phòng trừ: Dùng các thuốc Rovral, Score, Folpan, Anvil…
Ngoài ra có bệnh chết cây con (do nấm Rhizotonia solani), bệnh héo vàng (do nấm Fusarium oxysporum), bệnh khảm lá virus…
Thu hoạch
Khoảng 30 ngày tính từ ngày đậu quả, là trái có thể thu hoạch. Nếu bạn muốn để được lâu hơn, thì đợi cho quả bí ngô chín già, vỏ cứng và có lớp phấn trắng. Lúc này bạn ngắt trái và để nơi thoáng mát. Thời gian bảo quản có thể đến vài tháng.
Suckhoecuocsong.vn