Kinh nghiệm trồng và chăm sóc giống lan hồ điệp bạn đã biết

09/03/2018 09:57

Kỹ thuật trồng lan hồ điệp

Lan Hồ điệp Phalaenopsis thuộc họ lớn nhất trong vưong quốc các loài cây, họ lan Orchid Orchidaceae. Những loại này lá loại độc chân không có lá bên, trong khi đó nhánh chính tiếp tục phát triển quanh năm và chỉ một chùm hoa có thể mọc ra từ một nách lá. Phalaenopsis có những lá mập xếp thành 2 dãy đối xứng.

Trong thiên nhiên, Phalaenopsis phát triển trong tất cả các vùng nhiệt đới châu Á, Cây phát triển trong tự nhiên ở nhiệt độ ngày là 28-35°C, đêm: 20-24°C và độ ẩm tương đối cao.

Phalaenopsis ưa bóng râm, cây có khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng qua rễ và lá. Rễ cũng đóng vai trò neo giữ cây.

Lan Hồ Điệp có chừng 44 loại nguyên giống, mọc trên dãy Himalaya đến suốt châu Á và sang cả Úc châu. Việt Nam có chừng 7-8 giống. Vào năm 1750 G.E. Rumphius đã tìm ra cây Hồ Điệp nhưng lầm tưởng là một loại Angraecum và sau này Carl Blume mới tìm ra cây Phalaenopsis amabilis vào năm 1825. Theo tiếng La tinh chữ Phaluna có nghĩa là con bướm (moth) và opsis có nghĩa là giống như. Lan Hồ điệp là một loại lan thân đơn, ngắn, lá to và cứng, rễ dài. Những cây nguyên giống thường nở hoa vào mùa đông xuân, các cây lai giống hoa nở quanh năm. Nếu nuôi đúng cách lan hồ điệp có thể sống rất lâu. Có cây sống được trên 18 năm sau đó ra hoa ở ngọn rồi mới chết.

Kinh nghiệm khi trồng lan hồ điệp:

- Lan Hồ Điệp không thích đọng nước trên lá qua đêm. Nếu để đọng nước trên lá như vậy lá của nó có thể bị nhiễm bệnh.

- Hồ Điệp có thể cho bông trong điều kiện nhiệt độ dưới 65 độ F hay 18 độ C.

- Hồ Điệp là giống lan cho bông lâu tàn nhất trong điều kiện chăm sóc lý tưởng.

- Hồ Điệp thích ẩm ướt.

- Hồ Điệp ưa được trồng trong chậu chặt khít.

- Hồ Điệp ưa trồng trong giá thể có kích thước trung bình.

- Hồ Điệp không thích bị khô giữa hai kỳ tưới nước giống như một số loại lan khác. Một số loại lan giữa 2 lần tưới cần có 1 khoảng thời gian khô ráo.

Ghi chú:

Cách đổi độ F sang độ C: °C = (°F – 32) / 1.8

Với Hồ Điệp thì kinh nghiệm cho thấy, không cần tưới nước nhiều, 1 tuần không tưới cũng không chết được. Nhưng do Hồ Điệp rất thích ẩm nên rất dễ bị nấm, do đó phải thường xuyên phun thuốc phòng nấm. Mùa khô, nếu gió nhiều, cây dễ mất ẩm, nên thường xuyên kiểm tra để tưới thêm. Mùa mưa nên tránh không cho nước mưa đọng trên lá, không để mưa trực tiếp vô lá làm thối lá. Trồng trong chậu kín, muốn giữ ẩm tốt  thì không nên tưới nhiều làm thối rễ. Trồng thoáng, để rễ mọc phía trên thì tưới nước thường xuyên để giữ độ ẩm.

Về ánh sáng thì Hồ Điệp không cần nhiều sáng, nhiều cây trồng trong nhà gần cửa sổ gắn kiếng, có chút ánh sáng ban ngày vẫn có thể cho bông. Hồ  Điệp có đặc tính khi ra bông, nếu không cắt vòi khi bông tàn, để 1 thời gian vòi đó vẫn cho nhánh ra bông tiếp. Vì vậy, nếu chăm tốt, vòi bự thì nên để vòi sau khi hoa tàn, dưỡng cây 1 thời gian lại cho bông tiếp trên vòi đó. Nhưng cần lưu ý lan nuôi bông thường rất yếu, nếu tham để bông lâu thì cây sẽ đuối, lá không cứng nổi. Người biết chơi thường cắt vòi sau khi hoa tàn, hoặc thấy cây yếu thì cắt vòi sớm hơn. Sau đó dưỡng cây bằng phân 30-10-10 một thời gian cho cây khoẻ lại mới nghĩ tới chuyện kích 6-30-30 để cho vòi khác.

Hồ Điệp là giống lan có hoa lâu tàn nhất. Khi có bông, nếu không tưới phân, không để nước phun lên bông, không để ngoài nắng thì bông có thể chơi tới 2 tháng. Mãn Thiên Hồng cũng họ hồ điệp là loại có hoa bền nhất./.

Sâu bệnh

Nếu lan bị các loại sâu hại thân lá có thể dùng các thuốc chứa hoạt chất : Fenitrothion, Trichlorfon như Ofatox 400EC, hoạt chất Cartap như Patox 95SP hay Captafon, Captan hoặc Actara 25WG. Lan bị rệp sáp, rệp trắng, rầy mềm dùng Supracid 40ED/ND, Suprathion 40EC, Bitox 40EC hay Ofatox 400EC. Lan bị nấm, vi khuẩn hay virus gây nên tình trạng cháy lá từng đám, vết cháy lan tròn dần, bệnh thối rễ dùng Zinep, Starner 20 WP hay Benomyl.

Kỹ thuật kích thích ra hoa

Hoa lan hồ điệp tàn sau khi nở 3 tháng. Sau khi hoa tàn, bạn có thể điều khiển cho cây ra hoa lại bằng cách cắt bỏ toàn bộ cuống hoa. Thỉnh thoảng việc làm này cũng có thể cho một cụm hoa mới, mà nó có thể xuất hiện trong vòng 9 tháng. Phương pháp này rất tốt nếu cuống hoa già và có màu nâu. Nhưng, nếu cuống hoa còn màu xanh, bạn có thể cắt một đốt trên cuống hoa. Đoạn cành cắt bỏ dài khoảng 10-12cm. Điều này có thể giúp hình thành một cành mới trong vòng 2-3 tuần.

Kỹ thuật cắt tỉa khi rễ cây bị hỏng

Nếu rễ cây bị hỏng nhiều, gỡ bỏ toàn bộ phần rêu nước trong bầu cây để cắt rễ thối, cắt bỏ toàn bộ các rễ bị thối hoặc dập gãy. Bôi vôi, keo vào vết cắt, bỏ ít xốp vào đáy chậu.

Cây bị cắt gần như hết rễ nên rất khó đứng vững trong chậu. Dùng một thỏi xốp hình chữ nhật, đặt vào chính giữa gốc cây, cho cây lên cục xốp đó. Buộc dây vào gốc và buộc cố định chắc chắn sang hai bên không cho cây bị lung lay khi cầm chậu.

Để cây vào chỗ mát, tránh mưa tuyệt đối, để khô khoảng ba ngày sau thì tưới đẫm toàn bộ chậu 1 lần. Pha phân bón B1 hoặc thuốc kích thích tăng trưởng như Atonic, K/H… thật loãng, tỉ lệ 1/2 thìa cà phê cho 20 lít nước phun sương ẩm hàng ngày.

Khoảng 1-2 tuần sau, các rễ mới nhú ra, đợi khi rễ non cắm vào giá thể thì đổ thêm một lớp đất vào. Sau 1-2 tháng cây phát triển ổn định trở lại, bón phân, tưới nước bình thường.

Theo kcmdanang.org.vn

Các tin khác

Kinh nghiệm cắt tỉa, kích thích hoa quỳnh ra nhiều hoa

Hướng dẫn cách sơ chế và bảo quản hoa quỳnh

Kinh nghiệm trồng hoa quỳnh tại vườn nhà

Hướng dẫn cách sơ chế, bảo quản cây cơm cháy

Kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây cơm cháy chuẩn nhất

Hướng dẫn cách thu hoạch, bảo quản khế

Hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh ở cây khế

Hướng dẫn cách trồng khế tại nhà chuẩn xác

Kinh nghiệm thu hoạch, bảo quản cây mật nhân chuẩn xác

Kinh nghiệm trồng cây mật nhân trong vườn nhà