Kinh nghiệm trồng hoa quỳnh tại vườn nhà
Hướng dẫn cách trồng hoa quỳnh tại nhà
Hoa quỳnh sở hữu vẻ đẹp quý phái, có mùi hương thơm độc đáo, với cánh hoa mềm mạnh, mỏng nhẹ, nhụy vàng rất đẹp mắt. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cách trồng và chăm sóc hoa quỳnh tại vườn nhà.
Hoa quỳnh hay còn biết đến tên gọi khác là Dạ Quỳnh, hoa Nhật Quỳnh, loài hoa này còn được mệnh danh là nữ hoàng bóng đêm, thuộc họ xương rồng, sinh trưởng ở nhiều khu vực trên thế giới.
Chúng có thân dài, uốn lượn, không có lá khác với một số cây hoa khác, được chia thành các thùy rộng, dẹp, có độ rộng khoảng 1-5cm, độ dày khoảng 3-5mm. Khi nở hoa các cánh hoa sẽ có màu trắng mềm mại, mỏng nhẹ, nhụy vàng, hoa thường mọc ở kẽ của những vết khía trên thân, hình chuông, giống chiếc kèn với 3-5 lớp cánh. Tại Việt Nam hoa thường có màu trắng nhưng ở một số nơi hoa sẽ có màu hồng, đỏ, vàng, cam… đường kính đạt 8-20 cm. Vào ban đêm khi những bông hoa quỳnh nở sẽ ngửi thấy mùi thơm dịu nhẹ, thường nở khoảng tháng 6 và tháng 7.
Không chỉ sở hữu vẻ đẹp độc đáo, loài hoa này còn được biết đến là vị thuốc chữa bệnh về hô hấp, đau bụng, giảm bầm tím, trị viêm phế quản, lao hạch, lao phổi, sỏi thận, sỏi bàng quang hay sỏi đường tiết niệu.
Hướng dẫn cách trồng hoa quỳnh tại nhà
Đất trồng hoa quỳnh
Hoa quỳnh thường sinh trưởng ở những khu vực bóng râm nên loài cây này khá dễ trồng, chúng sinh trưởng tốt khi được trồng trong khu vực đất trồng giàu chất hữu cơ và thoát nước tốt, có độ pH từ 6.0 đến 6.5, có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 15 - 20 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.
Chọn giống cây hoa quỳnh
Nên chọn các cây giống có lá xanh tươi, thân và cành của cây không có dấu hiệu của bệnh tật hoặc sâu bệnh. Gốc cây mạnh mẽ, khỏe mạnh, rễ không bị nhiễm nấm hại. Cành giống nên bỏ bớt các cành quỳnh nhỏ, thân quá cỗi và giữ lại những cành to, thân (lá) dày. Để riêng những cành vừa cắt vào trong chỗ mát, một tuần sau đem ra trồng để vết cắt lành, không bị nhiễm nấm.
Cách trồng
Sau khi lựa chọn giống cây chất lượng hãy cắm cành giống sâu khoảng 1 - 2cm vào trong chậu đất đã chuẩn bị sẵn. Cắm nọc trụ buộc cho nhánh quỳnh tựa vào giúp cố định nhánh ra rễ. Dùng bao nilon trùm lên trên cây giống không phủ kín hoàn toàn, để chỗ mát 1 tuần, sau đó mở bao nilong và đưa ra nắng từ từ
Trong vòng 1-2 tuàn đầu không nên tưới quá nhiều nước, sau đó tưới dần dần nước giúp cho đất không bị quá ẩm, quá khô.
Ánh sáng
Nên trồng cây hoa quỳnh ở khu vực có nhiều nắng chiếu vào nhưng tránh trồng cây tại khu vực có ánh nắng trực tiếp.
Nước tưới
Hoa quỳnh không cần tưới nước quá thường xuyên, cần để đất của chậu quỳnh khô mặt, rồi mới tưới nước. Bởi nếu tưới nhiều nước, rễ sẽ bị úng, cây sẽ không ra lộc non và không có hoa.
Phân bón
Để bổ sung dinh dưỡng cho cây phát triển, chống lại sâu bệnh, nấm hại trong quá trình sinh trưởng có thể bổ sung phân hữu cơ hoặc phân : Peters 20-20-20, Miracle Gro, hoặc Super Bloom. Mỗi tháng một cốc nhỏ từ tháng 4 đến tháng 9, không nên dùng những loại phân bón có nồng độ nitơ cao
Cách giúp cây hoa quỳnh nhanh ra hoa
Muốn cây hoa quỳnh nhanh ra hoa hãy để đất của chậu quỳnh khô kiệt hẳn một thời gian, ngưng tưới nước trong vòng từ 3-4 tuần giúp đất trong chậu quỳnh khô hẳn nước. Tạo tình trạng khô hạn như các cây xương rồng trong sa mạc, nhưng không để cây bị héo sau đó cây sẽ bắt đầu ra nụ và cho những bông hoa nở đẹp rực rỡ.
Suckhoecuocsong.vn