Du lịch Nam Định, cẩm nang

10/11/2015 16:24

Du lịch Nam định ăn gì, chơi gì, ở đâu những điều cần biết

Nếu tính bằng đường sắt thì là 87km, từ ga Hàng Cỏ (bây giờ gọi là ga Hà Nội) đến ga Năng Tĩnh (bây giờ là ga Nam Định). Nếu tính bằng đường sông (từ bến Phà Đen đến bến Đò Quan) thì là 108km, nếu tính đường bộ thì Nam Định cách Hà Nội 90km. Khoảng cách Hà Nội - Nam Định được tính theo vị trí 2 cột cây số 0km tại 2 bưu điện thành phố, đi dọc theo quốc lộ 1 và quốc lộ 21.

Du lịch Nam Định, cẩm nang

 

Phương tiện

 

Phương tiện di chuyển đến Nam Định khá thuận tiện, có 3 loại:

 

- Xe khách,

- Tàu lửa hay

- Đường thủy.

- Ôtô, xe máy cá nhân

 

Nam Định là thành phố khá thuận tiện cho những chuyến du lịch trong ngày bởi khoảng cách không quá xa. Đây là nơi có rất nhiều điểm thăm quan, du lịch hoang sơ tuyệt đẹp như Cồn Lu - Cồn Ngạn, vườn chim lớn nhất Việt Nam đến những địa danh được xây dựng cổ xưa như nhà thờ Bùi Chu…..Nói đến Nam Định không thể không nói đến các bờ biển như Quất Lâm, Thịnh Long v.v

 

Đến vào thời điểm nào?

 

Bất kỳ thời điểm nào Nam Định cũng đẹp nhưng nếu đến vào dịp rằm tháng Giêng, bạn sẽ được hòa mình vào lễ hội Khai Ấn lớn nhất nhì tỉnh.

 

Lưu trú

 

Nam Định rất phù hợp cho những chuyến đi ngắn ngày thậm trí có thể đi về trong ngày tuy nhiên nếu bạn muốn cùng gia đình hưởng một chút bình yên thì có thể nghỉ tại các bãi biển của Nam Định hoặc có thể dừng chân trong thành phố để khám phá các địa điểm thăm quan khác. Một số khách sạn,nhà nghỉ bạn có thể tham khảo là khách sạn Nam Định, khách sạn tại bãi biển Thịnh Long, nhà nghỉ Công Đoàn. Lưu ý đặt phòng trước khi đến.

 

Đặc sản Nam Định

 

Nam Định có nhiều đặc sản nổi tiếng như gạo tám xoan, chuối ngự, gạo nếp cái hoa vàng Hải hậu, phở bò, bánh gai, kẹo dồi, bánh đậu xanh, bánh nhãn, kẹo Sìu Châu (kẹo lạc Nam Định), bún chả Thành Nam, nem nắm Giao Thủy, nem Chạo Giao Xuân - Giao Thủy, gỏi nhệch và cá nướng rơm Hải Hậu, rượu Bỉnh Ri - Giao Thịnh.

 

Địa điểm thăm quan tại Nam Định:

 

Tháp Phổ Minh - Nam Định

 

Tháp Phổ Minh được xây dựng từ thời Lý. Năm 1262 vua Trần Thái Tông cho mở rộng với qui mô lớn hơn và trong đó có tháp Phổ Minh. Đây là nơi tu hành, tụng niệm của các quan lại, quý tộc nhà Trần.

Toàn thể ngôi chùa được bố trí theo kiểu nội công ngoại quốc và thể hiện rõ dấu ấn hài hòa của ba tôn giáo Nho - Phật - Lão. Trong chùa có nhà thủy tạ, có hồ sen và nhiều cây cổ thụ xum suê. Cụm kiến trúc chính của chùa bao gồm 9 gian tiền đường gắn với thiêu hương 3 gian, thượng điện 3 gian. Qua sân hẹp, dãy ngang 11 gian kết hợp với hành lang mỗi bên 11 gian tạo thành quần thể “Nội Công Ngoại Quốc”.

 

Chùa Phổ Minh mở đầu kiến trúc Phật giáo thời Trần. Các công trình kiến trúc và chạm khắc ở đây còn giữ được dấu ấn của thời Trần, thời Mạc như: bộ cánh cửa bằng gỗ lim, tháp Phổ Minh, đôi sấu ở tam quan, rồng ở thành bậc tiền đường, tháp và tượng Bà chúa Mạc, v.v…

 

Tháp Phổ Minh gồm 14 tầng, cao 21,2m, mặt quay hướng Nam, mặt bằng được bố cục vuông, cạnh đáy của đế dài 5,21m, cửa các tầng ở 4 phía được trổ theo lối cuốn tò vò.

 

Dạng kiến trúc của tháp là dạng trung gian giữa loại tháp hoa sen (phần trên) và tháp tu-di-tọa (phần đế). Trọng lượng táp khoảng 700 tấn trên một diện tích nhỏ 30m2 lại ở vùng chiêm trũng nhưng vẫn đứng vững suốt bảy thế kỷ qua.Tháp là một trong những nơi thờ xá-lợi Trần Nhân Tông. Chùa đã được trùng tu nhiều lần, lần đại tu mới nhất là các năm 1994-1995. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

 

Cồn Lu - Cồn Ngạn Nam Định

 

Cồn Lu - Cồn Cạn là khu rừng ngập mặn thuộc huyện Giao Thủy cách thành phố Nam Ðịnh 60 km về phía đông nam. Với diện tích 7785 ha, đây là rừng sinh thái ven biển tự nhiên khá tiêu biểu với rất nhiều loại động thực vật quý.

 

Cồn Lu-Cồn Ngạn từ nhiều đời nay đã là điểm dừng chân của rất nhiều loài chim di trú từ phương bắc. Hàng năm cứ vào tháng 11 đến tháng 12 âm lịch, từng đàn chim, đông hàng vạn con từ Xibêri, Hàn Quốc, Trung Quốc di cư tránh rét đến dừng chân tại đây, tích lũy năng lượng, đẻ trứng rồi lại bay đi. Theo đánh giá của các nhà khoa học thì ở đây có tới 181 loài chim về cư trú, trong đó có những loài được ghi vào sách đỏ như cò thìa, bồ nông, mòng biển.

 

Vào những ngày chim về cư trú, nếu bơi thuyền hay đi bộ len lỏi trong rừng xú, vẹt ta có thể ngắm nhìn rất nhiều loài chim lạ nhởn nhơ đi lại, kiếm ăn, những cảnh mà chắc chắn rất nhiều người chỉ được đọc trong sách hoặc xem trên truyền hình.

 

Với vị trí đặc biệt trên, năm 1989 UNESCO đã chính thức công nhận khu Cồn Lu-Cồn Ngạn được tham gia Công ước RAMSAR về bảo tồn tự nhiên.

 

Di tích Phủ Dầy

 

Phủ Dầy thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản là nơi thờ bà chúa Liễu Hạnh, một trong Tứ Bất Tử của Việt Nam. Di tích Phủ Dầy là một quần thể gồm Phủ Tiên Hương thuộc thôn Tiên Hương, Phủ Vân Cát thuộc thôn Vân Cát và lăng bà chúa Liễu. Quần thể di tích được xây dựng trong một khu vực địa lý có nhiều dấu vết văn hoá của cư dân Việt xưa và nay.

Cách đó không xa có núi Lê, núi Gôi, với các hang động nơi cư trú của Người tiền sử. Với những di vật văn hoá thời kỳ đồ đá: Rìu đá, cuốc đá... là những dấu vết văn hoá, chứng tỏ sự xuất hiện khá sớm của con người trên mảnh đất này.

 

Phủ Tiên Hương có 19 toà với 81 gian lớn nhỏ, mặt Phủ quay phía Tây Nam nhìn về dãy núi Tiên Hương. Trước phủ có hồ và một sân rộng, có ba toà nhà giàn hàng ngang hai tầng, tách mái. Đây là Phương Du nơi đón khách tới hành hương, Phương Du có cấu trúc cân đối, các mảng trạm khắc trên các cấu kiện rất hài hoà, thanh thoát thể hiện hình rồng, hình phượng (hai trong bốn con vật tứ linh). Liền đó là hồ bán nguyệt ghép bằng đá lục lăng, có đường kính dài 26m, hệ thống lan can bao quanh hồ được xây dựng rất mỹ thuật, hai cầu nước được trạm khắc hình con rồng, với móng vuốt sắc nhọn tinh sảo.

 

Phủ Vân Cát là một công trình kiến trúc qui mô, được xây dựng trên khu đất rộng ước chừng gần 1 ha, đứng biệt lập, nhưng cũng thuận lợi về giao thông, do vậy khách hành hương không thể không đến Phủ Vân.

 

Ngày nay tuy bị hư hỏng nhiều, nhưng Phủ Vân Cát vẫn còn 7 toà với 30 gian lớn nhỏ. Cung đệ tứ, mái cong, làm theo lối chồng diêm tám mái, các cấu kiện như bẩy, kẻ, được gia công trạm khắc long hoá, soi chỉ rất công phu, con rồng uyển chuyển nhẹ bay trên xà, trên bẩy, đan xen có những con phượng, vờn múa theo nhiều kiểu dáng, con "qui" ẩn hiện nơi ao sen, bầy "ly" vui đùa uốn lượn ở góc xà, đầu bẩy rất sinh động, đây là đề tài "tứ linh" được thể hiện "ẩn hiện" (hư thực) rất uyển chuyển.

 

Toà giám mục Bùi Chu

 

Nói đến Nam Định không thể không nói đến hệ thống các nhà thờ. Nổi tiếng là Tòa Giám mục Bùi Chu được xây dựng vào năm 1885, trên diện tích khoảng gần 10 ha, nằm men theo hồ nước nhỏ, ở giữa có hòn non bộ nối liền bờ bằng chiếc cầu bê tông, trước mặt là chính tòa dài 70m, rộng 18m, cao 15m với tháp chuông đăng đối cao 28,7m. Chính tòa xây dựng kiểu chứ đinh, mái được chịu lực bằng hai hàng cột lim, mỗi hàng 10 cột, đường kính cột khoảng 0,8m. Hai hàng cột được đặt trên 20 viên đá tảng trang trí hoa lá cách điệu đẹp mắt. Kế đó sát gần cồng vào Nhà chung là một ngôi nhà bốn gian lợp ngói ta, kiến trúc tương tự như những ngôi chùa của thế kỷ XVIII với mái cong, xà bẩy, con sơn chạm khắc hoa lá. Khu Tiền tế được lát gạch cỡ lớn 40x40cm. Hiện nay, ngôi nhà này là dấu tích đầu tiên của các giáo sĩ đến hành đạo và làm lễ từ khoảng đầu thế kỷ XVIII.

Tiếp đó, qua cổng nhà thờ là khu Nhà chung bao gồm hàng chục ngôi nhà theo nhiều kiểu kiến trúc khác nhau tạo nên một quần thể liên hoàn như khu Nhà nguyện, nơi ở của các giám mục, linh mục, tu sĩ, nơi làm việc…, khu lưu trữ các tài liệu của giáo hội, khu hành lễ và đào tạo tu sĩ. Tiếp đến phía Bắc của Tòa Giám mục là nhà Dục Anh nơi chuyên nuôi trẻ mồ côi, tàn tật và những người già cả neo đơn không nơi nương tựa. Kế phía tây bên phải là khu vực của dòng tu “Mến thánh giá”. Giáp với khuôn viên Tòa Giám mục và chủng viện là công trình phục vụ cho sinh hoạt, là nghĩa trang Công giáo và hệ thống tường, cổng ra vào hết sức quy mô.

 

Tuy vậy, quy mô của Tòa Giám mục không chỉ bó hẹp trong phạm vi đó mà cùng với bảy nhà thờ khác trong xã nha Trung Lễ, Liên Thủy, Liên Thượng, Hạ Linh…tạo nên một hệ thống hoàn chỉnh phục vụ cho Tòa Giám mục Bùi Chu.

 

Lăng Bà Chúa Liễu

 

Lăng Bà chúa Liễu là nơi thờ "Khải sinh thánh phụ Trần Quý Công", "Khải sinh thánh mẫu Trần Môn Chính Thất" và Trần Đào Lang (là bố, mẹ và chồng của Bà Chúa Liễu Hạnh).

Cung đệ nhất (chính cung) có 1 khám thờ, khảm trai, bề thế và tinh sảo. Bên trong có 5 toà Long cung sơn son thiếp vàng rực rỡ. Đây là nơi đặt năm pho tượng có giá trị mỹ thuật của thế kỷ XIX. Đó là tượng "Thánh phụ thánh mẫu" và "Tam toà thánh mẫu".

 

Vườn chim lớn nhất Việt Nam

 

Khu bảo tồn đất ngập nước Xuân Thủy (cách Nam Ðịnh-60km)-điểm Ramsar duy nhất của VN, có tầm quan trọng quốc tế là một bãi bồi rộng lớn nằm ở phía nam của sông Hồng với tổng diện tích đăng ký tham gia công ước Ramsar là 12.000ha, trong đó ngoài diện tích đầm lầy còn có hơn 3.000ha rừng ngập mặn.

 

Ðây là hệ sinh thái cửa sông ven biển rất quan trọng cả về mặt sinh thái (nơi sinh sống của nhiều loài quan trọng là bãi sinh sản của các loài thủy sinh...) và kinh tế xã hội (chắn bão, chắn sóng, cung cấp nguồn lợi thủy hải sản biển và ven bờ...). Xuân Thủy được các nhà điểu học quốc tế thừa nhận là "sân ga của các dòng chim di trú quốc tế" với hơn 200 loài, trong đó gần 100 loài chim di cư và hơn 50 loài chim nước. Tại khu vực này, các nhà khoa học đã xác nhận có đến chín loài chim được ghi trong sách đỏ quốc tế gồm: bồ nông (hai loài), cò thìa (hai loài), mòng bể đầu đen mỏ ngắn, cò trắng Trung Quốc, choi choi mỏ thìa, choắt đầu đốm và choắt chân màng lớn.

 

Xuân Thủy được chọn làm trạm dừng chân của hàng ngàn con chim di trú với nhiều loại giống loài trên đường tìm về phương nam khi mùa đông về cuối tháng 11 và khi chúng quay lại phương nam cuối tháng 2 đầu tháng 3 hàng năm.

 

Biển Thịnh Long

 

Đến Nam Định, bạn còn được vẫy vùng ở Thịnh Long, bãi biển tuyệt đẹp với cát mịn, nước trong, sóng nhẹ, hàng phi lao xa ngút tầm mắt mang đến vẻ đẹp thuần khiết, khoáng đạt hay hiêm ngưỡng các bức tranh tuyệt đẹp của thời gian in bóng trên dòng nước, thưởng thức bữa tiệc hải sản tươi ngon bên bếp lửa cùng bạn bè, người thân.

 

Một số địa điểm gợi ý

 

Bên cạnh dấu ấn của các vua thời Trần, Nam Định cũng sở hữu quần thể các di tích thờ vua Đinh Tiên Hoàng gồm Đền Vua Đinh (Yên Thắng), đền Thượng, đình Thượng Đồng, đình Cát Đằng ở Yên Tiến, Ý Yên và đền Vua Đinh ở làng việt cổ Bách Cốc, Vụ Bản.

 

Sẽ sai sót nếu nhắc đến dấu ấn của các vua mà không nhắc đến các công trình, di tích lịch sử mang đậm dấu ấn văn hóa, con người của vùng đất này như đền Trần, nơi vào đúng giờ Tý rằm tháng Giêng hàng năm có lễ Khai Ấn; hội Phủ Dầy, chùa Vọng Cung, chùa Keo (Hành Thiện), chùa Cổ Lễ (nơi tu hành của ba vị Nam thiền tam tổ); phủ Quảng Cung (Phủ Nấp); chùa Phổ Minh; hàng loạt mộ của các văn sỹ như mộ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, mộ nhà thơ Tú Xương hay những kiến trúc Pháp còn sót lại của nơi này như nhà thờ Khoái Đồng, trường Nguyễn Khuyến, nhà máy dệt...

 

Chúc các bạn có chuyến du lịch thú vị

Du lịch Nam Định, cẩm nang

Suckhoecuocsong.com.vn

Các tin khác

Khám phá rừng thông Bản Áng: những điều cần biết

Ghé thăm thung lũng mận Nà Ka, thiên đường hoa mận trắng

Kinh nghiệm khám phá bản Thung Cuông

Top những đặc sản nên mua về khi đi du lịch Sơn La

Du lịch Ngọc Chiến, Sơn La nên ăn món gì?

Top homestay Ngọc Chiến Sơn La đẹp mê hồn

Pomu Homestay Ngọc Chiến, Sơn La: giá phòng, điện thoại, chất lượng dịch vụ

Pearl Homestay Ngọc Chiến, Sơn La: giá phòng, điện thoại, chất lượng dịch vụ

Kinh nghiệm trải nghiệm suối khoáng nóng Ngọc Chiến - Sơn La

Ghé thăm bản Sông Moóc: Sapa thu nhỏ của Bình Liêu