Đôi nét về nghề làm vàng quỳ truyền thống làng Kiêu Kỵ
Nghề quỳ vàng bạc ở Kiêu Kỵ có lịch sử ra đời, tồn tại đã mấy trăm năm, tuy thăng trầm nhưng quan trọng nhất, nó vẫn được chính người làng nghề yêu mến.
Điểm khởi nguồn của một làng nghề truyền thống
Nghề dát vàng truyền thống tại làng Kiêu Kỵ.
Trước Cách mạng tháng 8, nghề làm vàng quỳ khá phát đạt khi làng cung cấp vàng quỳ cho hầu hết các công trình tín ngưỡng cung đình để dát lên các tượng phật, ngai vàng, hoành phi, câu đối, kiệu rước hay tranh sơn mài… Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, nghề làm vàng quỳ gần như bị mai một, dân làng phải chuyển sang làm nghề sản xuất đồ dùng bằng da và giả da.
Sau ngày thống nhất đất nước, nhất là thời kỳ kinh tế mở cửa, các công trình văn hoá, các di tích lịch sử được khôi phục hoặc xây dựng mới rất cần đến vàng quỳ, do đó nghề truyền thống ở Kiêu Kỵ được khôi phục và phát triển. Hiện, có đến gần 50 gia đình chuyên kinh doanh vàng quỳ, nhiều hộ sản xuất với quy mô lớn và có tới 20 thợ làm việc. Nhờ vậy, hàng trăm thanh niên làng sau khi rời khỏi trường phổ thông cùng vài trăm lao động nữ đều có công ăn việc làm và thu nhập ổn định.
Văn hóa cổ truyền được người người yêu mến
Nói đến Kiêu Kỵ là nói đến một làng nghề thủ công truyền thống, vừa là sinh kế, lại vừa góp phần tạo dựng nên một nền văn hoá giàu bản sắc Việt… Trên thực tế, không có loại máy móc nào dù hiện đại, có thể thay thế được đôi bàn tay khéo léo của người thợ thủ công của làng quê Kiêu Kỵ trong việc làm quỳ.
Để làm ra một sản phẩm quỳ vàng hay quỳ bạc với chất lượng cao thì phải có sự kết hợp nhịp nhàng của nhiều người thợ trong một dây chuyền sản xuất đồng bộ và khép kín, một người thợ dù tài giỏi đến đâu đi nữa cũng không thể làm hết các công việc được.
Để làm ra một sản phẩm quỳ vàng chất lượng, cần phải có sự kết hợp nhịp nhàng của nhiều người thợ…
Nghề quỳ vàng bạc ở Kiêu Kỵ có lịch sử ra đời, tồn tại đã mấy trăm năm, tuy thăng trầm nhưng quan trọng nhất, nó vẫn được chính người làng nghề yêu mến, ngợi ca, gìn giữ và phát triển cùng với thời gian, góp phần thiết thực làm phong phú đời sống và văn hoá làng nghề cổ truyền đặc sắc Việt Nam.
Trong tiến trình lịch sử - văn hoá dân tộc nói chung và lịch sử một vùng đất nói riêng, có những làng nghề ra đời, phát triển, tuy thăng trầm nhưng cuối cùng vẫn chứng tỏ một sức sống nội tại sâu xa từ trong nguồn mạch, làng nghề dát vàng Kiêu Kỵ đã là một minh chứng sinh động cho điều đó. Được như vậy cũng bởi vì người Kiêu Kỵ có lòng yêu nghề, chí nhẫn nại và đức tin sâu sắc vào tiếng gọi quê hương canh cánh trong lòng.
Nếu có cơ hội, hãy một lần về thăm làng Kiêu Kỵ để hiểu hơn về con người và sản phẩm của làng nghề, để thêm yêu và biết rằng có một làng nghề truyền thống như thế ở Hà Nội, đã, đang và sẽ phát triển cùng đất nước bạn nhé!
An Nguyên - Skcs.vn (Tổng hợp)