Địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng ở Hà Nội (Phần 6)

27/10/2014 10:29

Đền Kim Liên, Đền Voi Phục, Đền Quán Thánh, Đền Bạch Mã...là những địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng tại Hà Nội.

 

Đền Kim Liên:

 

Đền Kim Liên là một trấn ở phía nam thành Thăng Long, cùng với đền Quán Thánh trấn phía bắc (còn gọi là Trấn Vũ), đền Bạch Mã ở phía đông, đền Voi Phục phía tây (còn gọi là Thủ Lệ, Linh Lang) họp thành Thăng Long tứ trấn tạo nên ý nghĩa và tầm vóc của mảnh đất kinh kỳ.Đền trước đây thuộc địa phận phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức nay là phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Đình thờ thần Cao Sơn.

 

Tương truyền thần đã có công giúp Sơn Tinh chiến thắng Thuỷ Tinh và sau này lại giúp vua Lê Tương Dực dẹp loạn, khôi phục nhà Lê. Do đó vua Lê cho xây đền, dựng bia để hương khói phụng thờ. Chịu tác động của thăng trầm lịch sử, đến nay đền không còn nguyên dạng (toàn bộ nhà bái đường đã bị tàn phá), chỉ còn lại nhà hậu đường ba gian, tam quan, cổng gạch và hai giải vũ. Tam quan và đền xây trên gò đất cao, từ sân bước lên phải qua chín bậc gạch, hai bên thềm là hai sấu đá niên đại thời Lê. Tam quan xây thành nhà hoàn chỉnh, kiểu tường hồi bít đốc. Bốn góc tường hồi có bốn cột trụ, bốn bộ vì đỡ mái làm theo kiểu chồng giường, giá chiêng, cột trốn. Các con giường chạm nổi hình mây cuốn, câu đầu và hai bẩy hai vì ngoài chạm bong kênh và chạm lộng nhiều lớp hình tứ linh. Trong đền vẫn còn long ngai thờ thần Cao Sơn và hai nữ thần phối hưởng: Thuỷ Tinh đệ Tam Tôn nữ và Huệ Minh phu nhân (không rõ sự tích). Đền còn giữ được 39 đạo sắc phong trong đó 26 đạo thời Lê Trung Hưng, 13 đạo thời Nguyễn, ngoài ra là các câu đối, bia đá trong hốc cây có bài văn bia của Lê Trung Hưng.

 

 

Đền Kim Liên là một trấn ở phía nam thành Thăng Long.

 

Đền Voi Phục:

 

Sở dĩ gọi là đền Voi Phục vì tại cửa đền có đắp hai con voi quỳ ngay ở cổng đi vào. Đền còn có tên là đền Thủ Lệ; Linh Lang do thờ thần Linh Lang đại vương. Đền nằm phía tây kinh thành Thăng Long cũ, nay thuộc phường Cầu Giấy, quận Ba Đình, Hà Nội. Đền là một trong "Thăng Long tứ trấn", được dựng năm Chương Thánh Gia Khánh thứ bảy (1065) đời vua Lý Thánh Tông. Tương truyền Linh Lang là con trai thứ tư của ông.

 

Trong đền có hai pho tượng đồng và hòn đá to có vết lõm, tương truyền là nơi Linh Lang nằm gối đầu lên rồi hoá thành con giao long và trườn xuống hồ. Đầu năm 1994, nhân dân Thủ Lệ quyên góp đúc lại quả chuông chiều cao 93cm, đường kính miệng 70cm, thân chia 4 múi, mỗi múi có hai hàng chữ Hán đúc nổi: "Tây trấn thượng đẳng".

 

Đường vào đền có nhiều cây cổ thụ, đền được xây cạnh hồ Thủ Lệ, có khuôn viên rộng rãi, cây cối xanh um tùm nên được coi là một cảnh đẹp của thủ đô Hà Nội.  

 

Đền Quán Thánh:

 

Đền hiện ở ngã tư đường Thanh Niên và đường Quán Thánh, đời Lê thuộc đất phường Thụy Chương, huyện Vĩnh Thuận, phía nam Hồ Tây. Đền được lập từ khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long (năm 1010). Vua cho rước bài vị của thần về ở phía tây bắc thành, gọi là Huyền Thiên Trấn Vũ đại đế quán. Quán là nơi thờ tự của đạo Giáo, dân chúng quen gọi là đền Trấn Vũ hoặc đền Quán Thánh.

 

Sự tích đền cho biết: Huyền Thiên Trấn Vũ là thần cai quản phương bắc giúp dân trừ tà ma, yêu quái phá hoại đời sống yên lành vùng chung quanh thành Thăng Long: trừ rùa thành tinh (đời Hùng Vương 14), trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ, giúp An Dương Vương trừ tinh gà trắng xây thành Cổ Loa, diệt hồ ly tinh trên sông Hồng đời vua Lý Thánh Tông... Đến thời nhà Lê, các vua cũng thường đến đây để cầu mưa mỗi khi có hạn hán. Ngôi đền hiện nay đã được sửa chữa nhiều lần.

 

 

Đền Quán Thánh hiện ở ngã tư đường Thanh Niên và đường Quán Thánh.

 

Năm Đinh Tỵ niên hiệu Vĩnh Trị II (1677), đời Lê Hy Tông, chúa Trịnh Tạc sai đình thần là Nguyễn Đình Luân trùng tu. Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được triều đình cho đúc lại bằng đồng đen (hun). Tượng cao khoảng 3,96m, chu vi 8m. Tượng mặt vuông, mắt nhìn thẳng, râu dài, tóc xoã không đội mũ, mặc áo đạo sĩ, ngồi trên bục đá, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm có rắn quấn và chống lên lưng một con rùa. Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ là một công trình nghệ thuật độc đáo, đánh dấu kỹ thuật đúc đồng và tài nghệ của dân ta cách đây ba thế kỷ. Tại nhà bái đường còn một pho tượng nữa, nhỏ hơn, cũng bằng đồng đen, nhiều người cho rằng đây là tượng ông Trùm Trọng, người thợ cả đã chỉ huy việc đúc pho tượng Trấn Vũ. Tượng này là do các học trò của ông đúc để ghi nhớ công ơn thầy. Cùng đúc với tượng là quả chuông cao gần 1,5m treo ở gác tam quan. Văn bia tại đền do trạng nguyên Đặng Công Chất và tiến sĩ Hồ Sĩ Dương soạn. Thời Tây Sơn, đô đốc Lê Văn Ngữ, cùng nhiều người nữa đã quyên tiền đúc chiếc khánh bằng đồng (1,10m x 1,25m) vào năm Cảnh Thịnh thứ hai. Đến thời Nguyễn, vua Minh Mạng đến thăm đền, đã cấp tiền tu sửa. Năm 1923, cho đổi là Trấn Vũ quán.

 

Năm 1856, bố chánh Sơn Tây là Phạm Xuân Quế, bố chánh Hà Nội là Tôn Thất Giáo, tri huyện Vĩnh Thuận là Phan Huy Khiêm đã tổ chức quyên góp trùng tu, sửa lại chính điện, đình thiêu hương, bái đường và gác chuông, làm thêm hai dãy hành lang bên phải và bên trái, đắp lại bốn pho tượng đại nguyên soái, tượng thần Đương Niên hành khiển, Văn Xương Đế Quân và dời xuống hậu đường phía sau. Năm 1842, vua Thiệu Trị đến thăm và dâng một đồng tiền vàng, cộng với số tiền vàng do các hoàng thân dâng, đúc lại thành vòng. Vòng dùng sợi dây bạc xâu để treo ở cổ tay tượng thần. Đằng sau đền lại đắp hòn núi non bộ trong một bể con và dựng một đền nhỏ gọi là Vũ Đương Sơn. Sửa chữa xong, có dựng bia do tiến sĩ Lê Hy Vĩnh soạn. Đền hiện nay có sáu bia, kiến trúc, trang trí của đền hiệnnay mang phong cách thời Nguyễn.

 

Đền Bạch Mã:

 

Đền thuộc phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nay là 76 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đền thờ thần Long Đỗ tức Bạch Mã, vị thần bảo hộ kinh thành Thăng Long. Theo một bộ sách soạn ở thế kỷ XIV thì chính thần Bạch Mã đã cảnh cáo Cao Biền, một viên quan Trung Quốc, sang cai trị, khoảng thời gian từ năm 866 đến năm 875, khiến y sợ hãi phải lập đền thờ. Một truyền thuyết khác kể thêm: khi vua Lý Công Uẩn định đô Thăng Long (1010), xây thành mà cứ bị sụt lở, ông tới đây cầu lễ và lạ thay, một buổi sáng chợt thấy có con ngựa trắng từ trong đền đi ra, chạy vòng quanh khu vực đang xây thành, chạy đến đâu để dấu chân đến đấy rồi trở lại đền và vụt biến. Vua Lý cứ theo vết chân ngựa mà xây, thành không lở nữa. Vua bèn phong thần Long Đỗ làm thành hoàng bảo vệ cho Thăng Long. Từ đó thần có thêm tên là Bạch Mã.

 

Đền đã được sửa chữa nhiều lần, cuối thế kỷ XVII được tôn nền cũ và mở rộng. Năm 1781, chúa Trịnh cho dân các giáp Mật Thái, Bắc Thượng, Bắc Hạ thuộc phường Hà Khẩu chung quanh đền Bạch Mã được "tạo lệ" (sắm lễ vật tế, không phải sưu sai, tạp dịch khác). Năm 1829, sửa chữa đền thêm tráng lệ. Năm 1839, dựng văn chỉ ở bên trái đền, dựng Phương đình để làm nơi cúng lễ các tuần tiết. Trong đền hiện nay còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật có giá trị như 15 văn bia (nội dung các văn bia đề cập sự tích của đền, thần, nghi lễ cúng thần, các lần trùng tu tôn tạo), đồ thờ gồm các vũ khí thời cổ như xích, đao, thương, câu liêm... được sơn son thếp vàng, chạm khắc tinh xảo. Trong đền, cùng với các lư hương đồng, bình đồng, còn có tượng Phật và một đôi hạc, đôi phỗng trong tư thế đứng trang nghiêm.

 

Lễ hội đền hằng năm vào tháng hai âm lịch, trước đây có tổ chức lễ đánh trâu rước xuân.

 

Skcs.vn  

Các tin khác

Khám phá rừng thông Bản Áng: những điều cần biết

Ghé thăm thung lũng mận Nà Ka, thiên đường hoa mận trắng

Kinh nghiệm khám phá bản Thung Cuông

Top những đặc sản nên mua về khi đi du lịch Sơn La

Du lịch Ngọc Chiến, Sơn La nên ăn món gì?

Top homestay Ngọc Chiến Sơn La đẹp mê hồn

Pomu Homestay Ngọc Chiến, Sơn La: giá phòng, điện thoại, chất lượng dịch vụ

Pearl Homestay Ngọc Chiến, Sơn La: giá phòng, điện thoại, chất lượng dịch vụ

Kinh nghiệm trải nghiệm suối khoáng nóng Ngọc Chiến - Sơn La

Ghé thăm bản Sông Moóc: Sapa thu nhỏ của Bình Liêu