Địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng ở Hà Nội (Phần 5)

27/10/2014 10:13

Khu phố cổ Hà Nội, những ngôi nhà cổ, di tích lịch sử... là những địa điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội.

 

Khu phố cổ Hà Nội:

 

Khu phố cổ Hà Nội, từng được các du khách phương Tây ví với thành Venice cổ kính, cho đến hôm hay vẫn là khu phố cổ xưa độc đáo ở Việt Nam.

 

Khu phố cổ Hà Nội thường được gọi là khu 36 phố phường nằm ở trung tâm thành phố Hà Nội, thuộc quận Hoàn Kiếm, có diện tích là 100 ha, được giới hạn phía bắc là đường Hàng Đậu, phía nam là các đường phố Hàng Bông - Hàng Gai - Cầu Gỗ và Hàng Thùng; phía đông là đường Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải, phía tây là đường Phùng Hưng.

 

Nơi đây, xưa là các phường hội thủ công. Mỗi phố mang tên một hàng hoá: Hàng Nón, Hàng Chiếu... Trong khu phố cổ Hà Nội, xen lẫn các ngôi nhà truyền thống là các công trình văn hóa, lịch sử, tôn giáo và các nhà hàng ẩm thực. Khu phố cổ còn giữ được dáng vẻ kiến trúc của dân tộc Việt Nam và châu Á - tạo thành một quần thể kiến trúc độc đáo - nhà cửa san sát, phố xá tấp nập. Nhiều hoạt động trong đời sống hằng ngày của người dân đô thị diễn ra tấp nập: sinh hoạt, bán hàng, sản xuất, vui chơi, nghỉ ngơi, lễ hội, tạo nên sức sống mãnh liệt để khu phố tồn tại và phát triển liên tục.

 

 

Khu phố cổ Hà Nội thường được gọi là khu 36 phố phường nằm ở trung tâm thành phố Hà Nội, thuộc quận Hoàn Kiếm.

 

Hà Nội xưa phân chia thành hai khu vực rõ rệt: khu thành cấm dành cho vua chúa, quan lại và khu buôn bán dành cho dân chúng - chính là khu phố cổ ngày nay. Thời trước, khu phố cổ được hình thành từ một mạng lưới giao thông đường sông với hệ thống kênh rạch tạo bởi các nhánh của sông Hồng và sông Tô Lịch. Những thợ thủ công lành nghề được triều đình tuyển chọn đã lập ra các làng nghề ngay gần khu vực các cổng hoàng thành. Thế kỷ XI, đây đã trở thành một khu phố buôn bán sầm uất với những phường thợ tách biệt chuyên làm một loại mặt hàng. Chính vì vậy, đến ngày nay, thành phố vẫn thường được gọi là Hà Nội - 36 phố phường. Mỗi phường bắt đầu bằng chữ "Hàng" như Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Thiếc, Hàng Giấy, Hàng Mã, Hàng Giầy... “Hàng” tiếng Việt cổ có nghĩa là hàng hóa, và các khu phố được đặt tên theo loại mặt hàng bán nhất định. Một vài khu phố ngày nay vẫn bán những mặt hàng truyền thống đó.

 

Phố cổ thực sự là khu vực rất hấp dẫn để du khách khám phá. Những ngôi nhà “ống” trong khu vực này là những ngôi nhà bề ngang hẹp và kéo dài về phía sau. Để thấy độ sâu của chúng, có thể xuôi theo những ngõ hẻm giữa các tòa nhà hoặc thăm một trong những cửa hàng trên phố Hàng Gai.

 

cuộc sống trên phố cổ hiện tại vẫn diễn ra sôi động. Ngay từ sáng sớm, đường phố đã đông người: người đi làm, người bán hàng, người đi chơi... Những người đàn ông làm những nghề do cha ông truyền lại, các cụ bà trông coi nhà thờ họ, trông cháu hay bán thuốc lá, trông coi nhà cửa... Thậm chí trong những đêm đông giá lạnh, người Hà Nội vẫn có thói quen tụ tập, cùng nhau thưởng thức món ăn.

 

Phố cổ Hà Nội đang đứng trước những biến động to lớn và phức tạp của sự thích ứng với đời sống xã hội phát triển, làm cho một số ngôi nhà, đoạn phố bị thay thế bởi những khối kiến trúc mới, hiện đại. Song phố cổ vẫn còn đầy vẻ quyến rũ với những ngôi nhà ống nhỏ nhắn, xinh xắn và rêu phong, thấp thoáng ẩn mình trong màu xanh mượt mà và ngọt ngào hương hoa của cây lá. Phố cổ không bao giờ phai mờ vẻ đẹp thuần khiết, thanh tao.

 

Ngôi nhà cổ 87 Mã Mây:

 

 

Nhà cổ 87 Mã Mây là nơi giới thiệu kiến trúc cổ Hà Nội và gợi ý nhân dân phố cổ cách bảo tồn, tôn tạo nhà cổ.

 

Ngôi nhà cổ 87 Mã Mây nằm ở phía bắc hồ Hoàn Kiếm. Phố Mã Mây xưa kia là hai phố: đoạn đầu là phố Hàng Mây chuyên bán song mây, đoạn sau là phố Hàng Mã, thời Pháp thuộc còn có tên Quân Cờ Đen.

 

Ngôi nhà được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX. Với kiến trúc kiểu nhà truyền thống: giữa các lớp nhà có sân trong để lấy gió và ánh sáng, tầng một (phần tiếp giáp mặt phố) dùng để bán hàng, phía trong để ở và sản xuất, phần trong cùng là bếp và khu vệ sinh. Tầng hai, phòng ngoài để thờ và tiếp khách, phòng trong là nơi ở. Ngôi nhà còn được giữ lại các chi tiết kiến trúc cổ Hà Nội.

 

Ngôi nhà được cải tạo, bảo tồn năm 1999 và hoàn thành tháng 10 năm 1999. Ngôi nhà là nơi giới thiệu kiến trúc cổ Hà Nội và gợi ý nhân dân phố cổ cách bảo tồn, tôn tạo nhà cổ.

 

Ngôi nhà cổ 38 Hàng Đào:

 

Ngôi nhà 38 Hàng Đào, nguyên là đình Đồng Lạc (đình chợ bán yếm lụa). Đình được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XVII) với quy mô rộng rãi: Nhưng vì chiến tranh, đình bị phá huỷ. Khoảng năm 1856 (niên hiệu Tự Đức, Bính Thìn), ngôi đình này được trùng tu.

 

Năm 1941 (niên đại Bảo Đại 15), đình được xây dựng lại với quy mô hai tầng. Tầng một sử dụng để ở, điện thờ được đưa lên tầng hai. Trước và sau nhà có sân trồng cây. Ngồi nhà còn giữ lại được tấm bia đá cách đây hơn 150 năm một di vật hiếm có ở các đình Hà Nội) và một số họa tiết trang trí của đình.

 

Ngôi nhà được cải tạo, bảo tồn từ đầu năm 2000 và khánh thành vào tháng 4 năm 2000. Nơi này giới thiệu kỹ thuật xây dựng truyền thống, kết hợp kỹ thuật tôn tạo hiện đại cũng như những thông tin về bảo tồn, tôn tạo phố cổ.

 

 

Ô Quan Chưởng là một trong 21 cửa ô còn sót lại của toà thành Thăng Long cũ xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10.

 

Ô Quan Chưởng:

 

Đây là một trong 21 cửa ô còn sót lại của toà thành Thăng Long cũ xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), đến năm Gia Long thứ ba được xây dựng lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay.

 

Hiện cửa ô còn nguyên cửa chính và hai cửa con hai bên, trên tường cửa chính có gắn một tấm đá đặt năm 1882 ghi lệnh cấm người canh gác không được sách nhiễu nhân dân mỗi khi qua lại cửa ô. Bên trên cửa lớn có ba chữ Hán "Đông Hà Môn" tức là cửa ô Đông Hà, tên gọi một phường thời Lê bao gồm khu vực Hàng Chiếu, Thanh Hà, Đào Duy Từ. Cửa ô còn có tên gọi khác là Ô Quan Chưởng.

 

Tương truyền, tên gọi này bắt nguồn từ sự kiện năm Tự Đức thứ 26, khi thực dân Pháp đánh thành Hà Nội (20-11-1873), chúng kéo quân từ dưới tàu chiến đậu ở bến sông lên, khi bắt đầu qua cửa ô Đông Hà thì vấp phải sức kháng cự quyết liệt của quân Hà Nội do một viên quan chưởng cơ chỉ huy và bị thiệt hại khá nặng. Về sau Pháp có thêm viện binh.

 

Kết cục, viên chưởng cơ cùng toàn thể binh lính gồm một trăm người đều anh dũng hy sinh. Để tỏ lòng ngưỡng mộ người chưởng cơ anh dũng, nhân dân đổi gọi cửa ô là ô Quan Chưởng.

 

Tuy nhiên, sự kiện năm 1873 cho đến nay vẫn chưa được xác minh. Vì vậy, tên ô Quan Chưởng vẫn còn đó như một tồn nghi.

 

Skcs.vn

Các tin khác

Khám phá rừng thông Bản Áng: những điều cần biết

Ghé thăm thung lũng mận Nà Ka, thiên đường hoa mận trắng

Kinh nghiệm khám phá bản Thung Cuông

Top những đặc sản nên mua về khi đi du lịch Sơn La

Du lịch Ngọc Chiến, Sơn La nên ăn món gì?

Top homestay Ngọc Chiến Sơn La đẹp mê hồn

Pomu Homestay Ngọc Chiến, Sơn La: giá phòng, điện thoại, chất lượng dịch vụ

Pearl Homestay Ngọc Chiến, Sơn La: giá phòng, điện thoại, chất lượng dịch vụ

Kinh nghiệm trải nghiệm suối khoáng nóng Ngọc Chiến - Sơn La

Ghé thăm bản Sông Moóc: Sapa thu nhỏ của Bình Liêu