Danh thắng Tràng An: Nơi mơ đến, chốn mong về

01/07/2016 08:13

Lạc vào không gian huyên ảo với núi đá vôi tại danh thắng Tràng An

Tràng An là một khu du lịch sinh thái nằm trong Quần thể di sản thế giới Tràng An thuộc tỉnh Ninh Bình. Nằm cách Hà Nội gần 100 km và cách trung tâm thành phố Ninh Bình 7km, nơi đây đã thực sự trở thành “Nơi mơ đến, chốn mong về” của du khách trong và ngoài nước.

Danh thắng trải rộng trên 2000 ha, được tạo nên bởi  các dải núi đá vôi, các hang động kỳ ảo, cùng với hàng chục di tích lịch sử - văn hóa bao gồm đền thờ, chùa chiền, tạo nên một không gian huyền ảo, trữ tình hiếm thấy.Hàm chứa những giá trị nổi bật toàn cầu về kiến tạo địa chất, địa mạo, khảo cổ và thẩm mỹ nên khu du lịch đã được UNECO vinh danh công nhận là Di sản Văn hóa và thiên nhiên Thế giới..

Bến thuyền là nơi khởi đầu cho một chuyến du ngoạn bằng thuyền để khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của Tràng An. Vào mùa lễ hội đầu năm, nơi đây trên bến dưới thuyền vô cùng tấp nập. Từng chiếc thuyền nhỏ, mỗi chiếc chở 4-5 người sẽ đưa du khách ngắm cảnh núi non, sơn thủy hữu tình, tham quan các di tích lịch sử như Đền Trình ,ngôi đền nghìn tuổi nổi tiếng linh thiêng ở Ninh Bình.

Đền Trình ngôi đền nghìn tuổi

 Đền Trình, nằm dưới chân núi theo thế “Ỷ sơn, diện thủy” đã có cách đây hơn một nghìn năm về trước. Trải qua bao phong sương, mưa nắng, sự biến đổi của lịch sử, của thời gian, hiện nay đền đã được trùng tu và sửa chữa khang trang và to đẹp hơn. Đền được xây dựng theo hình chữ đinh, trong chính cung điện của đền thờ Tứ trụ triều đình nhà Đinh (Bốn công thần khai quốc) là: Ngoại giáp Đinh Điền, Định Quốc công Nguyễn Bặc, Đô hộ phủ sỹ sư Lưu Cơ, và Trịnh Tú. Đây là bốn vị công thần cùng với vua Đinh Tiên Hoàng đã dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lập ra nước Đại Cồ Việt. Phần tiền đường thờ hai vị quan trung thần nhà Đinh tước hiệu là Tả Thanh Trù giám sát Đại tướng quân và Hữu Thanh Trù giám sát Đại tướng quân. Đương triều họ là 2 Giám sát Đại tướng quân cai quản kho vàng, két bạc của vua. Tương truyền, khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, triều đình rối ren, họ đã mang giấu Đinh Toàn tại đây để tránh sự truy bắt của Lê Hoàn. Khi Thái hậu Dương Vân Nga trao mũ áo long bào nhường ngôi vua cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, hai ông đã không khuất phục và tuẫn tiết tại khu vực này, nhân dân đã xây dựng ngôi Phủ bên sườn núi để thờ hai ông.

Đền Trần “Hoa Lư tứ trấn”

Một địa điểm tâm linh khác khi đến với Tràng An bạn không thể bỏ qua đó là Đền Trần. Tương truyền đây là ngôi đền được các vị vua nhà Trần cho xây dựng phục vụ các hoạt động tín ngưỡng trong những năm tháng lui về hành cung Vũ Lâm, chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. Đền Trần còn có tên gọi là Đền Nội Lâm (Đền trong rừng). Đền được xây dựng từ thời nhà Đinh, là một trong “Hoa Lư tứ trấn”. Đến thế kỷ thứ XIII, vua Trần Thái Tông cho tu sửa lại nên gọi là đền Trần.

Đền là nơi thờ tự Trung Hưng tướng Quý Minh – một trong hai vị tướng trấn ải xứ Sơn Nam và Hoàng Phi quý nương là phu nhân của ông. Theo ngọc phả hiện đang lưu giữ tại đền Cả (Hoa Lư, Ninh Bình), Quý Minh là một trong ba anh em, đồng thời là ba vị tướng có công dẹp giặc dưới thời vua Hùng thứ 18, đã được phong thánh gồm Sơn Thánh Tản Vương và Cao Sơn Đại Vương.Đền được xây dựng theo kiểu chữ nhị, gồm hai tòa liền nhau. Tòa ngoài (Tiền bái) gồm 3 gian, 2 dĩ, quy mô nhỏ. Gian giữa rộng nhất. Mái tòa tiền bái cuốn vòm bằng bê tông, nhưng bên trong lại dùng các phiến đá xanh để lát trần. Chính giữa nóc của mái trang trí hình hổ phù, hai bên có rồng chầu. Hai cột trụ xây liền với hai tường bên, phía trên trang trí hình hai con nghê.

Tòa tiền bái để trống, không có cánh cửa, có hai hàng cột đá. Hàng cột thứ nhất gồm 4 cột, làm bằng đá xanh nguyên khối. Mặt ngoài của cột chạm nổi đề tài độc long, mây, sóng nước, cá chép hóa long, sư tử và hoa lá cách điệu... Nét chạm khắc rất tinh xảo. Mặt hông của 4 cột đều trang trí hai đôi câu đối chạm khắc luôn vào thân cột. Hàng cột thứ hai cũng làm bằng đá xanh nguyên khối. Hai cột ở ngoài cùng trang trí hình độc long chầu vào và đề tài hoa lá cách điệu. Hai cột ở giữa trang trí đôi câu đối. Nét chạm khắc bay bổng, tính thẩm mỹ cao.Đá xanh nguyên khối cũng là chất liệu làm nhang án thờ tại gian chính giữa tòa tiền bái và bàn thờ đá tại chính giữa tòa hậu cung. Bên trên tòa hậu cung có hai long cung, bên trong long cung có tượng Quý Minh Đại Vương và phu nhân của ngài là Minh Hoa Công Chúa. Trong cùng tòa hậu cung có hàng cột đá gồm 4 cột, đều có chân tảng bằng đá xanh, làm theo kiểu hình hộp vuông, thắt cổ bồng, trang trí đề tài hoa sen.

Bức tượng Quý Minh Đại Vương được tạc ở tư thế ngồi trên bệ, mắt nhìn thẳng, chân chữ ngũ, đầu đội mũ quan, tay phải cầm chùy, tay trái nắm chặt để trên đùi. Tượng của Minh Hoa Công Chúa tạc ở tư thế ngồi, chân chữ ngũ, mặt hiền từ, mắt nhìn thẳng, tay phải cầm quạt để ngang bụng, tay trái úp xuống đặt trên đầu gối. Phía bên phải của đền có một bệ thờ lộ thiên thờ Mẫu Thượng Thiên Thượng Ngàn.

Ngoài giá trị về kiến trúc đá độc đáo, đặc sắc, Ngôi đền rất linh thiêng, là nơi mà khách thập phương đến cầu an, cầu phúc, cầu tự.

Phủ Khống căn cứ quân sự của kinh thành Hoa Lư

 Ngoài Đền Trần, Phủ Khống cũng là 1 nơi tâm linh nổi tiếng với truyền thuyết cây thị ngàn năm. Phủ Khống được dựng gần cửa Hang Khống, hướng về phía thung Khống. Phủ Khống nằm trên một dải đất hẹp, lưng tựa vào hang Khống, bên phải là dãy núi đá dựng đứng, trước mặt là thung nước mênh mông. Với địa thế đó, nơi này trước kia được vua Đinh chọn làm căn cứ quân sự, trấn giữ phía nam kinh thành Hoa Lư.

Đây là di tích thờ vị quan đầu triều của nhà Đinh (không rõ tên húy), hiệu vị là Đinh Công tiết chế. Theo truyền thuyết, khi Vua Đinh và con trai trưởng là Đinh Liễn bị sát hại, Đinh Toàn lên ngôi Hoàng đế khi mới 6 tuổi. Trước nguy cơ xâm lược của nhà Tống, Thái hậu Dương Vân Nga đã trao áo long bào cho Thập Đạo Tướng quân Lê Hoàn, Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế. Một số vị quan triều Đinh không khuất phục, đem quân chống lại Lê Hoàn. Đinh Công tiết chế bị giam lỏng (Khống chế) ở khu vực này (Phủ Khống ngày nay). Khi nghe tin các cánh quân chống lại Lê Hoàn đều bị thất bại, các viên quan bị bắt và bị sát hại, Đinh Công tiết chế đã tuẫn tiết. Nhân dân đã lập đền thờ ngài trên vị trí ngài bị giam lỏng.

Phía trước Phủ Khống có cây thị cổ thụ. Trên bành rễ của cây thị có ban thờ thờ 7 vị công thần trung thành của Triều đình. Theo truyền thuyết, 7 vị công thần lãnh việc mai táng thi hài Vua Đinh Tiên Hoàng, sau đó để bảo mật nơi an táng thi hài, cả 7 vị công thần và đoàn tùy tùng đã tự sát. Đinh Công tiết chế đã lập ban thờ để thờ, bên cạnh cho trồng cây thị. Qua 1.000 năm, cây thị vẫn sống và đặc biệt là trên cây thị này vẫn cho 2 loại quả: 1 loại quả tròn và một loại quả dẹt.hại, Đinh Công tiết chế đã tuẫn tiết. Nhân dân đã lập đền thờ ngài trên vị trí ngài bị giam lỏng.

Với những giá trị văn hóa và thiên nhiên không thể tách rời, tạo nên mạch nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa lịch sử với cảnh quan, giữa thiên nhiên với con người, Tràng An đã  trở thành biểu tượng của văn hóa Việt Nam. niềm tự hào của truyền thống dân tộc ta.

Suckhoecuocsong.com.vn (Tổng hợp)

 

 

 

Các tin khác

Khám phá rừng thông Bản Áng: những điều cần biết

Ghé thăm thung lũng mận Nà Ka, thiên đường hoa mận trắng

Kinh nghiệm khám phá bản Thung Cuông

Top những đặc sản nên mua về khi đi du lịch Sơn La

Du lịch Ngọc Chiến, Sơn La nên ăn món gì?

Top homestay Ngọc Chiến Sơn La đẹp mê hồn

Pomu Homestay Ngọc Chiến, Sơn La: giá phòng, điện thoại, chất lượng dịch vụ

Pearl Homestay Ngọc Chiến, Sơn La: giá phòng, điện thoại, chất lượng dịch vụ

Kinh nghiệm trải nghiệm suối khoáng nóng Ngọc Chiến - Sơn La

Ghé thăm bản Sông Moóc: Sapa thu nhỏ của Bình Liêu