Đá Chông-K9 căn cứ địa quan trọng của Bác Hồ

20/05/2016 14:17

Tìm hiểu Đá Chông nơi là một trong ba huyệt đạo quan trọng nhất Việt Nam, địa điểm linh thiêng

Chắc hẳn khi nhắc đến Đá Chông nhiều người sẽ biết ngay đến đây là một trong ba huyệt đạo quan trọng của quốc gia gồm có: Am Tiên( Thanh Hóa), núi Bà Đen ( Tây Ninh) và Đá Chông (Ba Vì). Đá Chông mang vẻ đẹp nguyên sơ tĩnh mịch với những hàng thông xù xì vạm vỡ lá kim vi vút bốn mùa. Xen kẽ là những loài cây gỗ lớn lá rộng có hàng trăm, hàng ngàn năm tuổi càng làm tăng thêm nét thâm u cổ kính của cánh rừng nguyên sinh. Không chỉ vậy, nơi đây còn mang đậm dấu ấn của lịch sử hào hùng của dân tộc, là căn cứ địa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, là nơi cất giữ thi hài Bác Hồ...

Truyền thuyết Đá Chông

Nằm trên núi U Rồng thuộc dãy Tản Viên, Đá Chông ở độ cao chừng 250m, có nhiều đá nhọn như chông, như mác chĩa thẳng lên tạo thế bên sông Đà, mọc đầy cây rừng nên được gọi là Đá Chông.

Đá Chông cách trung tâm Hà Nội khoảng gần 50 km, có ranh giới với ba xã Thuần Mỹ, Minh Quang, Ba Trại, phía Tây giáp sông Đà, bên kia sông là xã Đồng Luận, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ. Địa hình toàn khu vực bị chia cắt thành nhiều mảnh nhỏ, cao ở phía Bắc và phía Đông, thấp dần về phía Tây và Tây Nam.

Theo truyền thuyết, đây là dấu tích của những cuộc đọ sức giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh thời xa xưa. Lòng ghen tuông của chàng Thủy Tinh si tình dữ dội, bao nhiêu bão dông mưa lũ cuồn cuộn đổ về đây, bao nhiêu thủy quái được điều đến hòng cướp lại người đẹp từ tay Sơn Tinh, ầm ầm ào ào suốt mấy ngày liền và hàng ngàn năm sau vẫn chưa thôi cơn giận dữ. Xưa nay, cuộc chiến vì người đẹp bao giờ cũng bi tráng.

Có thể kể thêm rằng, sông Đà từ Lai Châu cheo leo xa tắp về Hòa Bình xuôi chảy qua làng Khê Thượng khi đến đây đã bất ngờ đổi hướng chuyển dòng lên phía Bắc tạo ra một khúc gãy lạ kỳ để tìm tới ngã ba Bạch Hạc hội tụ với sông Hồng, sông Thao tạo thành lưu thủy mênh mang về chầu Đền Hùng, mộ Tổ. Chúng thủy giai Đông tẩu/Đà giang độc Bắc lưu (Các sông đều chảy về Đông/Sông Đà riêng một, ngược dòng Bắc lưu). Trong Diễn ca Thánh Tản Viên – Sơn Tinh có viết thế. Quả là một vùng núi sông danh thắng linh thiêng hữu tình.

K9 – Đá Chông , căn cứ địa của Bác Hồ

K9 được xây dựng trên khu vực đồi Đá Chông có độ cao 250 m so với mặt  nước biển trong quần thể của núi Ba Vì. Đá Chông là là địa điểm có  phong cảnh “sơn thủy, hữu tình”, nằm ven sông Đà cuộn chảy, đứng ở đó có thể nhìn ra ba tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ và Vĩnh Phúc.

Đá Chông trước đây là khu rừng nguyên sinh gần đồn điền Satupô do tên tư sản Pháp chiếm đoạt. Đá Chông còn nằm trong khu căn cứ kháng chiến Ba Vì của tỉnh Sơn Tây cũ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954).

Cuối năm 1956, đầu năm 1957, Đá chông được Công an Sơn Tây khảo sát báo cáo với tỉnh Hà Tây cũ trong việc giúp Trung ương tìm chọn một nơi xây nhà nghỉ, nơi có đủ 3 yếu tố: có rừng cây, có núi, có sông.

Tháng 5/1957, trong một lần đi kiểm tra Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 diễn tập bên sông Đà, buổi trưa, Hồ chủ tịch nghỉ ăn cơm tại một khu đồi ở Đá Chông. Thấy nơi đây phong cảnh khí hậu mát mẻ, thuận lợi về nhiều mặt, Người trao đổi với các đồng chí trong đoàn muốn chọn nơi này làm khu căn cứ của Trung ương, đề phòng đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc.

Khi khu căn cứ Đá Chông bắt đầu hình thành, Cục Doanh trại (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng) xây dựng ngôi nhà này cùng hệ thống hầm hào, công sự xung quanh từ những năm 1960 và gọi tên là công trường K9. Ngôi nhà 2 tầng được thiết kế theo kiểu nhà sàn, ngôi nhà quen thuộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Vì vậy ngôi nhà còn được gọi với cái tên thân mật là "Nhà sàn". Nhà được gắn biển "Nhà làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 1960 đến 1969".

Trong những năm Mỹ đánh phá Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, Hồ chủ tịch và trung ương đã nhiều lần lên K9 làm việc và nghỉ ngơi. Khu căn cứ có 3 khu vực: Khu A dành cho Bộ Chính trị họp và tiếp khách; khu B dành cho các đồng chí lãnh đạo nghỉ; khu C dành cho các đồng chí bảo vệ và phục vụ.

Trong khuôn viên K9, xuôi về sườn đồi phía sông Đà, được có ba mỏm đá được sắp xếp tựa như núi Ba Vì thu nhỏ. Theo truyền thuyết cả khu Đá Chông như một con rồng uốn khúc. Đỉnh núi cao nhất phía Đông Bắc được người dân gọi là đỉnh U Rồng.

Từ "nhà sàn" xuống đồi,  từng bậc và chiếu nghỉ được trải bằng sỏi cuội (có 81 bậc). Con đường được làm cùng thời điểm với ngôi nhà 2 tầng, Hồ chủ tịch yêu cầu đổ sỏi cho mát khi anh em định lát gạch. Nhìn Người mỗi lần leo dốc rèn luyện thân thể anh em tự đặt tên cho đường là "Đường rèn luyện sức khoẻ". Cách con đường này không xa còn có cả bãi đỗ cho máy bay trực thăng.

 Từ cuối năm 1968, sức khỏe của Bác Hồ đã giảm hơn nhiều. 9h 47 phút ngày 2-9-1969, người đã qua đời. Bác Hồ ra đi giữa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta kinh qua nhiều gian khổ, hy sinh hơn nữa mới có ngày toàn thắng. Nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta mong sao được bảo vệ và giữ gìn thi hài Bác lâu dài để sau ngày thống nhất, đồng bào, chiến sỹ cả nước và bạn bè quốc tế mãi mãi được viếng Bác.

Thể theo nguyện vọng đó, trong khi đất nước còn có chiến tranh, Đảng và Nhà nước ta còn đang hướng tới việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã quyết định chọn K9- Đá Chông, huyện Ba Vì là nơi bảo vệ gìn giữ thi hài Bác.

Từ năm 1969-1975, thi hài Bác được giữ gìn ở đồi Đá Chông (có thời gian không dài ở K2) với tổng thời gian là 4 năm 4 tháng 19 ngày.

Đến 16 giờ ngày 18/7/1975, tại K9 đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác được lệnh xuất phát về Hà Nội. Đến 20 giờ ngày 18/7/1975 đoàn xe về đến quảng trường Ba Đình. Kính cẩn và trang nghiêm đưa thi hài của Bác vào Lăng, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Người. Việc Bộ Chính trị chọn K9- Đá Chông huyện Ba Vì là nơi gìn giữ, bảo vệ thi hài Bác là một vinh dự đặc biệt đối với Đảng bộ Nhân dân huyện Ba Vì.

Ngày nay, người ta đã thành lập Khu bảo tồn Đá Chông-K9 nhằm bảo tồn và phát huy, tôn tạo các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, môi trường của Khu Di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục lớp trẻ học tập tư tưởng, đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh và ý thức bảo vệ di tích lịch sử.

Suckhoecuocsong.com.vn 

Các tin khác

Khám phá rừng thông Bản Áng: những điều cần biết

Ghé thăm thung lũng mận Nà Ka, thiên đường hoa mận trắng

Kinh nghiệm khám phá bản Thung Cuông

Top những đặc sản nên mua về khi đi du lịch Sơn La

Du lịch Ngọc Chiến, Sơn La nên ăn món gì?

Top homestay Ngọc Chiến Sơn La đẹp mê hồn

Pomu Homestay Ngọc Chiến, Sơn La: giá phòng, điện thoại, chất lượng dịch vụ

Pearl Homestay Ngọc Chiến, Sơn La: giá phòng, điện thoại, chất lượng dịch vụ

Kinh nghiệm trải nghiệm suối khoáng nóng Ngọc Chiến - Sơn La

Ghé thăm bản Sông Moóc: Sapa thu nhỏ của Bình Liêu