Cải tạo đất trồng rau trong chậu đúng cách, tiết kiệm chi phí
Hướng dẫn quy trình cải tạo đất trồng rau sạch trong chậu, thùng xốp
Khi trồng rau sạch tại nhà trong các thùng xốp, chậu nhựa là xu hướng của nhiều người. Nhưng làm thế nào để cải tạo đất giúp cho cây có thể phát triển tốt vào trong những vụ trồng tiếp theo? Hãy tìm hiểu ngay sau đây.
Những khu chung cư, nhà cao tầng trong các thành phố việc sở hữu cho mình một vườn rau nhỏ xinh không chỉ giúp cung cấp thêm rau sạch cho gia đình mà còn giúp nhiều người cảm thấy thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng, mệt mỏi. Nhưng khá nhiều người khi trồng rau trong các thùng xốp, chậu nhựa cây chỉ sinh trưởng phát triển tốt trong đợt trồng đầu tiên, còn những vụ trồng sau cây thường chậm phát triển, còi cọc, cây thường bị vàng, héo rũ, thối gốc, cây kém phát triển dù chúng ta đã bổ sung nước tưới, dinh dưỡng đầy đủ. Nguyên nhân chủ yếu gây tình trạng cây chậm phát triển chính là đất trồng. Nếu muốn trồng rau xanh, phát triển tốt trên nền đất cũ chúng ta cần phải cải tạo đất trồng sau mỗi đợt trồng.
Vì sao cần phải cải tạo đất sau mỗi vụ trồng?
Sau mỗi vụ trồng, đất sẽ bị thay đổi các tính chất, giá trị dinh dưỡng trong đất. Đất sẽ trở nên vón cục, chai cứng kém tơi xốp, mềm mịn, thoáng khí, nghèo dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, sau mỗi đợt trồng rau đất trồng có thể bị nhiễm các loại nấm, sâu bệnh hại, vi khuẩn, virus gây bệnh nguy hiểm cho bộ rễ cây, thân cây. Nếu không xử lý cẩn thận, đúng cách lần trồng tiếp theo cây chắc chắn sẽ nhiễm bệnh, phát triển kém thậm chí héo rũ rồi bị chết cây.
Việc cải tạo lại đất trồng rau sẽ giúp cải thiện kết cấu đất, tăng độ tơi xốp, bổ sung dinh dưỡng, hạn chế tình trạng đất bị chai cứng, đất thoáng khí hơn, tăng sức đề kháng, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây, tăng tỷ lệ nảy mầm, cây trồng phát triển khỏe mạnh.
Hướng dẫn quy trình cải tạo đất trồng rau sạch trong chậu, thùng xốp
Bổ sung hữu cơ cho đất
Sau khi thu hoạch rau, hàm lượng hữu cơ trong đất trồng cũ đã bị phân hủy hết, do đó cần phải bổ sung thêm hữu cơ cho đất để cải thiện kết cấu đất, cung cấp các chất dinh dưỡng cho đất, tăng độ thoáng khí cho đất, tránh tình trạng đất bị chai cứng, bạc màu.
Chúng ta bổ sung hữu cơ cho đất bằng các loại phân hữu cơ như phân bò khô, phân rác nhà bếp ủ, phân trùn quế,… hoặc chúng ta có thể tận dụng những nguyên liệu sẵn có như như trấu hun, vụn xơ dừa, vỏ hạt, vỏ các loại trái cây,…
Xử lý nấm khuẩn trong đất
Xử lý nấm khuẩn trong đất giúp loại bỏ các nấm bệnh trong đất phát sinh gây ảnh hưởng tới sự phát triển của cây sau này. Các nấm bệnh trong đất có thể phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau từ phân bón, nước tưới, mưa gió, chế độ chăm sóc chưa hợp lý,… Nếu không xử lý đúng cách cây có thể gặp các bệnh như thối nhũn gốc, đốm lá, héo xanh,…
Xử lý các nấm bệnh trong đất chúng ta có thể bổ sung các sản phẩm sinh học có chứa chủng vi sinh vật có lợi như Chaetomium spp, Trichoderma spp, Saccharomyces cerevisiae, Actinomycetes spp , Bacillus subtilis, Rhodopseudomonas,…
Các chủng nấm này sẽ đối kháng, tiêu diệt sạch các loại nấm khuẩn gây bệnh trong đất đồng thời giúp tăng cường đề kháng cho cây, phân giải các chất hữu cơ trong đất giúp đất nhanh tơi xốp, nhiều mùn, chuyển hóa các chất dinh dưỡng cho cây trồng hấp thu.
Bổ sung dinh dưỡng cho đất
Khi đất trồng cũ đã bạc màu, nghèo dinh dưỡng thì bổ sung dinh dưỡng là điều tất yếu trước khi bắt đầu trồng đợt rau mới. Chúng ta có thể bổ sung dinh dưỡng cho đất bằng các loại phân hữu cơ như phân gà, phân trùn quế, phân đạm cá, phân đậu tương, dịch chuối,…
Suckhoecuocsong.vn