Bệnh thường gặp ở tôm hùm: Dấu hiệu, nguyên nhân, phòng và điều trị bệnh
Chuyên gia hướng dẫn cách phòng và điều trị một số bệnh ở tôm hùm
Tôm hùm là một trong những loại hải sản mang lại nhiều giá trị kinh tế cho người nuôi. Nhưng nuôi tôm hùm không chỉ quan tâm đến thức ăn, xây dựng lồng bè nuôi,…mà người nuôi cần đặc biệt quan tâm đến một số bệnh có thể gây hại cho tôm hùm.
Bệnh long đầu ở tôm hùm
Dấu hiệu: Quan sát thấy phần giáp đầu ngực và phần thân long ra. Trong lớp biểu bì tiết dịch nhầy hôi thối. Bệnh long đầu xuất hiện ở tôm con và tôm trưởng thành.
Nguyên nhân: Tôm nhiễm vi khuẩn Vibro sp, Aeromonas.
Phòng và điều trị bệnh long đầu ở tôm hùm:
Bắt tôm hùm nhiễm bệnh ra khỏi khu vực nuôi tập trung. Tắm cho tôm trong dung dịch Oxytetracylin với nồng độ 0,5 - 2gr/m3. Thời gian tắm 15 phút. Thời gian chữa trị từ 5 - 7 ngày.
Kết hợp trộn thuốc kháng sinh Oxytetracylin và dầu ăn với lượng từ 40 - 50mgr/kg thức ăn. Cho ăn liên tục 5 - 7 ngày.
Bệnh đen mang ở tôm hùm
Dấu hiệu:
Khi mắc bệnh đem mang tôm hùm xuất hiện những điểm đen trên thân. Các tơ mang chuyển màu đen, mang thối rữa toàn bộ, mắt tôm cũng có thể chuyển sang màu đen. Quan sát bằng mắt thường thấy những búi sán lá đơn chủ trắng nhỏ như sợi tóc. Sán lá sẽ đục thủng mang gây hoại tử tế bào
Nguyên nhân:
Mang tôm bị đen là do sắc tố Melanin phát triển tại các mô của mang bị phá hủy do các tác nhân: Ký sinh trùng sán lá đơn chủ (xuất hiện nhiều sau các cơn mưa), nấm Fusarium, vi khuẩn dạng sợi Vibrio, nồng độ khí độc Amoniac và Sulfur hydro trong môi trường cao. Do đó khiến tôm bỏ ăn, hô hấp kém, nằm dưới đáy lồng, di chuyển chậm chạp và chết hàng loạt.
Phòng và điều trị bệnh đen mang ở tôm hùm:
Khi phát hiện tôm mắc bệnh đen mang người nuôi cách ly tôm bị bệnh ra riêng khỏi lồng nuôi chung. Tắm cho tôm bằng Formol với nồng độ từ 15 - 25ml/m3 nước trong 10 - 15 phút, có sục khí. Thời gian chữa trị từ 5 - 7 ngày. Hoặc có thể tắm cho tôm bằng Sulfat đồng, nồng độ 0,5gr/m3 nước trong 5 - 7 phút, có sục khí. Thời gian chữa trị từ 5 - 7 ngày.
Để phòng trừ bệnh đen mang gây ảnh hưởng đến tôm hùm người nuôi hãy treo những túi vải có chứa vôi ở giữa lồng tôm hoặc đặt ở những vùng đáy lồng nuôi bị ô nhiễm. Vôi có tác dụng diệt ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn tốt.
Bên cạnh đó, hãy trộn một số kháng sinh như Norfloxacin, Nalidixic acid, Ciprofloxacin để phòng trị bệnh bằng cách trộn vào thức ăn với lượng từ 30 - 50mgr/kg thức ăn. Thời gian điều trị từ 5 - 7 ngày.
Bệnh đóng rong ở tôm hùm
Dấu hiệu: Khi tôm hùm bị đóng rong khi bắt tôm hùm người nuôi sẽ cảm nhận thấy vỏ tôm trơn nhớt hoặc có rong, tảo bám vào vỏ tôm hùm. Tôm ít hoạt động, kém ăn chậm lớn, chu kỳ lột xác chậm.
Nguyên nhân: Do độ trong của nước cao làm khả năng xuyên sâu ánh sáng lớn.
Phòng bệnh đóng rong ở tôm hùm:
Vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ, tạo môi trường thông thoáng, mật độ nuôi vừa phải, che mát làm giảm độ trong của nước nhất là vào mùa nắng nóng.
Bắt những con tôm bị nhiễm bệnh ra khỏi khu vực nuôi tập trung. Tắm cho tôm bằng formol với nồng độ 100 – 200ppm (1 -2 ml formol/10 lít nước), trong thời gian từ 5 – 10 phút
Bệnh đốm trắng trên vỏ tôm hùm
Dấu hiệu: Khi quan sát người nuôi sẽ thấy trên vỏ tôm và dưới giáp đầu ngực xuất hiện những đốm trắng.
Nguyên nhân:
+ Nếu tôm hùm có đốm trắng nhưng vẫn khỏe mạnh, di chuyển linh hoạt, vẫn ăn được thì không phải do bị nhiễm bệnh. Những đốm trắng này xuất hiện trên tôm do hàm lượng Canci, Manhê trong nước cao.
+ Nếu phát hiện tôm giảm ăn, tăng trưởng chậm, không lột xác được hoặc chu kỳ lột xác kéo dài, tôm chết rải rác, xuất hiện những đốm trắng trên người tôm thì tôm đang bị nhiễm nấm, vi khuẩn.
Phòng và điều trị bệnh đốm trắng trên vỏ tôm:
Khi phát hiệ tôm mắc đốm trắng trên vỏ người nuôi tiến hành cách ly tôm bệnh ra khỏi tôm không bị bệnh tránh trường hợp lây lan ra con khác trong bể, lồng nuôi. Tắm cho tôm bằng xanhMalachitevới nồng độ 1gr/m3 nước, sục khí trong vòng 15 phút. Thời gian chữa trị từ 5 - 7 ngày. Hoặc sử dụng Sulfat đồng với nồng độ 0,5gr/m3, sục khí trong vòng từ 5 - 7 phút để tắm cho tôm. Thời gian chữa trị từ 5 - 7 ngày
Treo túi vải đựng vôi trong các lồng nuôi để phòng và điều trị bệnh đốm trắng trên tôm.
Bệnh đỏ thân trên tôm hùm
Dấu hiệu: Mang tôm và thân tôm đều chuyển sang màu hồng. Bệnh xuất hiện ở tôm con và tôm trưởng thành. Tôm bỏ ăn, kém hoạt động, giảm tăng trưởng và chết hàng loạt.
Nguyên nhân: Nước và đáy khu vực lồng, bè nuôi bị ô nhiễm nặng, thức ăn thừa quá nhiều, công tác vệ sinh kém; nhiễm vi khuẩn Vibrio.
Cách phòng trị bệnh đỏ thân trên tôm hùm
Nếu phát hiện tôm bị nhiễm bệnh hãy cách ly tôm ra bể nuôi khác tắm cho tôm dung dịch Oxytetracyline với nồng độ từ 0,5 - 2gr/m3 nước. Thời gian tắm 15 phút. Thời gian chữa trị từ 5 - 7 ngày.
Người nuôi có thể trộn thuốc kháng sinh Oxytetracyline cộng với dầu thực vật vào thức ăn với trọng lượng 50mgr/kg thức ăn. Cho tôm ăn liên tục 5 - 7 ngày.Có thể sử dụng kháng sinh mới có độ nhạy cao như Norfloxacin, Nalidixic acid, Ciprofloxacin với lượng 30 - 50mgr/kg thức ăn liên tục trong 5 - 7 ngày.
Vệ sinh lồng, bè nuôi sạch sẽ, tạo môi trường nước thông thoáng, giảm lượng khí độc.
Bệnh trắng râu ở tôm hùm
Dấu hiệu: Râu một chuyển từ màu nâu sang màu vàng, hồng rồi sang trắng. Bệnh này phổ biến tôm hùm giai đoạn tôm con chưa trưởng thành.
Nguyên nhân: Tôm con bị nhiễm nấm Lagenidium sp, Fusarium sp.
Phòng và điều trị bệnh trắng râu ở tôm hùm bằng cách:
Bắt tôm hùm ra khỏi khu vực nuôi tập trung. Tắm cho tôm bằng dung dịch Formol với nồng độ từ 15 - 25ml/m3 nước, sục khí trong 15 phút. Thời gian điều trị từ 5 - 7 ngày.
Treo túi vôi giữa các lồng nuôi tôm hùm. Vôi có tác dụng diệt nấm tốt.
Suckhcuocsong.vn (Trích lược theo Tepbac)