Am Tiên: Huyệt đạo linh thiêng của Tổ quốc

24/05/2016 08:27

Khu di tích am tiên, núi nữa ở Tân Ninh, Triệu Sơn, Thanh Hóa gắn liền với khởi nghĩa Bà Triệu, một trong ba huyệt đạo của nước Việt Nam ta

Nói đến huyệt đạo quốc gia không ai là không biết đến Am Tiên. Đây là di tích lịch sử vừa mang đậm chất dân gian, huyền thoại. Ngoài ra, nó còn là danh thắng nổi tiếng với những vẻ đẹp tiềm ẩn. Đường đến Am Tiên phủ một màu xanh rì của những cây xà cừ cổ thụ càng làm tôn lên vẻ uynghi, cổ kính của vùng đất này. Vượt qua những dốc núi quanh co, Am Tiên hiện lên huyền ảo hoặc ẩn mình giữa bảng lảng sương giăng…

Khu di tích am tiên gắn liền với khởi nghĩa Bà Triệu

Cách thành phố Thanh Hóa chừng 30 km khu di tích Am Tiên nằm trên núi Nưa thuộc xã Tân Ninh của huyện Triệu Sơn.

Quần thể khu di tích bao gồm Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên với tổng diện tích 100 ha, riêng khu vực đền Am Tiên rộng 4 ha.

Năm 248 (sau Công nguyên), Bà Triệu dấy binh khởi nghĩa. Bà chọn Ngàn Nưa là nơi hiệu triệu nghĩa quân, bởi theo lời sấm truyền: dãy Ngàn Nưa được tạo thành từ bảy ngọn núi xếp liền kề tạo thế rồng cuốn, đầu nhô cao như đầu hổ vươn mình về biển Đông - nơi đặt Am Tiên- đứng ở đây hét lớn tứ phía đều nghe rõ.

Trên đỉnh núi Nưa, Bà cho xây dựng Bích Vân cung tự nhằm bố cáo với muôn dân: cuộc khởi nghĩa này có sự trợ giúp của trời đất. Khi đàn áp được khởi nghĩa của Bà Triệu, bọn xâm lược đã tàn sát dân Cổ Na và tất nhiên cả những gì có liên quan đến Bà Triệu đều bị phá hết. Xung quanh vùng núi Nưa vẫn còn lưu truyền nhiều địa điểm, địa danh gắn liền với căn cứ kháng chiến của Bà như: gò đống thóc (nơi để kho lúa của nghĩa quân), đồng kỵ (nơi nuôi ngựa chiến của nghĩa quân)…

Không ai khẳng định được sau đó bao nhiêu thế kỷ chùa Am Tiên được xây lại. Về sau, chùa được xây dựng lại vài lần do dân địa phượng tự làm. Nhưng sau đó lại đổ nát hoang phế vì không có ai chăm sóc.

Cho đến đầu những năm 90 của thế kỷ 20 bà con phật tử trong xã đã khôi phục, xây lại chùa mới, trồng cây xung quanh chùa. Đền Nưa, Am Tiên nằm trong quần thể 17 di tích thắng cảnh của địa phương, được Sở Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 1993 và mới đây nhất được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng ý đưa vào danh sách các di tích xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 2009.

Huyệt đạo linh thiêng Am tiên và giếng Tiên

Từ cổng đền Am Tiên đi sâu vào trong sẽ thấy huyệt thiêng. Đó là khoảng đất rộng hơn 100 mét vuông được rào chắn kỹ lưỡng. Ngay lối vào là phiến đá trắng có khắc dòng chữ "Cầu cho quốc thái dân an". Đây được xem là 1 trong 3 huyệt đạo thiêng nhất cả nước.

Con đường dẫn lên huyệt đạo vào một ngày không có nắng

Theo sử sách để lại, đây chính là 1 trong những huyệt đạo quan trọng nhất của nước Nam, mà tướng Cao Biền không thể trấn yểm nổi. Huyệt thiêng chính là nơi giao hòa giữa trời và đất. Cứ vào những thời khắc biến động của đất nước, đêm đến người dân quanh vùng lại thấy một quầng sáng bí ẩn trên đỉnh Ngàn Nưa, ngay tại Am Tiên này.

Khung cảnh khuôn viên xung quanh chùa Am Tiên

Vào mùng 9 tháng giêng hằng năm - ngày được dân gian lưu truyền là ngày mở cửa trời, đứng ở trung tâm của huyệt đạo Am Tiên, nhắm mắt lại, thả lỏng cơ thể, ta sẽ thấy trước mắt một quầng sáng màu đỏ, rồi chuyển sang màu da cam, cuối cùng là màu trắng xanh lẫn các hạt bụi. Trong khoảnh khắc ấy, người ta sẽ có cảm giác như mình đang bay bổng và hòa cùng với những chuyển động của vũ trụ bao la. Tâm hồn và thể xác trở nên thư thái, nhẹ nhõm, kỳ lạ lắm..

Trống đồng bên trong khu huyệt đạo nơi mà các bạn có thể trải nghiệm với các quầng sáng đỏ

Rời huyệt thiêng trong cảm giác thư thái, tĩnh tại ta sẽ được đến thăm giếng Tiên. Giếng Tiên có độ sâu khoảng 5m, rộng 4m, phần lộ thiên của giếng được xếp bởi 3 lượt đá. Hai bên lối đi được phủ kín một màu hồng đào của những cành đào phai nở rộ sau Tết đẹp đến say lòng người. Những cánh đào hồng tươi rớt xuống tựa như tấm thảm nhung. Tương truyền khi xưa trên vùng đất này bạt ngàn đào. Tới giờ nơi đây vẫn còn hơn 1.000 gốc. Cứ đến đúng dịp lễ hội, hoa đào lại đua nhau khoe sắc.

Giếng thần linh thiêng. Du khách có thể xin nước ở đây về dầng lên ban thờ gia tiên

Truyền thuyết kể rằng các tiên nữ xưa kia thường xuống đây hái đào và tắm nước giếng, vì thế mới gọi là giếng Tiên. Đây cũng chính là giếng dành riêng để Bà Triệu lấy nước rửa mặt mỗi khi xung trận, phía dưới vài trăm mét có một hố nước rộng gọi là Ao Hóp, nơi cung cấp nước sinh hoạt cho nghĩa quân Bà Triệu.

Nước giếng từ trong núi chảy ra nên rất tinh khiết, người ta gọi nguồn nước chảy vào giếng là Long mạch. Lòng giếng rất cạn, từ trên nhìn xuống đã thấy ngay, nhưng lạ kỳ thay nước giếng không bao giờ vơi dù cho hạn hán kéo dài. Các sư thầy vùng lân cận thường tới đây xin về làm nước cam lồ dùng trong các dịp lễ tế, còn du khách tới xin về để thờ cúng tổ tiên, cầu mong sức khỏe, sinh con theo ý nguyện.

Bên đền còn có chùa và nơi thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, lầu Cô, lầu Cậu, chưa hết, trên đỉnh còn Am Tiên. Am Tiên đã bị phá không còn dấu tích nay chỉ có một tấm biển ghi là di tích lịch sử văn hóa…

Lễ hội đền Nưa - Am Tiên chính thức bắt đầu từ ngày 15 đến ngày 20 tháng Giêng âm lịch hằng năm, thu hút hàng vạn lượt người từ các nơi về tham quan, thưởng ngoạn, dâng hương, chiêm bái.

Quả vậy, Am Tiên đúng là chốn bồng lai tiên cảnh, là huyệt đạo linh thiêng của quốc gia. Đến với nơi đây, ta không chỉ đến thăm huyệt đạo, lấy nước giếng Tiên mà còn được ngắm toàn cảnh bức tranh thủy mạc xứ Thanh từ trên đỉnh núi Nưa và cảm nhận không gian thoáng đãng của vùng đất thiêng Tổ quốc.

Suckhoecuocsong.com.vn 

Các tin khác

Khám phá rừng thông Bản Áng: những điều cần biết

Ghé thăm thung lũng mận Nà Ka, thiên đường hoa mận trắng

Kinh nghiệm khám phá bản Thung Cuông

Top những đặc sản nên mua về khi đi du lịch Sơn La

Du lịch Ngọc Chiến, Sơn La nên ăn món gì?

Top homestay Ngọc Chiến Sơn La đẹp mê hồn

Pomu Homestay Ngọc Chiến, Sơn La: giá phòng, điện thoại, chất lượng dịch vụ

Pearl Homestay Ngọc Chiến, Sơn La: giá phòng, điện thoại, chất lượng dịch vụ

Kinh nghiệm trải nghiệm suối khoáng nóng Ngọc Chiến - Sơn La

Ghé thăm bản Sông Moóc: Sapa thu nhỏ của Bình Liêu