Vụ nổ tàu điện ngầm đúng ngày Putin trở lại quê nhà
Vụ nổ tàu điện ngầm thành phố St. Petersburg khi Putin đang ở quê nhà và có cuộc gặp với Tổng thống Belarus.
Vụ nổ tàu điện ngầm thành phố St. Petersburg khiến 11 người thiệt mạng, 45 người bị thương xảy ra khi Putin đang ở quê nhà và có cuộc gặp với Tổng thống Belarus.
Toa tàu số 3, nơi xảy ra vụ nổ
Tổng thống Nga Vladimir Putin tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các cơ quan an ninh vào đêm qua, sau khi xảy ra vụ nổ trên tàu điện ngầm thành phố St. Petersburg khiến 11 người thiệt mạng và 45 người bị thương. Thiết bị nổ thứ hai được tìm thấy ở một ga tàu khác nhưng không bị kích nổ, theo Guardian.
Ban đầu, cảnh sát cho rằng thiết bị nổ này bị bỏ lại trên đoàn tàu, đồng thời tổ chức truy tìm hai người bị nghi tổ chức và thực hiện vụ tấn công. Tuy nhiên, Interfax dẫn nguồn tin riêng cho biết đây có khả năng là vụ đánh bom tự sát, thông tin này chưa được nhà chức trách Nga xác nhận.
Vụ nổ xảy ra lúc 14h30 ngày 3/4, sau khi đoàn tàu điện ngầm rời ga Sennaya ở trung tâm thành phố St. Petersburg. Lái tàu quyết định không dừng lại mà tiếp tục đi tới ga Viện công nghệ, giúp quá trình sơ tán hành khách diễn ra dễ dàng hơn.
Hành khách trên tàu cho biết chỉ có cảm giác về vụ nổ ở toa thứ ba, nơi nghi phạm đặt thiết bị nổ. "Tôi không nghĩ tiếng nổ quá to, nhưng khi đó tôi đang đeo tai nghe", Andrei Shurshev, hành khách ở toa bên cạnh cho biết. Shurshev khẳng định tia lửa và bụi tràn qua toa số 4 cùng với mùi khói sau khi vụ nổ xảy ra.
Nhiều người phải đập cửa sổ toa tàu để thoát ra ngoài. Nhân chứng cho biết hệ thống tàu điện ngầm hoạt động bình thường sau vụ nổ. Các đoàn tàu vẫn ra vào ga ở những đường ray khác.
Chỉ vài giờ sau vụ nổ, lực lượng chống khủng bố Nga phát hiện và vô hiệu hóa thiết bị nổ thứ hai tại ga Quảng trường Vosstaniya, địa điểm nằm gần trung tâm thành phố. Thiết bị này được ngụy trang thành bình cứu hỏa, bên trong nhồi khoảng 1 kg thuốc nổ TNT và hàng trăm viên bi thép, có sức mạnh gấp nhiều lần thiết bị phát nổ trước đó.
Vụ nổ xảy ra sau khi đoàn tàu rời ga Sennaya. Đồ họa: Guardian.
"Mọi thứ đều tràn ngập khói, có rất nhiều lính cứu hỏa. Họ ra lệnh cho chúng tôi chạy ra cửa thoát hiểm. Tất cả mọi người đều sợ hãi", Maria Smirnova, hành khách đi chuyến sau đoàn tàu chứa thiết bị nổ kể lại.
Vụ nổ xảy ra khi Tổng thống Putin đang ở St. Petersburg, quê nhà của ông. Sáng ngày 3/4, ông phát biểu tại một diễn đàn truyền thông, sau đó gặp gỡ Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko vào buổi chiều. Mở đầu cuộc họp, Tổng thống Putin gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân, đồng thời cho biết mọi nguyên nhân đều được xem xét, kể cả khủng bố.
Cuộc họp giữa ông Putin và Lukashenko diễn ra trong vòng 5 giờ. Hai bên đề cập tới nhiều vấn đề kinh tế, nhưng không nhắc tới vụ nổ tại thành phố St. Petersburg. Trong cuộc họp báo sau đó, Tổng thống Lukashenko cám ơn người đồng cấp Nga vì những trao đổi hiệu quả "trong một ngày khó khăn", đồng thời gửi lời chia buồn tới các nạn nhân.
Sau đó, Tổng thống Putin tới hiện trường vụ nổ để đặt hoa tưởng niệm. Theo AFP, ông không đưa ra bình luận nào, chỉ để lại một bó hồng trước cửa vào ga Viện Công nghệ. Chính quyền thành phố St. Petersburg tuyên bố để tang các nạn nhân trong ba ngày.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson gửi lời chia buồn tới gia đình nạn nhân, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đây là "điều hết sức tồi tệ" trước khi gọi điện chia buồn với Tổng thống Putin.
Hệ thống tàu điện ngầm St. Petersburg chuyên chở tới 2 triệu người mỗi ngày. Mạng lưới này đã bị đóng cửa sau vụ nổ, nhiều khu phố trên mặt đất cũng bị giới nghiêm để trực thăng cứu hộ hạ cánh. Một số đường tàu đã mở cửa trở lại vào ngày 4/4.
Chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ nổ. Hầu hết giới phân tích cho rằng thủ phạm là phiến quân Hồi giáo, có thể liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Lực lượng an ninh Nga không đưa ra tuyên bố về kẻ đứng sau vụ tấn công, trừ thông báo đang truy tìm hai nghi phạm.
Truyền thông Nga đêm qua công bố hình ảnh từ máy quay an ninh cho thấy một người mặc toàn đồ đen, đội mũ đen, để râu rậm được cho là nghi phạm thực hiện vụ nổ. Tuy nhiên, người này đã tới trình diện cảnh sát và khẳng định không liên quan tới vụ việc.
Sáng ngày 4/4, Interfax cho biết thủ phạm là một thanh niên 23 tuổi sinh ra tại Kyrgyzstan và mang quốc tịch Nga. Người này mặc áo khoác đỏ, tỏ ra khá lo lắng khi liên tục nắm chặt hai bàn tay trong ga tàu trước khi xảy ra vụ nổ.
Kẻ được cho là nghi phạm trong vụ đánh bom. Ảnh: RenTV.
Trên truyền hình quốc gia Nga, nhà văn Alexander Prokhanov cho rằng vụ nổ tại St. Petersburg có liên quan tới các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Moscow hồi tuần trước. Ông Prokhanov khẳng định những sự kiện này được phối hợp với nhau, với mục tiêu gây bất ổn trước cuộc bầu cử tổng thống Nga vào năm sau.
Trong nhiều năm qua, Nga phải hứng chịu nhiều vụ khủng bố do các nhóm phiến quân Hồi giáo tại vùng Bắc Kavkaz tiến hành, bao gồm cả vụ nổ bom ở hệ thống tàu điện ngầm Moscow năm 2010. Tuy nhiên, từ sau vụ đánh bom tự sát ở sân bay Domodedovo đầu năm 2011, các vụ tấn công chỉ xảy ra ở vùng Bắc Kavkaz.
IS liên tục tuyên bố Nga sẽ trở thành mục tiêu tấn công kể từ khi nước này tham chiến tại Syria hồi tháng 9/2015. Chỉ một tháng sau, một máy bay chở khách từ Sharm el-Sheikh, Ai Cập đến St. Petersburg đã bị rơi sau khi thiết bị nổ được kích hoạt trên khoang hành khách. IS nhận trách nhiệm về vụ tấn công này.
Suckhoecuocsong.com.vn (Theo vnexpress)