Vốn FDI sụt giảm ở TP.HCM, vì sao?
nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM trong 7 tháng đầu năm lại sụt giảm 68% so với cùng kỳ 2015.
Theo thống kê các số liệu tại TPHCM, mặc dù số lượng dự án cấp mới và dự án điều chỉnh tăng vốn đã tăng nhưng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM trong 7 tháng đầu năm lại sụt giảm 68% so với cùng kỳ 2015.
Theo số liệu của Cục Thống kê TPHCM, tính từ đầu năm đến trung tuần tháng 7, toàn thành phố có 448 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt hơn 638 triệu USD và có 78 dự án FDI đang hoạt động điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 225,5 triệu USD.
Tính chung vốn các dự án mới và tăng thêm trong gần 7 tháng đầu năm nay, TPHCM thu hút được 863,6 triệu đô la Mỹ vốn FDI, chỉ bằng gần 34,83% số vốn cam kết so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm ngoái TPHCM thu hút được hơn 2,48 tỉ USD).
Về lĩnh vực bất động sản:
Một điểm đáng lưu ý trong thu hút nguồn vốn FDI mới của TPHCM từ đầu năm đến nay là vốn cam kết của các dự án mới đổ dồn nhiều vào lĩnh vực bất động sản, đạt 278,8 triệu USD (chiếm 43,7% tổng vốn cam kết) dù chỉ có 8 dự án đầu tư mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực này.
Về lĩnh vực kinh doanh thương mại:
Lĩnh vực này có số dự án đầu tư mới được cấp nhiều nhất với 168 dự án nhưng vốn đăng ký chỉ ở mức cao thứ hai, đạt 184,6 triệu USD, chiếm gần 29% tổng vốn cam kết mới. Trong khi đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vốn chiếm đến khoảng 70% vốn cam kết hiện nay của cả nước thì thành phố chỉ thu hút được hơn 70 triệu USD thông qua 26 dự án.
Về lĩnh vực thông tin- truyền thông:
Các lĩnh vực có vốn đăng ký cao kế tiếp đầu tư vào thành phố là thông tin-truyền thông có 64 dự án với tổng vốn cam kết đạt 33,4 triệu USD; khoa học-công nghệ có 86 dự án với tổng vốn đăng ký là 22,7 triệu USD; vận tải-kho bãi có vốn cam kết gần 15 triệu USD (30 dự án) và xây dựng là 11 triệu USD (19 dự án).
Trong khi đó, thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước và số doanh nghiệp thành lập trên địa bàn thành phố trong cùng thời gian trên lại có sự gia tăng cao. Cũng theo cơ quan thống kê, trong gần 7 tháng đầu năm nay, thành phố có hơn 20.000 doanh nghiệp được thành lập với tổng vốn đăng ký hơn 173.600 tỉ đồng, tăng 20,1% về số doanh nghiệp và tăng 56,5% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái.Mặc dù vậy, trong cùng thời gian trên, toàn thành phố 13.735 doanh nghiệp ngưng hoạt động.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch – Đầu tư TP.HCM nguyên nhân về sự sụt giảm nguồn vốn đầu tư nước ngoài, là do lượng đất trống trong các khu công nghiệp của thành phố không còn nhiều, đặc biệt tại các Khu công nghiệp có vị trí giao thông thuận lợi. Giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp của thành phố thuộc hàng cao so với nhiều nơi trên cả nước dẫn đến khó khăn trong thu hút dự án mới.
Tuy nhiên Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong lại cho rằng những nguyên nhân đưa ra đều không xác đáng. Cần nhắc lại rằng, năm 2015, TP.HCM đã dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI với tổng số vốn đầu tư cam kết mới và tăng vốn là hơn 4,5 tỷ USD. Nếu so với con số này, thì kết quả hiện tại là quá khiêm tốn, trong khi năm 2016 đã đi gần hết nửa chặng đường.
Như vậy, để có thể đạt được kết quả khả quan trong thu hút vốn FDI của năm nay, TP.HCM phải trở thành “bến đỗ” cho các dự án FDI quy mô vốn lớn, thậm chí là các dự án tỷ USD trong thời gian còn lại. Hiện lãnh đạo thành phố đã yêu cầu Sở Kế hoạch – Đầu tư cùng các Sở có liên quan phải suy nghĩ tìm ra nguyên nhân và có giải pháp cụ thể.
Tổng hợp