Thép Trung Quốc có thể hạ bệ chúng ta ngay trên sân nhà

04/04/2015 10:50

Nguyên nhân của việc thép Trung Quốc được nhập nhiều và ồ ạt đến vậy đầu tiên và quan trọng nhất đương nhiên là giá bán.

 

Theo số liệu đưa ra của Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 11,6 tỷ USD (tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2014). Trong đó, nhập sắt thép tăng mạnh, với mức tăng 97% so với cùng kỳ năm trước, so với chỉ 54% của máy móc thiết bị, 52% của linh kiện và điện thoại và 32% của vải. Trong khi đó ở chiều ngược lại, trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 3,5 tỷ USD, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước.

 

Nguyên nhân của việc thép Trung Quốc được nhập nhiều và ồ ạt đến vậy? Đương nhiên là giá bán. Giá bán phôi thép tại Nhật và Trung Quốc đang ở mức thấp nhất thế giới, thậm chí đến mức mà một số quốc gia trong đó có Ấn Độ đã phải áp tội danh “bán phá giá” cho ngành công nghiệp này của Trung Quốc. So sánh tại thị trường Việt Nam, giá phôi thép Trung Quốc cạnh tranh hoàn toàn sòng phẳng, thậm chí dìm chết các sản phẩm xuất xứ trong nước nhờ lợi thế này.

 

Trong khi đó, ngành công nghiệp thép tại Việt Nam đang đối mặt với vô vàn khó khăn. Trong tổng công suất 10 triệu tấn thép/năm thì có 70%-80% phôi thép được sản xuất bằng điện. Theo thống kê, giá thành điện trong luyện phôi thép từ lò điện dao động khoảng 750 đến 800 nghìn đồng/tấn (tùy công nghệ), nếu giá điện tăng 7,5%, bình quân mỗi tấn thép sẽ tăng lên khoảng 55 đến 70 nghìn đồng/tấn. Đối với cán thép, tiêu thụ điện khoảng 145 đến 200 nghìn đồng/tấn, nếu giá điện tăng, mỗi tấn thép cán chịu thêm chi phí 10 đến 15 nghìn đồng. Tính chung, mỗi tấn thép sẽ phải “cõng” thêm khoảng 65 đến 85 nghìn đồng và với mức tiêu thụ 70 nghìn tấn, doanh nghiệp mỗi năm phải chi thêm khoảng năm tỷ đồng. Trong bối cảnh vấp phải sự cạnh tranh gay gắt của Trung Quốc (và cả các nước khác trong khu vực) mà chi phí sản xuất đầu vào tăng nhưng giá bán sản phẩm không tăng, không quá khó để nhận ra rằng các doanh nghiệp thép Việt Nam đang “chết” dần.

 

 

Các doanh nghiệp thép Việt Nam đang “chết” dần vì sự cạnh tranh gay gắt (và đôi khi không lành mạnh” từ thép Trung Quốc

 

Ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam từng cho biết “Chưa tăng giá điện doanh nghiệp thép trong nước đã chết do giá phôi thép thế giới, đặc biệt là thị trường Nhật và Trung Quốc, đang rất thấp. Nay giá điện tăng, không kể đến những lò sản xuất bằng công nghệ thấp, ngay cả các lò sử dụng công nghệ ở mức trung bình cũng sẽ chết”.

 

Vậy có lối thoát nào cho doanh nghiệp thép Việt Nam? Câu trả lời là có… và không. Đây có thể là cơ hội để các doanh nghiệp thép cơ cấu lại sản xuất, loại bỏ các công nghệ, dây chuyền cũ kỹ lạc hậu, đầu tư áp dụng công nghệ mới tiêu tốn ít điện năng hơn, qua đó cạnh tranh sòng phẳng về giá thành với thép Trung Quốc. Nhưng với những doanh nghiệp không còn đủ vốn để làm điều này, có lẽ họ chỉ còn cách trông đợi vào một “phép màu” từ phía chính phủ.

 

Phép màu đó có thể là gì? Đó là hy vọng tăng thuế nhập khẩu thép, như chính phủ Ấn Độ vừa đề xuất để bảo vệ các nhà sản xuất thép trong nước trước tình trạng nhập khẩu gia tăng. Chính phủ Ấn Độ đã để ngỏ khả năng tăng thuế nhập khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm trong tài khóa 2015-2016 lên 15% so với mức 10% hiện nay, đồng thời Bộ Thương mại Ấn Độ cũng đã đề nghị áp thuế chống phá giá lên tới 316 USD/tấn thép nhập khẩu từ Trung Quốc.

 

Quang Phong - Skcs.vn (tổng hợp)

Các tin khác

Thiết kế môi trường cho các công trình xanh, những nỗ lực vì mục tiêu phát triển bền vững

Tiêu chuẩn hóa nền kinh tế tuần hoàn, những nỗ lực góp phần vì mục tiêu phát triển bền vững

Tiêu chuẩn về mua sắm bền vững đóng góp vào các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc

Kinh tế tuần hoàn và vai trò của tiêu chuẩn

Vietnam Airlines bán vé bay nội địa chỉ 199.000 đồng đến 06/03/2020

Chiến lược ngành du lich sau dịch Covid-19

Nguy cơ mất việc hàng loạt trong ngành ô tô Đức

Nguy cơ sa thải việc làm quy mô lớn tại Trung Quốc

Một số nội dung chính của Hiệp định EVFTA và EVIPA

EVFTA và EVIPA: Tạo dựng khuôn khổ hợp tác song phương lâu dài theo hướng đối tác bình đẳng, cùng có lợi