Tác dụng vi tảo trong sản xuất tôm giống
vi tảo trong sản xuất tôm giống quan trọng như thế nào?
Những loài động vật thủy sản trong giai đoạn đầu đời khó khăn các loại thức ăn công nghiệp bởi chúng có kích thước nhỏ, mỏng manh, các cơ quan chưa phát triển đầy đủ. Do đó chúng cần được cung cấp nguồn thức ăn dễ tiêu hóa và đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình phát triển.
Do đó vi tảo là một trong những thức ăn tươi sống không thể thiếu ở các trang trại sản xuất tôm giống, ấu trùng cá, nhuyễn thể, giáp xác,…Vi tảo được sử dụng phổ biến bởi cúng là thức ăn ưa thích của các loài này trong tự nhiên nhờ có kích thước phù hợp, hàm lượng acid béo thiết yếu gây màu nước, ổn định pH và hấp thụ khí độc trong các hệ thống nuôi, phòng bệnh, ức chế sự phát triển của vi khuẩn trong nước nuôi.
Thành phần dinh dưỡng của tảo
Thành phần protein, các acid béo không bão hòa (PUFA) và vitamin là các yếu tố để xác định giá trị dinh dưỡng của một loài tảo. Những yếu tố dinh dưỡng này không thể thiếu đối với ấu trùng của các loài thủy sản. Điều kiện nuôi như cường độ ánh sáng, môi trường nuôi, nhiệt độ có thể ảnh hưởng đến quá trình và sản lượng của vi tảo.
Tại giai đoạn logarit, vi tảo chứa 30 - 40% protein, 10 - 20% lipid và 5 - 15% carbohydrate. Càng về cuối giai đoạn cân bằng, khi hàm lượng nitrate trong môi trường nuôi bị hạn chế thì tỷ lệ carbohydrate có thể tăng gấp đôi lượng protein (Harrison, Thompson & Calderwood 1990; Brown et al., 1993b).
PUFA (Polyunsaturated fatty acids) như DHA (docosahexaenoic acid), EPA, AA (arachidonic acid) là các acid béo thiết yếu cho sự phát triển của ấu trùng. Hiện có hơn 46 loài tảo có chứa PUFA, tỷ lệ các acid béo thường khác nhau giữa các loài (Volkman et al., 1993; Dunstan et al., 1994). Hầu hết các loài vi tảo có tỷ lệ EPA cao từ 7 - 14%. Giống tảo Prymnesiophytes như Pavlovaspp., Isochrysissp. và Cryptomonad giàu DHA (chứa 0,2 - 11%);
Trong khi, giống Eustigmatophytes như loài Nannochloropsis spp. và các loài tảo khuê như Chaetoceros, Thalassiosira, Skeketonema thì giàu AA (0 - 4%). Các acid béo bão hòa thường cao ở cuối giai đoạn logarit và tỷ lệ này có thể được cải thiện trong điều kiện nuôi ánh sáng cao. Hàm lượng vitamin giữa các loài tảo có thể khác nhau. Nồng độ của các vitamin thường chênh lệch từ 2 - 4 lần, Ascorbic acid dao động từ 1 - 16 mg/g khối lượng khô và vitamin D < 0,45 g/g khối lượng khô (Seguineau et al., 1996; Brown et al., 1999).
Một số chất chiết xuất từ tảo như carotenoid astaxanthin tăng màu hồng cho thịt cá hồi và tôm (Lorenz RT et all, 2000) và nguồn astaxanthin tự nhiên là từ tảo lục nước ngọt Haematococcus pluvialis. Các acid amin của vi tảo tương đối giống nhau giữa các loài và không bị tác động bởi giai đoạn phát triển của tảo hay cường độ ánh sáng.
Do đó để duy trình được nguồn tảo giống tốt, đảm bảo chất lượng để sử dụng là thức ăn cho các ấu trùng thủy sản tại các trang trại sản xuất con giống hiện nay vẫn đang còn là một thách thức cho các nhà nghiên cứu. Bởi tảo không tốt, tế bào dị hình sẽ không cung cấp đủ dinh dưỡng cho ấu trùng. Hay như tảo bị nhiễm khuẩn, có chứa độc tố hay được sử dụng ở giai đoạn cân bằng dẫn tới việc tảo tàn, mất cân bằng các yếu tố môi trường và lây nhiễm mầm bệnh cho ấu trùng tôm.
Suckhoecuocsong.vn (Trích lược Thủy sản Việt Nam)