Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và vấn đề ô nhiễm môi trường
Nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Nước ta là nước sản xuất nông nghiệp lại nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm rất thuận lợi cho sự sinh sôi, phát triển của các loài sâu bệnh gây hại mùa màng. Vì vậy, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được sử dụng rộng rãi để phòng trừ sâu bệnh gây hại mùa màng, bảo vệ nông sản. Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của thuốc BVTV trong việc đảm bảo an ninh lương thực và tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản thông qua việc nâng cao sản lượng cây trồng mà không cần tăng diện tích. Vì vậy, có thể nói, thuốc BVTV là một loại vật tư không thể thiếu được trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta.
Do nhu cầu tăng vụ, tăng năng suất cây trồng, những năm gần đây, các loại thuốc BVTV được sử dụng ngày càng tăng cả về số lượng và chủng loại. Nếu như trước năm 1985, Việt Nam sử dụng khoảng 6.500-9.000 tấn thuốc BVTV mỗi năm, thì giai đoạn 2012 - 2013, lượng thuốc BVTV nhập khẩu đã tăng đột biến từ 55.000 tấn lên 112.000 tấn. Số liệu thống kê cho thấy,trong 3 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu thuốc BVTV đạt mức 183 triệu USD, bằng 25% tổng lượng nhập khẩu năm trước.
Số lượng hoạt chất và tên thương phẩm thuốc BVTV đăng ký sử dụng cũng tăng nhanh. Trước năm 2000, số hoạt chất là 77, tên thương phẩm là 96. Năm 2000, lần lượt là 197 và 722. Đến năm 2011, tăng lên 1202 và 3108.
Thực trạng đó dẫn đến hậu quả là, việc sử dụng thuốc BVTV tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và mất vệ sinh an toàn thực phẩm do tồn dư thuốc BVTV trên nông sản, làm ảnh hưởng đến chất lượng nông sản tiêu dùng và xuất khẩu nếu không được sử dụng đúng cách.
Vừa qua, Bộ NN & PTNT đã có nhiều cố gắng nhằm loại bỏ các hoạt chất thuốc BVTV có độc tính cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho con người, vật nuôi và môi trường ra khỏi “Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam”. Trong hai năm 2017 - 2018, Bộ NN&PTNT đã rà soát và loại bỏ 11 hoạt chất, gồm: Acephate, diazinon, zin phosphide, malathion, carbendazim, thiophanate methyl, benomyl, 2,4-D, paraquat, carbofuran, trichlorfon ra khỏi danh mục. Gần đây nhất, ngày 10/4/2019, Bộ NN& PTNT đã có Quyết định số: 1186/QĐ-BNN-BVTV về việc loại bỏ thuốc BVTV chứa hoạt chất Glyphosate ra khỏi Danh mục do tính chất độc hại của nó.
Do vậy, việc sử dụng thuốc BVTV thế nào để vừa kiểm soát được dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp vừa an toàn cho con người, vật nuôi và môi trường là vấn đề rất cấp thiết,cần phải hành động quyết liệt để giảm thiểu tác động có hại của nó. Xin nhấn mạnh rằng, thuốc BVTV chỉ trở nên độc hại và gây ô nhiễm môi trường khi sử dụng không đúng cách. Điều này cũng có nghĩa là việc sử dụng thuốc BVTV đúng quy định có vai trò quyết định trong việc giảm thiểu các nguy cơ độc hại do thuốc BVTV gây ra, đặc biệt là làm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Thông thường,trên thế giới,quá trình sử dụng thuốc BVTV trải qua 3 giai đoạn:
(i) Cân bằng sử dụng (Balance use): Yêu cầu sử dụng cao, sử dụng có hiệu quả.
(ii) Dư thừa sử dụng (Excessise use): Sử dụng quá mức, lạm dụng thuốc BVTV, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và môi trường, giảm hiệu quả.
(iii) Khủng hoảng sử dụng (Pesticide Crisis): Quá lạm dụng thuốc BVTV, tạo nguy cơ tác hại đến môi trường, sức khỏe cộng đồng, giảm hiệu quả kinh tế của sản xuất nông nghiệp.
Trên thế giới, giai đoạn dư thừa sử dụng thuốc BVTV diễn ra từ những năm 80-90 của thế kỷ trước và giai đoạn khủng hoảng bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ 21. Với những nước đang phát triển như Việt Nam, sử dụng thuốc BVTV chậm hơn trong sản xuất nông nghiệp thì các giai đoạn trên lùi lại khoảng 10-15 năm.
2. Nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng thuốc BVTV
Theo một kết quả khảo sát,khi phun thuốc BVTV ở dạng lỏng cho cây trồng, có tới trên 50% lượng thuốc phun ra bị rơi xuống đất. Đó là chưa kể phương pháp rải thuốc trực tiếp vào đất. Trong đất, một phần thuốc được cây trồng hấp thụ qua bộ rễ, số còn lại được phân rải qua các hoạt động sinh học và các yếu tố hóa lý khác của đất.Một phần khác của thuốc BVTV sẽvào môi trường hoặc bị cuốn trôi theo nước mưa đi vào môi trường đất, nước, không khí… gây ô nhiễm.Dưới tác động của ánh sáng, nhiệt độ, gió…, thuốc BVTV có thể lan truyền trong không khí. Lượng thuốc tồn đọng trong không khí sẽ khuếch tán, có thể di chuyển đi xa và lắng đọng vào nguồn nước mặt ở nơi khác gây ô nhiễm môi trường nước.
Rất nhiều loại thuốcBVTV có khả năng bay hơi và thăng hoa, ngay cả hóa chất ít có khả năng bay hơi như DDT cũng có thể bay hơi vào không khí.Đặc biệt trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, nó có thể di chuyển đến những khoảng cách xa, gia tăng ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm nguồn nước do thuốc BVTV cũng có nhiều hình thức khác nhaunhư rửa trôi từ các cánh đồng có chứa thuốc BVTV hoặc do nuớc mưa chảy tràn từ các kho chứa thuốc BVTV tồn lưu…
Sau đây là một số nguyên nhân gây ô nhiễm:
2.1. Sử dụng thuốc BVTV không đúng hướng dẫn
Người sử dụng thuốc BVTV phải nắm vững nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng lúc và đúng cách. Việc không thực hiện đúng nguyên tắc 4 đúng trong việc sử dụng thuốc BVTV không những làm giảm hiệu quả phòng trừ của thuốc BVTV, gây ra tính kháng thuốc của sâu bệnh mà còn là nguy cơ để lại tồn dư thuốc BVTV trong nông sản, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và gây ô nhiễm môi trường.Qua kết quả điều tra của cơ quan chức năng, có khoảng 1/4 số hộ nông dân sử dụng thuốc BVTV không đúng theo quy định.
Điều tra của Cục BVTV, Bộ NN&PTNT năm 2010 cho thấy, tỷ lệ nông dân sử dụng đúng nồng độ, liều lượng thuốc BVTV là 22,1- 48% đối với lúa, 26,7% đối với rau và 23,5-34,1% đối với chè. Nhiều nông dân tăng liều lượng gấp 3-5 lần so với khuyến cáo. Ở các tỉnh phía nam, có tới 38,6% số hộ dùng liều cao hơn khuyến cáo và 29,7% số hộ tự ý pha trộn nhiều loại thuốc với nhau khi sử dụng.
Kết quả thanh, kiểm tra tình hình sử dụng thuốc BVTV trong thời gian gần đây của Cục BVTV đối với 13.912 hộ nông dân sử dụng thuốc BVTV cho thấy, có đến 4.167 hộ (chiếm 29,9%) sử dụng thuốc BVTV không đúng quy định. Các vi phạm chủ yếu là người nông dân không có phương tiện bảo hộ lao động, sử dụng thuốc BVTV không đúng nồng độ, liều lượng, bao bì thuốc vứt bừa bãi khôngđúng nơi quy định…
2.2. Lạm dụng thuốc BVTV
Hiện nay, việc lạm dụng thuốc BVTV ở nước ta đang là một vấn đề rất nan giải và khá phổ biến trong sản xuất nông nghiệp. Người nông dân sử dụng thuốc BVTV rất tùy tiện, không theo khuyến cáo của cơ quan chức năng khiến cho việc lạm dụng thuốc BVTV càng trở nên rất nguy hiểm. Đáng lo ngại nhất là việc lạm dụng thuốc trong canh tác rau ăn lá, rau gia vị, cây ăn quả. Việc lạm dụng thuốc BVTV sẽ đem lại những hệ lụy rất xấu vìnó là nguyên nhân tiềm ẩn gây độc hại cho người và gia súc, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng, làm ô nhiễm môi trường. Lạm dụng thuốc BVTV còn diệt cả côn trùng và vi sinh vật có ích, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển, bùng phát mạnh hơn do khả năng kháng thuốc của sinh vật gây hại.
Nông dân tự ý tăng nồng độ, sử dụng cùng một lúc nhiều lại thuốc BVTV trong một mùa vụ cho một loại cây trồng, không giữ đúng thời gian cách ly đối với từng loại thuốcdẫn đến tồn dư thuốc BVTV quá mức cho phép trong nông sản, thực phẩm gây ngộ độc cho người sử dụng, làm giảm chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường.Thậm chí có người, có nơi còn sử dụng các loại thuốc BVTV cấm, thuốc BVTV ngoài danh mục được phép lưu hành, thuốc BVTV nhập lậu …
Theo tính toán của các chuyên gia nông nghiệp nếu sử dụng thuốc BVTVtheo đúng quy định, lượng thuốc BVTV mỗi năm sẽ giảm được khoảng 30.000 tấn, tránh lãng phí hơn 4.000 tỷ VN đồng và giảm tải gánh nặng do ô nhiễm môi trường, giảm tồn dư thuốc BVTV trong nông sản.
2.3. Tồn lưu thuốc BVTV
Theo các nhà quản lý ô nhiễm thì ô nhiễm môi trường do nguyên nhân tồn lưu thuốc BVTV đang là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Hầu hết các loại thuốc BVTV là những hợp chất hữu cơ có độc tính cao rất nguy hiểm, tồn tại rất bền vững trong môi trường nên rất khó phân hủy bằng sinh học. Đặc biệt là các loại thuốc BVTV thuộc nhóm POPs như DDT, 666, Aldrin...Số liệu thống kê tính đến tháng 6 năm 2015, còn tồn tại tới 1.562 điểm tồn lưu thuốc BVTV nằm rải rác trên địa bàn 46 tỉnh, thành phố trong cả nước.Điều đáng báo động là, phần lớn các khu vực bị ô nhiễm lại đang nằm lẫn trong khu dân cư.
Các kho thuốc BVTV tồn lưu hiện đang lưu giữ khoảng 217 tấn và 37.000 lít thuốc BVTV các loạicùng 29 tấn vỏ bao bìđựng thuốc trong đó có nhiều loại bao bì, vỏ chai, thùng phuy chứa đựng thuốc BVTV không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đây chủ yếu là các thuốc BVTV tồn lưu từ thập niên 80 trở về trước như: DDT, bassa, lindan, thuốc diệt chuột, gián, muỗi của Trung Quốc. Điều đáng lo ngại là, các loại thuốc BVTV tồn đọng này đang được lưu giữ trong các kho chứa tồi tàn, dột nát hoặc bị chôn vùi dưới đất không đúng kỹ thuật nên nguy cơ rò rỉ, thẩm lậu thuốc BVTV vào môi trường là rất đáng báo động.Điều bất cậpnữa là, khi xây dựng các kho chứa này, trong thiết kế đều không quan tâm đến việc xử lý sự cố do tràn, ngập nước để ngăn ngừa khả năng gây ô nhiễm. Trong quá trình tồn tại,các kho chứa này cũng không được quan tâm tu sửa nên tất cả đều trong tình trạng xuống cấp rất nghiêm trọng.
Trong số các địa phương có tồn lưu thuốc BVTV, Nghệ An là tỉnh có nhiều điểm tồn lưu nhất với 189 điểm bị ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Tỷ lệ này chiếm gần 80% số điểm bị ô nhiễm trong toàn quốc mà theo yêu cầu, đến năm 2025 phải được xử lý triệt để.
2.4. Thu gom, loại bỏ bao bì đựng thuốc BVTV không đúng cách
Bao bì thuốc BVTV sau sử dụng đang trở thành nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu không được thu gom và xử lý đúng cách.
Theo điều tra, có tới hơn 65% nông dân được hỏi khẳng định, họ vứt vỏ bao bì ngay tại nơi pha thuốc. Một số người sử dụng còn có thói quen đổ bỏ thuốc BVTV dư thừa, đổ bỏ nước súc rửa bình bơm không đúng quy định. Họ thường đổ trực tiếp xuống kênh mương thủy lợi nội đồng, ao hồ làm ô nhiễm đất, nước.
3. Các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm
3.1. Về mặt pháp lý
- Ngày 22/7/2002, Chủ tịch nước đã ký phê chuẩn tham gia Công ước Stockholm về loại bỏ các chất gây ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, trong đó, chủ yếu là các loại thuốc bảo vệ thực vật như DDT, 666.
- Năm 2007, Quốc hội đã ban hành Luật Hóa chất, quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố quy định việc xử lý, thải bỏ hóa chất tồn dư, chất thải và dụng cụ chứa hóa chất theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và xây dựng kế hoạch xử lý các khu vực, kho thuốc BVTV gây ô nhiễm môi trường, các điểm tồn dư hóa chất trong thời kỳ chiến tranh.
- Ngày 21/10/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1946/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do thuốcBVTV tồn lưu trên phạm vi cả nước. Sau nhiều năm triển khai, cơ chế chính sách về vấn đề này đã từng bước được xây dựng và hoàn thiện.
Như vậy, chúng ta đã có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện các biện pháp kiểm soát và giảm thiểu các tác động xấu của thuốc BVTV với sức khỏe cộng đồng và môi trường.
3.2. Về kỹ thuật
Bên cạnh các văn bản về mặt pháp lý đã được ban hành, nhiều giải pháp kỹ thuật cũng đã được nghiên cứu, ứng dụng nhằm mục đích tiêu hủy các loại thuốc BVTV tồn đọng, không còn giá trị sử dụng. Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015 và việc thực hiện Quyết định 1946/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các ngành và địa phương đã xử lý được 60 điểm tồn lưu thuốc BVTV bị ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng với tổng kinh phí hỗ trợ từ Ngân sách trung ương đạt gần 250 tỉ VN đồng. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng triển khai xử lý thí điểm, tiêu hủy hơn 900 tấn các loại chất thải chứa thuốc BVTV tồn lưu,đó là chưa kểgiai đoạn 1999- 2000 ta đã tiêu hủy được 30 tấn thuốc BVTV tồn đọng. Trung tâm xử lý môi trường thuộc bộ Quốc phòng đã sử dụng phương pháp đốt trong lò chuyên dụng ở nhiệt trên 1000OC để tiêu hủy nhiều loại thuốc BVTV tồn đọng. Hiện nay, ở Việt Nam, có hai cơ sở được cấp phép áp dụng công nghệ xử lý chất thải trong lò nung ximăng để xử lý thuốc BVTV khó phân hủy, đó là Công ty xi măng Holcim và Công ty xi măng Thành Công.
Ngoài kỹ thuật đốt ở nhiệt độ cao để tiêu hủy thuốc BVTV tồn đọng còncó các giải pháp không đốt đang được áp dụng tại Việt Nam bao gồm phương pháp cô lập triệt để, công nghệ chôn lấp bằng phương pháp bêtông hóa, phân hủy bằng tia cực tím, công nghệ vi sinh…
Về quản lý thuốc BVTV, trong đăng ký lưu hành thuốc BVTV đã thực hiện rút 30% số lượng tên thương phẩm trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, tăng 30% số lượng thuốc BVTV sinh học được đăng ký sử dụng. Bên cạnh đó,lực lượng thanh tra chuyên ngành BVTV đã tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng để ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, không bảo đảm chất lượng.
Với mục tiêu giảm thiểu lượng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp, vừa qua, ngành BVTV đã tập trung xây dựng các mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất thân thiện với môi trường như: Chương trình 3 giảm 3 tăng (Giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm - Tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế), mô hình "công nghệ sinh thái", chương trình gieo sạ tránh rầy triển khai tại hầu hết các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam bộ,…Các mô hình này được triển khai sâu rộng và đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
3.3. Về tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân
Cùng với những giải pháp về chính sách, kỹ thuật, các giải pháp về truyền thông, tập huấn cũng cần được đẩy mạnh nhất là việc tăng cường tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của người nông dân trong việc sử dụng thuốc BVTV theo phương pháp 4 đúng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Để hướng dẫn người nông dân sử dụng thuốc BVTV đúng cách, Cục Bảo vệ Thực vật đã xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, in đĩa VCD và gửi đến từng Chi cục BVTV, các đại lý kinh doanh thuốc BVTV, các hiệp hội để hướng dẫn người nông dân sử dụng.Cục BVTV đang chỉ đạo toàn bộ hệ thống 63 Chi cục BVTV cùng với các trạm BVTV các tỉnh thực hiện công tác này. Thông qua các bộ tài liệu của Cục, các đơn vị cùng với địa phương tập huấn, tuyên truyền hướng dẫn nông dân để sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả nhất.
Hiện nay, ngành BVTV nhiều tỉnh đã có kiến nghị UBND tỉnh triển khai các biện pháp xử lý bao bì thuốc BVTV phù hợp với từng địa bàn. Nhiều nơi đã thực hiện chế tài ràng buộc đối với các doanh nghiệp cung ứng thuốc BVTV trên địa bàn, trong việc thực hiện thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Sóc Trăng, hàng năm, có 366 tấn bao bì thuốc BVTV thải ra trên địa bàn tỉnh này. Điều đáng mừng là, gần đây, người ta đã xây dựng các bể bằng bê tông ngoài đồng để thu gom bao bì thuốc BVTV. Tính đến tháng 9 năm 2018, đã có 150 bể chứa bao bì thuốc BVTV được xây dựng, lắp đặt ngoài đồng ruộng ở các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng. Bước đầu, mô hình này đã phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong nông dân về ý thức bảo vệ môi trường.
Tại Huyện Yên Châu - Sơn La tổng lượng vỏ bao thuốc BVTV thu gom đạt hơn 200kg mỗi năm. Theo báo cáo của CropLife Việt Nam, sau hai năm thực hiện, chương trình đã hỗ trợ các hộ nông dân xây dựng và lắp đặt 75 bể chứa bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng tại 4 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp xuất khẩu trên toàn tỉnh Sơn La.
Bên cạnh đó,việc huy động các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV tham gia hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả cũng là biện pháp rất hiệu quả.
Hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm là bước đầu tiên trong việc hiện thực hoá mục tiêu lâu dài là mã số vùng trồng nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các loại cây ăn quả trên cả nước. Với mục tiêu xây dựng mô hình liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân nhằm nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc “hiệu quả - an toàn- có trách nhiệm”, hướng tới sản xuất an toàn, bền vững và nâng cao giá trị nông sản và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Tăng cường việc quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV là một yêu cầu đặc biệt cấp bách hiện nay ở nước ta nhằm giảm thiểu những tác động có hại của thuốc BVTV với sức khỏe cộng đồng và ô nhiễm môi trường. Nên chăng đã đến lúc chúng ta nêntiến hành đồng thời “Chiến lược sử dụng thuốc BVTV hiệu quả và an toàn” và “Chiến lược giảm nguy cơ của thuốc BVTV”? Đó là bảo đảm chắc chắn cho một nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Suckhoecuocsong.vn/Theo Tạp chí Thử nghiệm Ngày nay