Sau Ocean Bank: Ngân hàng Đông Á lọt vào diện kiểm soát đặc biệt
Ngày hôm nay, ngân hàng Nhà nước đã công bố kết luận thanh tra toàn diện Ngân hàng cổ phần Đông Á và quyết định kiểm soát đặc biệt với ngân hàng này.
Ngày hôm nay, ngân hàng Nhà nước đã công bố kết luận thanh tra toàn diện Ngân hàng cổ phần Đông Á (DongA Bank) và quyết định kiểm soát đặc biệt với ngân hàng này.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ miễn nhiệm, đình chỉ nhiều chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đông Á và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân vi phạm gây thất thoát tài sản của nhà nước và nhân dân. Cơ quan này cũng cho biết, sẽ lựa chọn và cử cán bộ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đảm nhiệm vị trí lãnh đạo chủ chốt để thực hiện quản trị, điều hành, kiểm soát với ngân hàng này.
Thông cáo của Ngân hàng Nhà nước thể hiện rõ "Kết quả thanh tra cho thấy, trong giai đoạn 2012 trở về trước, Đông Á đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và hoạt động của Đông Á".
Trước tình hình trên, ngân hàng Nhà nước cam kết bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật, đồng thời sẽ tái cơ cấu toàn diện Đông Á để ngân hàng này hoạt động an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững.
Lịch sử hình thành ngân hàng Đông Á
Được thành lập và chính thức đi vào hoạt động vào năm 1992, với số vốn điều lệ 20 tỷ đồng, đến nay Đông Á có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, tổng tài sản gần 90.000 tỷ đồng.
Đông Á la một trong những ngân hàng tiên phong và đi đầu trong lĩnh vực công nghệ thẻ. Hiện nay riêng mảng thẻ, ngân hàng thu hút hơn 5 triệu khách hàng sử dụng. Đặc biệt, đây cũng là ngân hàng đầu tiên nghiên cứu và chế tạo ra máy ATM nhả vàng, đưa vào hoạt động các dòng ATM lưu động, các buồng Auto Banking thế hệ mới có chức năng nhận tiền mặt trực tiếp lớn nhất Việt Nam....
Đông Á không phải là cái tên được nhắc tới trong lần đầu Ngân hàng Nhà nước công bố kế hoạch tái cơ cấu toàn diện hệ thống. 9 ngân hàng được nhắc tới khi đó là SCB, Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Habubank, Tienphongbank, GP Bank, Navibank, TrustBank và Western Bank.
Nguyên nhân khiến ngân hàng Đông Á lọt vào diện kiểm soát đặc biệt
Tuy nhiên, số phận của ngân hàng được đặc biệt quan tâm sau khi kết quả kinh doanh 2014 cho thấy chỉ đạt 7% kế hoạch đề ra. Năm 2014, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 35 tỷ đồng, giảm 96% so với năm 2013. Với kết quả này, DongA Bank không trả cổ tức cho cổ đông. Tăng trưởng tín dụng là 1% (cho vay tổ chức tín dụng trong nước tăng 73% trong khi cho vay khách hàng giảm 2,26%) và nợ xấu là 3,7%.
Bản thân lãnh đạo Đông Á cũng sắp xếp những kịch bản có thể xảy ra cho ngân hàng mình, khi những thông tin ban đầu từ cuộc thanh tra cho thấy kết quả không khả quan. Tuy nhiên, bị rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt là điều không được mong đợi.
Tổng giám đốc Trần Phương Bình cho biết ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu và đã có văn bản xin Thủ tướng cho phép kéo dài thời gian đến cuối năm để ngân hàng xây dựng đề án cơ cấu lại ngân hàng. Theo ông, có hai phương án chính là tăng cường xử lý nợ xấu và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, trong đó phương án hai là giải pháp tốt nhất.
"Trường hợp kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước công bố không khả quan, thì ngân hàng đã có các phương án đối phó. Trong đó, ngân hàng đặc biết chú trọng và đã chuẩn bị lượng thanh khoản lớn để phòng trường hợp xấu xảy ra".
Tại đại hội cổ đông thường niên 2015, Hội đồng quản trị Ngân hàng Đông Á đã trình xin ý kiến cổ đông về việc Tập đoàn Kinh Đô (KIDO) tham gia rót vốn vào ngân hàng và tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng. Trong kế hoạch tăng vốn này, mới đây lãnh đạo Ngân hàng Đông Á cũng cho biết có dự định bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ tới 49% và hỗ trợ tài chính để nhà băng xử lý nợ xấu.
Năm 2015, DongA Bank đặt kế hoạch 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp gần 6 lần năm 2014. 7 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận trước thuế của DongA Bank đạt hơn 105 tỷ đồng, huy động vốn gần 82.000 tỷ đồng, tăng gần 5,5%, trong khi tín dụng chỉ tăng 1%.
Những thăng trầm trong lĩnh vực ngân hàng
Trong lịch sử ngành ngân hàng, đã có nhiều nhà băng từng bị rơi vào trường hợp kiểm soát đặc biệt nhưng sau đó đã phục hồi và phát triển mạnh. Đáng chú ý như Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Năm 1997, Eximbank thực sự rơi vào bế tắc và đứng trước nguy cơ đổ vỡ nên phải đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, được sự hỗ trợ về tài chính của Nhà nước, thông qua việc giao cho Vietcombank tiếp quản. Nhiều năm sau đó, ngân hàng đã lấy lại đà phát triển.
Năm 2014, OceanBank bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng
Tương tự, ngân hàng Hàng Hải cũng từng bị đưa vào tình trạng kiểm soát đặc biệt từ cuối tháng 11/2001. VPBank bị Ngân hàng Nhà nước đưa nhà băng này vào diện kiểm soát đặc biệt tháng 9/2002. Ngay cả "ông lớn" Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) giai đoạn 2001 dù không bị đưa vào diện "kiểm soát đặc biệt" nhưng đã từng rơi vào cảnh "phá sản về mặt kỹ thuật".
Gần đây nhất, OceanBank do những sai phạm của lãnh đạo cấp cao nên cũng bị đặt dưới dạng kiểm soát đặc biệt và sau đó bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.
Động thái kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng Đông Á của các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo hoạt động trong hệ thống ngân hàng, tránh rủi ro, thất thoát tài sản của nhà nước và người dân. Qua đó, tiến hành thanh lọc các hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn.
Sau Ocean Bank: Ngân hàng Đông Á lọt vào diện kiểm soát đặc biệt.
Hải Yến