Quy trình sản xuất con giống hải sâm đúng chuẩn
Hướng dẫn quy trình sản xuất con giống hải sâm đúng chuẩn
Nhu cầu nuôi hải sâm thương phẩm cần một lượng lớn hải sâm giống khiến giá của hải sâm giống nâng nên cao. Một số người nuôi nắm bắt được nhu cầu nuôi hải sâm thương phẩm tiến hành nuôi hải sâm giống. Bài viết dưới đây hướng dẫn quy trình sản xuất con giống hải sâm đạt chuẩn.
Hướng dẫn cách chọn hải sâm bố mẹ giống
Hải sâm bố mẹ nên chọn những con trưởng thành, khỏe mạnh, không bị dị tật, không trầy xước, không mắc bệnh. Có thể sử dụng hải sâm được đánh bắt từ tự nhiên hoặc mua hải sâm từ các trang trại, cơ sở nuôi hải sâm giống.
Kích thước hải sâm bố mẹ nên lớn hơn 250h là tốt nhất khi đó hải sâm giống con sẽ đạt tỷ lệ sống cao, khỏe mạnh, ít nhiễm bệnh tật.
Khi vận chuyển hải sâm bố mẹ đến nơi gây giống người nuôi phải hết sức cẩn thận. Bởi hải sâm bố mẹ có thể bị sốc dẫn đến việc hải sâm bị thải nội tạng ra ngoài hoặc đẻ non.
Thả hải sâm bố mẹ giống ao nuôi phải đủ các điều kiện sau: độ mặn trong nước từ 25 – 35%, nhiệt độ nước 25 – 31 độ C, độ pH từ 6,5 - 8,5 là thích hợp nhất cho hải sâm bố mẹ phát triển.
Trong quá trình nuôi vỗ hải sâm bố mẹ giống trong ao nuôi người nuôi thường xuyên thay nước để đảm bảo hải sâm bố mẹ phát triển khỏe mạnh.
Đối với những người nuôi hải sâm bố mẹ theo bể nuôi xi măng thì diện tích phù hợp nhất cho hải sâm bố mẹ phát triển từ 15 - 20 m2, dưới đáy bể xi măng dải cát, độ dày của cát khoảng 10cm, mực nước từ 0,5 - 1,0m không nên để quá nhiều nước trong bể nuôi, độ mặn từ 30 - 35 ‰, nhiệt độ nước nuôi trong bể ổn định từ 26 – 30 độ C.
+ Bên cạnh đó, bể nuôi xi măng có mái che thoáng mát, rào chắn cẩn thận tránh các con vật khác đây hại cho hải sâm bố mẹ.
+ Mật độ thả 1 con/m2, cho ăn bổ sung bằng thức ăn tôm dạng mịn CP 9.000 với 1 gam/m3. Thay nước hằng ngày vào buổi sáng nhằm cân bằng nhiệt độ nguồn nước trong bể và nguồn nước thay, lượng nước thay khoảng 20% thể tích.
Hướng dẫn kỹ thuật kích thích hải sâm bố mẹ sinh sản
Do hải sâm bố mẹ khó phân biệt được bằng hình thái bên ngoài người nuôi hãy chọn khoảng 30-40 con hải sâm cho mỗi lần kích thích hải sâm sinh sản.
Kích thích hải sâm sinh sản thông thường có cách: kích thích sốc nhiệt, phơi hải sâm trong bóng râm, sử dụng vòi nước áp lực, kết hợp dung dịch tảo khô cho vào bể nuôi để kích thích. Nhưng các phương pháp kích thích này khiến cho hải sâm bố mẹ yếu, làm bẩn trứng.
Do đó, qua quá trình nghiên cứu của các chuyên gia thì phương pháp kích thích nhiệt được áp dụng nhiều nhất và đạt được tỷ lệ trứng cao, hải sâm bố mẹ khỏe mạnh. Dưới đây là kỹ thuật kích thích hải sâm bố mẹ sinh sản bằng phương pháp kích thích nhiệt.
Dụng cụ chuẩn bị: Bể xi măng diện tích 1,5-2m3, nước biển sạch, đè điện hoặc máy nâng nhiệt, hải sâm bố mẹ giống, vợt nhựa, máy sục khí, vải bạt.
Bước 1: Vệ sinh hải sâm bố mẹ giống bằng nước biển sạch trước khi cho vào bể kích thích
Bước 2: Cấp nước biển sạch đã qua xử lý vào bể xi măng, lọc nước biển qua túi siêu lọc 1µm vào khoảng 1/3 thể tích bể.
Bước 3: Sử dụng đèn hoặc máy nâng nhiệt để nâng nhiệt độ chênh lệch so với bể nuôi vỗ hải sâm bố mẹ từ 3 – 5 độ C. Tiếp đến, thả hải sâm đã nhả sạch cát và chất bẩn và trong bể kích thích để cho sinh sản, sục khí nhẹ, đậy bạt để giữ nhiệt độ ổn định.
Bước 4: Sau khoảng 2 giờ sau khi kích thích bằng nhiệt con đực bắt đầu phóng tinh. Thông thường, con đực sẽ đực thường phóng tinh trước con cái khoảng 20 - 30 phút, có khi vài giờ, nó tiết ra một giải tinh trùng màu trắng đục trong nhiều phút hoặc thậm chí hàng giờ để kích thích con hải sâm cái đẻ.
Khi hải sâm cái đẻ, trứng phóng ra từ từ hoặc liên tục nhưng có lúc tăng hoặc giảm trong một vài giờ, con cái có thể phóng trứng nhiều hơn một lần thường xảy ra đối với cá thể thành thục có kích thước lớn.
Bước 5: Quan sát lựa chọn trong bể khoảng 3-5 con đực có chất lượng tinh trùng tốt, khỏe mạnh, hoạt động nhanh nhẹn để bắt lại và bỏ bớt số lượng con đực dư thừa nhằm hạn chế lượng tinh trùng dư thừa
Lưu ý: Khi lựa chọn con đực tốt nên lựa chọn những con đực có dải tinh trùng trắng đục phóng ra liên tục nhưng tinh trùng không bị vón cục.
Bước 6: Sau khi kết thúc quá trình bắt hết con bố mẹ ra ngoài, tránh mất trứng khi hải sâm lọc nước.
+ Nếu lượng trứng quá nhiều thì cấp thêm nước cho giảm mật độ trứng, tránh mật độ quá dày gây vỡ trứng.
+ Mật độ trứng trong bể kích thích không nên quá 10 trứng/ml.
+ Trường hợp hải sâm bố mẹ không sinh sản, không nên tiếp tục dùng các phương pháp khác mà thay vào đó hãy chuyển hải sâm bố mẹ trở lại bể nuôi vỗ thành thục để tiếp tục nuôi vỗ.
+ Dùng vợt nhựa chuyển hải sâm bố mẹ trở lại ao nuôi để hải sâm phục hồi cho nuôi tái thành thục, hải sâm bố mẹ thường tái thành thục trong vòng từ 3 - 4 tháng.
Hướng dẫn kỹ thuật thu và lọc trứng hải sâm giống
Quá trình thu và lọc trứng thực hiện sau khoảng 1 giờ sau khi hải sâm bố mẹ ngưng phóng tinh và trứng
Bước 1: Chuyển hải sâm bố mẹ ra khỏi bể kích thích trứng sang bể nước sạch khác.
Bước 2: Hút trứng nhẹ nhàng khỏi bể kích thích bằng ống siphông qua khung lưới lọc trứng kích cỡ mắt lưới từ 50 - 80µm đặt trong thau hoặc thùng xốp
Bước 3: Dùng một vòi nước biển được lọc sạch cấp vào chậu lọc trứng nhằm rửa sạch bớt tinh trùng và chất bẩn phát sinh trong quá trình hải sâm sinh sản.
Bước 4: Giữ trứng trong khung lưới lọc lơ lửng bằng cách thỉnh thoảng khuấy nhẹ nước bên ngoài khung lưới.
Bước 5: Dùng một cốc thủy tinh hoặc ca nhựa có vạch định lượng để thu trứng và đặt chúng vào xô sạch có sục khí nhẹ trước khi chuyển trứng đến bể nuôi ấu trùng.
Hướng dẫn kỹ thuật nuôi ấu trùng hải sâm trôi nổi
Chuẩn bị:
+ Bể nuôi ấu trùng đặt trong nhà có mái che diện tích khoảng 2 - 4m3, nhiệt độ ổn định từ26 - 30 độ C, độ pH từ 7,5 - 8,5, nước biển sạch duy trì độ mặn từ 30 - 35 ‰;
Giai đoạn này mật độ ấu trùng ương nuôi thích hợp từ 300 - 500 ấu trùng/l, chế độ sục khí 24/24h. Trong 4 ngày đầu tiên, từ khi ấu trùng Auricularia xuất hiện, siphon đáy và thay nước hàng ngày 2 ngày/lần.
Quá trình siphon bằng cách tắt sục khí trong khoảng 10 phút trước khi hút đáy, lúc này những ấu trùng khỏe nằm ở cột trên của tầng nước trong khi những ấu trùng yếu và chết cùng với chất bẩn ở đáy bể, sẽ bị hút ra ngoài. Sau khi siphon xong, mở sục khí lại bình thường.
Hàng ngày thay nước khoảng 30% thể tích bể nuôi. Người nuôi sử dụng các túi thay nước có kích cỡ mắt lưới 100µm, ống thay nước đặt ở vị trí ở giữa. Khi thay nước, lượng nước đầu xả ra phải bằng đầu cấp vào để đảm bảo cho nước không bị xáo trộn.
Chăm sóc ấu trùng
Sau khoảng 30-36 giờ thụ tinh trứng sẽ nở thành ấu trùng Auricularia. Người nuôi cho ấu trùng ăn tảo đơn bào với mật độ 20.000 tb/ml và tăng dần đến 40.000 tb/ml ở những ngày tiếp theo, hàng ngày cho ăn 2-3 lần/ngày sau khi thay nước.
Giai đoạn ấu trùng Doliolaria thường tìm kiếm giá thể chuyển bám đáy sang ấu trùng Pentactula trong vài ngày. Ở giai đoạn này nếu không có có vật bám thì ấu trùng Doliolaria sẽ tiếp tục trôi nổi và không xuống bám đáy nên người nuôi phải chuẩn bị vật bám (dùng tôn nhựa PVC vệ sinh sạch sẽ, pha tảo khô Spirulina sp thành dung dịch dạng sệt khi pha với nước tỉ lệ 1g/ml. Dùng bàn chải mềm quét một mặt của vật bám với tỉ lệ 1 - 2g/m2 diện tích vật bám. Phơi khô và cuộn tròn (hở) chúng lại bằng dây buột chặt với phần quét tảo hướng về phía bên trong và thả vật bám vào bể
Trong khoảng 3 ngày ấu trùng Doliolaria sẽ biến mất khỏi cột nước chúng sẽ biến thái qua giai đoạn ấu trùng Pentactula và ấu thể.
Giai đoạn này người nuôi cho ấu tùng hải sâm ăn tảo đa bào Chaetoceros sp. và tảo khuê dạng chuỗi.
Sau khoảng 25-35 ngày tuổi âu trùng đạt kích thước khoảng 2 - 5mm lúc này người nuôi tiến hành chuyển sang giai đoạn lưới ương để lên con giống.
Suckhoecuocsong.vn/TH