Nợ công nguy cơ vượt trần: Việt Nam làm gì để vượt qua?
Việt Nam phải kiểm soát thật chặt nguồn vốn vay, trong đó phải bố trí nguồn vốn khác để trả được nợ gốc thay vì phải đi vay mới
Để nợ công không vượt trần vào cuối năm 2016 thì ngay từ bây giờ, Việt Nam phải kiểm soát thật chặt nguồn vốn vay, trong đó phải bố trí nguồn vốn khác để trả được nợ gốc thay vì phải đi vay mới, còn nợ lãi thì nên trích từ ngân sách..
Năm 2014, nợ công chiếm 58% GDP, đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, đến hết năm 2014, dư nợ Chính phủ đã lên đến gần 86 tỉ USD, tương đương 1,8 triệu tỉ đồng.
Nợ công tăng đột biến
Theo số liệu của Bộ Tài chính vừa công bố mới đây về tình hình nợ công của Việt Nam giai đoạn từ năm 2010 – 2014 cho thấy, nợ công ngày càng tăng cao. Chỉ tính riêng trong 3 năm gần đây, nợ công vào năm 2012 là 50,8%, sang năm 2013 đã tăng lên 54,5% và đến hết năm 2014, nợ công của Việt Nam đạt 58% GDP.
Nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP năm 2014 là 38,3%. Dư nợ Chính phủ so với GDP đạt 44,6% và năm 2014 là 46,4%. Trong khi dư nợ chính phủ so với thu ngân sách năm 2011 chỉ gấp gần 1,6 lần thì đến năm 2014 đã tăng cao gấp 2,11 lần.
Nhưng nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước lại giảm, từ 17,6% vào năm 2011 xuống còn 13,8% năm 2014.
Theo báo cáo, số dư nợ của Chính phủ đến năm 2013 là 1,5 triệu tỷ đồng thì đến hết năm 2014 số dư nợ của Chính phủ đã đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng. Theo đó, cơ cấu nợ trong nước vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng dư nợ của Chính phủ.
Năm 2014 nợ nước ngoài là 810.000 tỷ đồng thì nợ trong nước là trên 1 triệu tỷ đồng. Báo cáo cũng cho thấy, trong 2 năm 2013 và 2014, tỷ trọng nợ trong nước tăng cao trong khi giai đoạn trước 2012, nợ nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn.
Nhất là số dư nợ được Chính phủ bảo lãnh ngày càng tăng lên, năm 2010 là 226.000 tỷ đồng thì năm 2014 đã tăng vọt lên trên 422.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi.
Về số nợ hàng năm mà Chính phủ trả, năm 2010 mới chỉ ở mức 87.000 tỷ đồng, thì đến năm 2014 con số trả nợ đã lên tới hơn 260.000 tỷ đồng, tăng gần 199% so với năm 2010.
Trước đó, theo số liệu của Bộ Tài chính công bố tại hội nghị tổng kết ngành tài chính diễn ra cuối năm 2015 cho biết, dự kiến đến hết năm 2015, nợ công của Việt Nam ở mức 61,3% GDP; nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 41,5%, đây là mức nằm trong giới hạn cho phép.
Tuy nhiên, mới đây, trong buổi công bố báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương.
Biểu đồ về dư nợ vay của Chính phủ trong 5 năm từ 2010 - 2014 (Nguồn: Mof)
Ông Sandeep Mahajan, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam cũng đã cảnh báo, các khoản nợ công và nợ do Nhà nước bảo lãnh của Việt Nam có thể sẽ nhanh chóng chạm mức trần do luật quy định là 65% GDP. Theo ước tính của WB, nợ công và nợ do Nhà nước bảo lãnh của Việt Nam hiện đã đạt mức 62,5% GDP.
Làm gì để chặn nợ công vượt trần?
Nhiều chuyên gia lo ngại, nếu đà nợ công vẫn cứ tăng đều như hiện nay thì trần nợ công sẽ vượt ngưỡng. Do vậy, cần có giải pháp để xử lý tình trạng nợ công tăng nhanh, hay nói cách khác là kiềm chế và kiểm soát để nợ công không thể vượt ngưỡng.
Trao đổi với PV Infonet, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho hay, nợ công trong mấy năm gần đây tăng nhanh là do Việt Nam phải vay nợ mới để trả nợ cũ, và nếu cứ đà này thì đến cuối năm 2016 nợ công chắc chắn sẽ vượt trần.
Và TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, để nợ công đến cuối năm 2016 không vượt trần thì ngay từ bây giờ, Việt Nam phải kiểm soát thật chặt nguồn vốn vay, trong đó quan trọng nhất là phải bố trí nguồn vốn khác thay vì phải đi vay mới để trả được nợ gốc, còn nợ lãi thì nên trích từ ngân sách ra để trả thay vì việc phải đi vay mới để trả nợ gốc.
"Chúng ta nên rà soát lại tất cả các khoản nợ đã vay, đồng thời phải có sự lựa chọn để làm sao sử dụng tiền vay nợ phải đảm bảo sử dụng thực sự hiệu quả. Vay thì vẫn phải vay nhưng vốn vay đó phải sử dụng thực sự hiệu quả và muốn hiệu quả thì chúng ta cần rà soát lại để việc vay nợ giảm xuống và tăng việc trả nợ lên cao.
Quan trọng nhất là phải tìm nguồn vốn khác để trả nợ cũ thay vì phải vay mới để trả cũ. Có như vậy mới dần giảm được quy mô nợ xuống và nợ công không vượt trần được vào cuối năm nay.", ông Ánh nói.
Còn vị chuyên gia Sandeep Mahajan dù đã đưa ra lời cảnh báo song cá nhân ông cũng có cái nhìn lạc quan hơn về vấn đề nợ công của Việt Nam.
Ông Sandeep Mahajan cho rằng, mặc dù tình trạng nợ công và nợ Chính phủ của Việt nam đang tăng nhanh gây nên nhiều quan ngại nhưng cũng không có thước đo chung về nợ công đối với tất cả các quốc gia. Lý do là bởi mức độ bền vững của nợ công được đánh giá tùy thuộc vào tiềm lực tài chính, sức mạnh kinh tế của từng nước.
Để minh chứng cho điều này, ông Sandeep đưa ra ví dụ: Có những nước có nợ công vượt trên 200% nhưng tình hình tài chính của nước này vẫn rất ổn, trong khi đó có những quốc gia, nợ công chỉ cần lên đến 50% GDP là đã rất nguy hiểm.
"Nợ ngắn hạn tới thời điểm trả của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn, tạo áp lực trả nợ ngắn hạn và trung hạn. Tuy nhiên, với tỷ lệ nợ công hiện vào khoảng 62,5% GDP thì Việt Nam hoàn toàn đủ sức chi trả, và khả năng trả của Chính phủ Việt Nam với những khoản nợ đến hạn là 100%", vị chuyên gia này khẳng định.
Suckhoecuocsong.com.vn (Theo Infonet)