Những tỷ phú Việt vang danh trên trường quốc tế
Không ít tỉ phú người Việt đã khiến cả thế giới phải ngả mũ thán phục trong năm 2014. Hãy cùng Skcs.vn tìm hiểu về họ trong bài viết dưới đây.
Đại gia “hoa hậu”
Với giá trị tài sản 2,8 tỷ USD, ông Hoàng Kiều - tỷ phú Mỹ gốc Việt 70 tuổi đã lọt vào top 1.000 người giàu nhất thế giới.
Theo thống kê của Forbes vào giữa tháng 9 năm ngoái, ông Hoàng Kiều trở thành doanh nhân có tài sản tăng nhanh nhất trong danh sách tỷ phú của tạp chí này. Với 2,8 tỷ USD, ông Hoàng Kiều hiện là tỷ phú giàu thứ 633 thế giới. Tên tuổi ông từ đó nhanh chóng được biết đến và được đánh giá cao bởi tốc độ tăng trưởng tài sản cũng như tiềm năng của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế của vị đại gia gốc Việt.
Vị tỷ phú hiện đang sống tại Los Angeles của Mỹ nhưng sở hữu công ty chuyên về huyết tương có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc này chứng kiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, lên 28 triệu USD, trong khi doanh thu cũng tăng hơn 80% lên 88 triệu USD.
Ông Hoàng Kiều còn có biệt danh “đại gia hoa hậu” do hay tham gia tổ chức các cuộc thi sắc đẹp thế giới.
Ông Hoàng Kiều từng có ý định đưa cuộc thi Hoa hậu Thế giới về Việt Nam vào năm 2008 và 2010, bằng cách mua lại một công ty du lịch của Tiền Giang, và dự định rót 500 triệu USD cho công tác chuẩn bị và hoạt động bên lề. Tuy nhiên, dự định không thành công, ông chuyển nhượng lại công ty cho một người em họ, chính thức rút chân hoàn toàn khỏi việc kinh doanh tại Việt Nam.
“Đạo diễn” của Blackstone
Chính E. Chu (Chính Chu) sinh năm 1966 tại Việt Nam. Năm 1975, ông cùng gia đình di cư sang Mỹ với vốn liếng chỉ vài trăm USD. Vừa đi học, ông Chu vừa đi bán sách lẻ và giao đến tận nhà. Chu có bằng cử nhân Tài chính tại Đại học Buffalo, một trường công tại New York (Mỹ).
Trong giới đầu tư tài chính Mỹ, cái tên Chính E.Chu là một cái tên vô cùng quen thuộc mà mỗi khi nhắc đến mọi người phải kiêng nể.
Chỉ có vài trăm đôla khi mới bắt đầu sang Mỹ, giờ đây ông Chu đã sở hữu khối tài sản trị giá hơn 1 tỉ đôla.
Hiện tại Chính E.Chu đang là giám đốc cấp cao của tập đoàn đầu tư tài chính Blackstone (Mỹ). Chính E.Chu sở hữu trong tay khối tài sản lên tới 1.1 tỷ đôla. Biệt tài mà mọi người nhớ tới ông chính là khà năng "đạo diễn" hàng loạt vụ thương thuyết cho Blackstone. Nhiều người nói đùa rằng "không có thương vụ nào tuột khỏi tay Chính E.Chu". Bí quyết thành công của Chính E.Chu chính là sự kiên trì theo đuổi mục tiêu. Theo ông, chỉ cần bạn có mục tiêu và kiên trì theo đuổi nó thì thành công sẽ không quay lưng lại với bạn. Ông được mọi người đánh giá cao ở khả năng phân tích và nhạy bén về tài chính.
Bằng khả năng của mình, Chính E.Chu đã lần lượt "thu mua" rất nhiều tập đoàn, công ty... thu lại khoản lợi nhuận vô cùng béo bở và trở thành một cái tên khiến phố Wall phải kiêng dè, đặc biệt là khi ông là "đạo diễn" cho kế hoạch thu mua lại Tập đoàn máy tính Dell với giá khoảng 25 tỷ đôla.
Ông hoàng của nghề nail
Người ta nói rằng việc làm dễ kiếm ra tiền nhất của người Việt tại Mỹ chính là làm nail (nghề chăm sóc móng tay, móng chân). Tuy nhiên, Charlie Tôn Quý lại không muốn nghề nghiệp này chỉ là một trong những nghề tạm bợ, ông đã khiến nó trở thành một "thiên đường hái ra tiền".
Với khởi điểm chỉ là một bài tiệm nail đầu tiên, Charlie Tôn Quý đã bắt đầu kế hoạch vươn xa hơn nữa của mình bằng cách đưa tiệm nail vào các siêu thị, cửa hàng...
Với 1.200 cửa hàng nail, thu nhập bình quân của Regal Nails là khoảng 500 triệu đôla/năm.
Một thời gian sau, gần 1.200 cửa hàng nail của Charlie Tôn Quý đã có mặt trên toàn nước Mỹ. Charlie Tôn Quý đã thành công khi đưa thương hiệu Regal Nails trở nên nổi tiếng khắp toàn nước Mỹ. Không những thế, ông cũng giúp rất nhiều lao động Việt Nam có việc làm trong các cửa hàng nail của mình.
Hiện tại, với gần 1.200 cửa hàng nail, thu nhập bình quân của Regal Nails là khoảng 500 triệu USD mỗi năm. Không dừng lại tại đó, Regal Nails đang tham vọng đưa thương hiệu ra toàn thế giới.
Mua cả … tháp Eiffel
Vào thời điểm giữa năm ngoái hàng loạt các tin liên quan đến việc triệu phú gốc Việt mua lại tháp Eiffel đầy rẫy trên khắp các mặt báo không chỉ trong nước mà còn trên thế giới.
Báo giới toàn cầu dậy sóng vì tin ông Chúc Hoàng mua lại tháp Eiffel.
Theo bài viết được báo Le Monde đăng tải ngày 26/6, vị đại gia gốc Việt Chúc Hoàng vừa gây xôn xao vì thương vụ đặc biệt nhất trong 70 năm cuộc đời, mua lại quyền quản lý tháp Eiffel từ Société d'Exploitation de la Tour Eiffel (SETE) với giá khoảng 250 triệu euro.
Tuy nhiên, ngay sau đó thông tin này đã bị phủ nhận. Société de la Tour Eiffel ngày nay tuy vẫn còn thừa hưởng cái tên nhưng hoàn toàn không còn dính dáng gì đến tháp Eiffel nữa. Hiện công ty này chuyên kinh doanh địa ốc và đang rất lao đao vì những khoản nợ chồng chất dù sở hữu không ít bất động sản ở Paris.
Quảng bá thương hiệu bằng việc mua lại cả thị trấn
Có thể nói chuyện người Việt đổ xô sang Mỹ tìm mua bất động sản đã quá quen thuộc nhưng việc mua hẳn một thị trấn thì là chuyện xưa nay hiếm.
Tuy nhiên, vào năm 2012, điều đó đã thành sự thật khi doanh nhân Phạm Đình Nguyên - Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS), đã mua lại thị trấn Buford thuộc bang Wyoming nằm ở miền Trung nước Mỹ với giá 900.000 USD trong một vụ đấu giá căng thẳng.
Vị doanh nhân chia sẻ: "Sở hữu một phần của nước Mỹ là ước mơ của tôi. Khi đọc được một bài báo nói về việc đấu giá thị trấn Buford, tôi đã rất phấn khích. Vì vậy, tôi đã quyết định sẽ tới Wyoming để trực tiếp tham gia. Đây là một hành trình dài nhưng cuối cùng tôi cũng thực hiện được ước mơ của mình".
Với việc mua lại và đổi tên thị trấn Buford thành Buford PhinDeli, tên tuổi ông Nguyên đã nổi tiếng trên trường quốc tế.
Sau thương vụ nổi tiếng này, doanh nhân Phạm Đình Nguyên lại gây "náo loạn" báo giới khi công bố quyết định đổi tên thị trấn thành Buford PhinDeli. Động thái này đi cùng với việc ông Nguyên ra mắt sản phẩm cà phê thuần Việt thương hiệu PhinDeli ngay trên thị trấn này.
Quang Phong - Skcs.vn (tổng hợp)