Những giống lợn mang lại lợi ích kinh tế cao cho người nuôi
Một số giống lợn đem lại lợi ích kinh tế cao cho người chăn nuôi
Hiện nay có nhiều giống lợn cho nạc nhiều đã được nhập vào Việt Nam nuôi mang lại nhiều lợi ích kinh tế cao cho người chăn nuôi. Những giống lợn đó đã được thuần dưỡng để thích nghi với điều kiện khí hậu thời tiết, cách nuôi dưỡng, chăm sóc và phòng chống bệnh của nước ta. Dưới đây là một số giống lợn mang lại lợi ích cao, chăn nuôi dễ, không tốn nhiều chi phí cho người nuôi
Lợn Landrace
Lợn Landrace có nguồn gốc từ Đan Mạch, nổi tiếng khắp thế giới là giống lợn cho nhiều nạc. Hiện nay giống lợn này được xuất đi khắp nơi để cải thiện giống lợn của nhiều nước và trở thành các giống lợn Landrace Mỹ, Landrace Anh, Landrace Pháp, Landrace Canada…
Lợn có sắc lông trắng tuyền, đầu nhỏ, tai to xụ bịt lấy mắt, mông đùi to, chân nhỏ, đi trên ngón, nhìn ngang thân hình giống như một tam giác. Nọc nái ở 6 tháng tuổi đạt 80 - 90 kg, trưởng thành có thể đạt 200 - 250 kg, quầy thịt 65% là nạc, có trị số độ dày mỡ lưng thấp (12 – 15 mm), phẩm chất thịt ngon, mềm, sớ cơ ít dai, thịt có vân mỡ.
Lợn nái mỗi năm đẻ 1,8 – 2,2 lứa, mỗi lứa 9 -10 con. Đây là giống lợn kiêm dụng được thị trường chấp nhận vừa sản xuất nạc vừa có khả năng sinh sản, nuôi con tốt. Nhu cầu dinh dưỡng tuy cao nhưng dễ thỏa mãn, sức kháng bệnh và thích nghi tốt ở điều kiện chăn nuôi Việt Nam.
Lợn Pietrain
Lợn Pietraincó nguồn gốc từ Bỉ, mang tên làng Pietrain thuộc vùng Wallon, Brabant, lông da màu trắng đen xen lẫn từng đám, tai thẳng đứng, đầu to vừa phải, mõm thẳng, 4 chân thẳng, mông rất nở, lưng rộng, đùi to, nhiều nạc nhất trong các giống. Tuy nhiên, giống lợn Pietrain có nhược điểm tim yếu, khả năng chịu đựng kém, nhạy cảm với stress. Lợn Pietrain thường sử dụng lai với giống Duroc để tạo "đực cuối cùng"nhăm nâng cao năng suất thịt mông và tỷ lệ nạc.
Hiện nay, lợn Pietrain đã phổ biến khắp nơi trên thế giới như Pháp, Mỹ, Canada…Đây là giống lợn nổi tiếng về cho nạc nhưng nhu cầu dinh dưỡng rất cao. Khi 150 ngày tuổi, đạt trung bình 80 kg, nọc nái trưởng thành có thể đạt 200 - 250 kg, lợn nái mỗi năm đẻ 1.8 lứa, mỗi lứa 8 - 9 con.
Lợn thích nghi kém với điều kiện khí hậu quá nóng, quá lạnh, quá ẩm, và rất dễ mắc các bệnh về dinh dưỡng, sinh sản, hô hấp, tiêu hóa… Hiện nay,lợn nuôi thuần rất khó ở quy mô gia đình và trang trại nhỏ.Các trại lớn thường nuôi để sản xuất đực cuối, tạo dòng lợn con nuôi thịt, hoặc sản xuất nọc lai 2 máu cho dễ nuôi trong nhân dân hay để cải thiện phẩm chất thịt và tỷ lệ nạc trên một số giống lợn khác.
Lợn Yorkshire
Đây là lợn có nguồn gốc từ Anh Quốc, lúc đầu có 3 nhóm: Lợn Đại Bạch, Lợn Trung Bạch và Lợn Tiểu Bạch. Hai nhóm Tiểu và Trung Bạch có năng suất kém và ngoại hình xấu nên không được ưa chuộng, còn Đại Bạch có năng suất cao, ngoại hình đẹp nên giống lợn này đã phổ biến ở khắp nơi trên thế giới.
LợnYorkshire có sắc lông trắng tuyền, giữa gốc tai và mắt thường có bớt đen nhỏ, đuôi dài quấn thành 1 – 2 vòng, tai đứng, lưng thẳng, bụng thon, khi nhìn ngang giống như hình chữ nhật. Lúc 150 ngày tuổi đạt trung bình 80 kg, quày thịt 55 – 60%. Lợn có độ dày mỡ lưng thấp (15 – 18 mm), phẩm chất thịt ngon (thuộc nhóm Bacon), trong sớ cơ có ngấm mỡ nên mềm, hương vị thịt béo, ngọt không dai.
Lợn nái mỗi năm đẻ 1,8 – 2,2 lứa, mỗi lứa 9 – 10 con. Sản lượng sữa thường cao, nuôi con giỏi, có những nái có thể khai thác đến 8 – 10 lứa đẻ. Đây là giống lợn đã được nuôi dưỡng thuần hóa lâu năm ở Việt Nam, nên các nọc và nái giống hiện hữu có sức đề kháng rất tốt với bệnh tật, ít bị những bệnh thông thường như sốt, bỏ ăn, sưng khớp, viêm đường sinh dục sau đẻ, sốt sữa… Lợn thích nghi tốt với các điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng của nhà chăn nuôi đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ.
Lợn Duroc
Có nguồn gốc từ Mỹ, nhưng hiện nay, lợn Duroc đã hiện diện khắp nơi trên thế giới.Lợn thuần chủng có sắc lông đỏ nâu, bốn móng ở mỗi chân màu đen huyền, khi lai có màu vàng nhạt và xuất hiện đốm bông đen (thường ở đùi, mông, bụng). Đôi tai nhỏ, xụp nhưng gốc tai đứng, lưng còng, ngắn đòn, bụng thon, chân thấp ,nên nái tơ Duroc phối với đực cao chân thường khó (dương vật có thể gieo nhầm vào hậu môn thay vì âm đạo), ngược lại nọc tơ Duroc phối với nái cao thường khó khăn (dễ bị té bật ngửa, hoảng sợ, hoặc dương vật không đi sâu qua cổ tử cung nên tỉ lệ đậu thai thấp, tinh trùng thường bị trào ra sau khi phối trực tiếp). Các bất lợi trên sẽ được khắc phục khi áp dụng kỹ thuật gieo tinh nhân tạo.
Lợn Duroccho nhiều nạc, mỡ lưng mỏng (10 - 12 mm), nạc có sớ cơ dai, ít vân mỡ nên không ngon lắm, tỷ lệ nạc quày thịt có thể 65%. Ở 6 tháng tuổi,lợn đạt trọng lượng trung bình 70 - 80 kg, nọc nái trưởng thành có thể đạt 200 - 250 kg. Nái đẻ mỗi năm 1,8 lứa, mỗi lứa 8 - 9 con, nái tiết sữa kém, nuôi con kém, nhu cầu dinh dưỡng cao, sức kháng bệnh kém. Hiện nay, giống lợnDuroc thường được nuôi thuần và chỉ để tạo dòng đực cuối để phối với nái sinh sản để sản xuất lợn con nuôi thịt.
Suckhoecuocsong.com.vn/Theo Tạp chí thử nghiệm ngày nay