Những doanh nhân đại gia từng khoác áo lính
Những doanh nhân thành đại một thời khoác áo lính chiến đấu
Doanh nhân “Đường bia”, Chủ tịch Hòa Bình Group
Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường từng có những năm tháng chiến đấu trong công cuộc thống nhất đất nước. Ông rời quân ngũ năm 1975, rồi đi chở bia thuê ở Hà Nội trong 10 năm trước khi tự mình kinh doanh bia, và sau đó xây dựng cho mình nhà máy sản xuất malt (nguyên liệu để sản xuất bia). Biệt danh “Đường bia” cũng được người ta gán cho ông từ ngày đó.
Thành công với lĩnh vực đồ uống, doanh nhân Nguyễn Hữu Đường rót vốn vào lĩnh vực bất động sản và thành công với một loạt dự án bất động sản chất lượng, uy tín trên thị trường như: tháp đôi Somerset Hòa Bình (106 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội), chung cư cao cấp khu Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hòa Bình Green City (505 Minh Khai, Hà Nội). Ông luôn tự hào về những dự án mình từng làm, ông cũng từng nổi tiếng với tuyên bố: “Hòa Bình Green City là công trình kiệt tác, tôi làm căn hộ thật ở dự án này còn đẹp hơn căn nhà mẫu hiện tại”. Các cư dân sinh sống tại đây cũng cho biết, chỉ cần một lời phàn nàn của khách hàng về chất lượng vật liệu nội, ngoại thất, ông lập tức thay thế bằng sản phẩm chất lượng đắt tiền hơn.
Cũng tại dự án Hòa Bình Green City, ông Đường “bia” từng gây sốc với tuyên bố miễn phí cho thuê mặt bằng đối với các doanh nghiệp kinh doanh hàng Việt Nam chất lượng cao khi 25.000 m2 thuê trung tâm thương mại tại dự án này. Tuy nhiên, theo tiết lộ của giới đầu tư bất động sản, ngoài tinh thần dân tộc, một lý do nữa khiến ông Nguyễn Hữu Đường đi đến quyết định này là ông “tự ái” khi một đối tác nước ngoài trả giá thuê mặt bằng quá rẻ.
Được biết, Công ty TNHH Hoà Bình với tiền thân là Tổ hợp Hoà Bình do 9 người là thương binh và cựu chiến binh thành lập năm 1987. Hiện nay, công ty đã phát triển mạnh với 4 công ty thành viên sản xuất malt bia, bia, nước giải khát, xây dựng và sản xuất thép và inox.
Doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch CTCP Cơ điện lạnh (REE)
Ít ai biết rằng, bà Nguyễn Thị Mai Thanh từng có 6 năm làm lĩnh quân y trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Sinh ra trong gia đình có truyền thống quân đội, bà Mai Thanh gia nhập quân ngũ vào tháng 5/1968, khi đó bà mới chỉ 16 tuổi, với nhiệm vụ đầu tiên là tham gia khóa học đào tạo dược tá tại Sư Đoàn 9 chiến đấu khu Đ, miền Đông Nam Bộ. Công việc của một người lính quân y theo bà đến suốt 6 năm sau đó, trước khi được cử ra miền Bắc học văn hóa vào năm 1973.
Tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Karl Marx Stadt (Đức) năm 1982, bà Mai Thanh trở về làm việc tại Xí nghiệp liên hợp Thiết bị Lạnh với vị trí kỹ sư. Năm 1985, bà được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc, và trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc REE sau đó 10 năm. REE dưới sự dẫn dắt của bà đã phát triển từ một xí nghiệp cơ khí cũ kỹ, sản xuất thiết bị điện lạnh cho các nhà máy nước đá, thành một thương hiệu lớn trong ngành.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu REE được biết đến khi là một trong hai doanh nghiệp đầu tiên niêm yết (cùng với SAM). Tuy nhiên, thương hiệu REE ngày nay được biết đến như một tập đoàn đầu tư đa ngành với các lĩnh vực: bất động sản, điện, nước, khoáng sản.
Nhóm công ty REE bao gồm: Công ty REE M&E là nhà thầu công trình; Công ty Điện Máy REE chuyên kinh doanh hệ thống điều hòa không khí mang thương hiệu Reetech; Công ty REE Real Estate là nhà quản lý các cao ốc văn phòng cho thuê phát triển bởi REE; Công ty REE Land hoạt động trong lĩnh vực phát triển các dự án bất động sản; Cơ sở hạ tầng điện và nước với các khoản đầu tư vào các nhà máy điện và nhà máy cung cấp nước sạch.
Doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch CTCP Alphanam
Ông Nguyễn Tuấn Hải từng công tác tại Bộ Tư lệnh Biên Phòng, sau khi rời quân ngũ ông mở công ty kinh doanh vàng bạc đá quý, rồi khách sạn. Năm 1995, công ty TNHH Alphanam ra đời, với ngành nghề đầu tiên là sản xuất tủ điện. Hiện doanh nghiệp này đã mở rộng sang nhiều ngành khác, trong đó nổi bật nhất là bất động sản, sản xuất công nghiệp và lương thực, thực phẩm.
Trên sàn chứng khoán, ông Nguyễn Tuấn Hải từng có tên trong tốp 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán với mã cổ phiếu ALP. Tuy nhiên, cổ phiếu ALP đã hủy niêm yết tự nguyện trên sàn thành phố Hồ Chí Minh kể từ ngày 31/12/2014. Năm 2015, CTCP Alphanam – Xây Dựng, thành viên của Alphanam Group bị Cục Thuế Hà Nội xướng tên khi nợ 8,14 tỷ đồng tiền thuế.
Bản thân ông Nguyễn Tuấn Hải cũng lui dần về hậu trường và bàn giao sự nghiệp lại cho con cái. Ông từng chia sẻ, sau sau gần 30 năm kinh doanh, ông dường như đã hoàn thành sứ mệnh làm doanh nhân. Vì vậy, ông muốn được làm một việc khác mà mình ấp ủ lâu nay là nghề giáo bởi nhận thấy có năng khiếu và cũng là để tiếp tục truyền thống gia đình.
Đại tá Nguyễn Đăng Giáp – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty 36
Doanh nhân – Đại tá Nguyễn Đăng Giáp sinh ra trong một gia đình có tám anh em trai, cả tám người đều đi bộ đội, trong đó có một người là liệt sỹ trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ông Nguyễn Đăng Giáp từng có nhiều năm là lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn, đặc biệt là mặt trận Đường 9 – Nam Lào đầu những năm 1970.
Ông Nguyễn Đăng Giáp về tiếp quản Xí nghiệp 36, thuộc Bộ Quốc Phòng, trong bối cảnh xí nghiệp nợ nần hàng chục tỷ, có nguy cơ phải giải thể. Dưới sự chèo lái của ông, Xí nghiệp 36 đã vươn lên thành Tổng Công ty 36 như ngày nay và trở thành đơn vị anh hùng. Bản thân Đại tá Nguyễn Đăng Giáp cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới.
Những công trình của Tổng công ty 36 như: Hội trường Bộ Quốc phòng, đường tuần tra biên giới, các toà nhà đa năng của các trường đại học, công trình thuỷ lợi, thuỷ điện… dường như đều có sự đóng góp của Đại tá Nguyễn Đăng Giáp.
Doanh nhân Dương Công Minh, Chủ tịch tập đoàn Him Lam
Là ông chủ của một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Việt Nam, trước đây ông Dương Công Minh từng là đại tá trong quân đội và có hơn 13 năm làm quản lý tại các doanh nghiệp của ngành, trong đó có công ty Xuất nhập khẩu Bộ Quốc Phòng. Ngay cả cái tên mà ông chọn đặt cho tập đoàn của mình cũng mang đậm dấu ấn của một thời khói lửa. Him Lam là địa danh gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Tham vọng của ông chủ tập đoàn này là Him Lam cũng gây được tiếng vang như thế trong tương lai.
Từng thất bại trong những ngày đầu rời quân ngũ ra kinh doanh với thương vụ buôn xoài xuất sang Trung Quốc, ông Minh phải bán căn nhà rộng 1.000 m2 để trả nợ. Chính từ những rắc rối gặp phải khi thực hiện các giấy tờ nhà đất mà ông đã quyết định mở công ty chuyên về dịch vụ này, với mức lợi nhuận lên tới 300%. Từ đây, ông mở công ty phát triển dự án và xây dựng nhà ở, rồi đến sân golf. Nhiều đại gia trên sàn chứng khoán Việt Nam từng thay nhau dẫn đầu danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán, nhưng họ đều khẳng định: nếu tập đoàn Him Lam lên sàn chứng khoán, vị trí đó phải thuộc về Dương Công Minh.
Bên cạnh tập đoàn Him Lam, ông Dương Công Minh còn là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP LienVietPostBank với tỷ lệ sở hữu lên đến 14,98% tại ngân hàng này. Ông cũng là Chủ tịch HĐQT của CTCP Liên Việt Holdings và CTCP Chứng khoán Liên Việt.
Doanh nhân Đào Hồng Tuyển, "Chúa đảo" Tuần Châu
Doanh nhân Đào Hồng Tuyển từng là chiến sỹ thuộc binh đoàn tàu không số, lực lượng vũ trang huyền thoại của Việt Nam vào những năm cuối của cuộc chiến trang chống Mỹ. Sau này, ông Đào Hồng Tuyển là Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh đoàn tàu không số thuộc lực lượng Hải quân.
Rời quân ngũ vào những năm 80 của thế kỷ trước, ông Đào Hồng Tuyển từng quyết định trụ lại ở Sài Gòn để lập nghiệp dù khi ấy ông không có nghề, không nơi ở, phải kiếm sống bằng việc dọn chuồng lợn, bưng bia tại các quán nhậu. Đến những năm 90, ông dồn vốn mua lại các xí nghiệp của chế độ cũ và xây dựng nhà máy sản xuất nước giải khát, phân bón...
Cựu chiến binh Đào Hồng Tuyển từng phục vụ trong ngành Hải quân.
Năm 1997, ông Đào Hồng Tuyển khi đó là Chủ tịch công ty TNHH Âu Lạc đã quyết định làm một việc khiến nhiều người cho là “điên rồ” khi “đổ” khoảng 80 tỷ đồng xuống biển để xây con đường độc đạo nối đảo Tuần Châu rộng 98 ha với đất liền. Biệt danh “Chủa đảo” của ông cũng bắt đầu từ đó.
Doanh nhân Huỳnh Uy Dũng, ông chủ Khu du lịch Đại Nam
Ông Huỳnh Uy Dũng với biệt danh quen thuộc Dũng "lò vôi" sinh năm 1961, tại Bình Định. Ông nhập ngũ và tham gia Chiến tranh biên giới Tây Nam khi đang học dang dở lớp 12, phục vụ công tác hậu cần ở Quân khu 5, rồi Quân khu 7, làm nhiệm vụ tiếp tế cho bộ đội ngoài chiến trường.
Khi chuyển về công tác ở bộ phận hậu cần thuộc Công an thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, ông phát triển ý tưởng làm lò vôi, sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp để có thêm thu nhập cho đơn vị. Cái tên Dũng “lò vôi” bắt đầu từ khi đó.
Ông Huỳnh Uy Dũng được cho là người rót vốn vào khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam, đó là khu công nghiệp Bình Đường. Sau Bình Đường, ông tự đứng ra đầu tư 2 khu công nghiệp khác là Sóng Thần 2 và Sóng Thần 3, cùng với nhiều dự án khu dân cư khác.
Khu du lịch Đại Nam Văn Hiến được ông Dũng “lò vôi” xây dựng từ tháng 9/2007, với mục tiêu trở thành khu du lịch lớn nhất Đông Nam Á diện tích 700 ha. Dự án này cũng ngốn của ông khoảng 5.000 tỷ đồng. Năm 2013, vợ chồng đại gia này khiến dư luận ồn ào khi ủy quyền, trao khối tài sản khổng lồ cho con trai 1 tuổi Huỳnh Hằng Hữu trong ngày thôi nôi.
Suckhoecuocsong.com.vn (Theo Infonet)