Nhóm võ Bình Định và khí thế hào hùng dân tộc
Nét đặc biệt của võ Bình Định
Trên dải đất hình chữ S, Bình Định là nơi có truyền thống võ thuật lâu đời và cái nôi võ thuật miền Trung gắn liền với triều đại Tây Sơn (1778-1802).
Phái võ Bình Định ra đời như thế nào?
Ngược dòng thời gian vào thế kỷ 18, một số võ sư nổi tiếng từ miền Bắc chuyển đến định cư tại Bình Định và dạy võ cho người dân địa phương. Trong số này có Trương Văn Hiến (vùng Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh), Trần Kim Hùng (có tổ tiên sáng lập thôn Trường Đình, Tây Sơn), Diệp Kim Tòng (từ Phúc Kiến), Đinh Văn Nhưng (người Ninh Bình).
Kết quả, cuối thế kỷ 18 các võ sư đã gây dựng tại Bình Định phái võ Tây Sơn (còn gọi là Võ trận Tây Sơn) độc đáo, kết hợp của nhiều hình thức và kỹ thuật từ những môn phái Bình Định khác nhau.
Tên gọi "Võ Bình Định" nguyên khởi xuất hiện vào thế kỷ thứ 15, do Nguyễn Trãi đặt và được truyền xuất phát từ vùng Bình Định vào thời Tây Sơn.
Theo tủ sách Tìm hiểu Võ thuật, sau cuộc khởi nghĩa thành công, Lê Lợi đặc biệt lưu tâm đến việc rèn rũa võ nghệ cho quân đội nên cho mở các kỳ thi võ và mở trường dạy võ. Cụ thể, nhà vua ủy thác cho nhà sư Sa Viên là người huấn luyện võ nghệ cho nghĩa binh Lam Sơn từ năm 1415 mở võ đường.
Nguyễn Trãi sau đó đã đặt tên cho võ đường của nhà sư Sa Viên là Võ đường Bình Định để tưởng nhớ công lao của Bình Định Vương Lê Lợi. Từ đó tên Võ Bình Định được truyền nối khắp nước.
Nét đặc biệt của võ Bình Định
Nguyên tắc của môn phái này là: "nhất mạnh, nhì nhanh, thứ ba giỏi", nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của sức mạnh, sự khéo léo, và kỹ thuật có uy lực thực dụng. Tuy nhiên, cùng với sự suy vi của dòng họ Tây Sơn, nhiều kỹ thuật của phái võ trận này chỉ còn được truyền dạy trong các chi phái võ của các gia tộc tại Bình Định.
Trải qua thời gian, nhóm võ Bình Định hiện nay bao gồm nhiều môn phái xuất phát từ Bình Định và vùng phụ cận như: roi Thuận Truyền, quyền An Thái, quyền An Vinh và các hình thức võ thuật do các gia tộc, các nhà sư truyền dạy như Tây Sơn Nhạn, Thanh Long võ đạo, Bình Định Sa Long Cương, Võ trận Bình Định, Tân Sơn Bạch Long, Tây Sơn Thiếu Lâm, Bình Định gia, Võ Đao Bình Định Việt Nam...
Đặc biệt, nhiều bài danh quyền có xuất xứ từ đất Bình Định như Ngọc trản quyền, Lão mai quyền, Thần đồng quyền, Yến phi quyền (còn được gọi là Én bay thảo pháp) đã được đưa vào chương trình khảo thí võ thuật thời Nguyễn và một số bài trở thành bài quy định của Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam.
Suckhoecuocsong.com.vn sưu tầm