Nhiều bất ngờ khó chịu trong chuyến đi của ông Obama tới Trung Quốc
Chuyến đi của ông Obama tới Trung Quốc gặp phải nhiều điều bất ngờ khó chịu
Chiếc Air Force One chở Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có màn hạ cánh không êm ái xuống Hàng Châu trong ngày 3/9, khi ông tới thăm chính thức Trung Quốc.
Nhưng điều chẳng thấm vào đâu với những chuyện xảy ra sau khi máy bay dừng lăn bánh.
Phóng viên tờ New York Times cho biết khi các nhà báo tham dự hội nghị G20 cùng ông Obama xuống máy bay và đi từ phía dưới cánh lên đầu để ghi lại chuyến thăm, họ đã bị an ninh dùng băng xanh chặn lại.
Vị phóng viên này nói rằng "trong 6 năm đưa tin về Nhà Trắng," ông chưa từng thấy một quốc gia chủ nhà mời Mỹ tới thăm lại ngăn báo chí theo dõi màn rời khỏi máy bay của ông Obama.
Ông Obama phải đi xuống từ bụng chiếc Air Force One, theo quy trình an ninh cao. (Nguồn: New York Times)
Khi một thành viên của Nhà Trắng phản đối điều trên với một quan chức an ninh Trung Quốc, rằng chuyện diễn ra không đúng quy trình thông thường, vị này liền hét tướng lên: "Đây là đất nước của chúng tôi."
Trong một sự kiện khác cũng không theo quy trình thông thường, hoàn toàn không có xe chở thảm đỏ tới đón để ông Obama đi xuống trước các camera ghi hình của báo giới đã chờ sẵn. Thay vì thế, ông xuất hiện từ một cánh cửa nằm ở bụng chiếc máy bay, điều chỉ diễn ra trong các chuyến đi an ninh cao, như tới Afghanistan.
Chứng kiến cảnh đó, Cố vấn an ninh quốc gia Susan E. Rice trông đầy kinh ngạc và có vẻ không hài lòng. Cùng viên phó Benjamin J. Rhodes, bà đã phải chui xuống dưới dải băng xanh an ninh để tới gần ông Obama. Nhưng cả hai người lập tức bị chặn lại bởi cùng quan chức an ninh Trung Quốc kể trên.
Lúc được hỏi rằng chuyện gì đã xảy ra, bà Rice trả lời rất ngoại giao: "Họ đã làm một số điều mà chúng tôi không tính toán trước được."
Nhưng bất ngờ chưa dừng lại ở đó, trong cuộc gặp của ông Obama với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại tòa nhà của chính quyền ở Tây Hồ, Hàng Châu, các trợ lý của Nhà Trắng, quan chức phụ trách nghi thức ngoại giao và Mật vụ đã có một loạt cuộc cãi nhau to tiếng với phía trung Quốc về việc có bao nhiêu người Mỹ được vào tòa nhà, trước khi ông Obama tới. Thậm chí người ta đã lo sợ cuộc tranh cãi có thể trở thành ẩu đả.
"Hãy bình tĩnh lại, làm ơn đi," New York Times trích lời một quan chức Mỹ nói. Một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc bèn trả lời: "(Các vị) dừng lại, làm ơn đi. Có nhiều nhà báo ở đó."
Với một số người trong phái đoàn của ông Obama, chuyện diễn ra trong năm 2016 đã lặp lại sự đối xử khá thô lỗ mà ông nhận được trong chuyến đi đầu tới Trung Quốc vào năm 2009. Thời điểm ấy, Trung Quốc đã từ chối phát sóng trên truyền hình quốc gia một cuộc họp với các quan chức chính quyền và kiểm duyệt nội dung cuộc phỏng vấn của ông với một tờ báo Trung Quốc.
Đã có những nhận xét cho rằng hành vi của Trung Quốc hồi năm 2009 là sự phô trương sức mạnh của một cường quốc đang lên với vị tổng thống trẻ tới từ một siêu cường đang suy yếu.
Trong những chuyến thăm sau đó, Nhà Trắng gây sức ép buộc Trung Quốc cho báo chí tiếp cận với ông Obama tốt hơn và thu được chút thành công. Hồi tháng 11/2014, phía Trung Quốc đồng ý để ông Tập Cận Bình nhận câu hỏi cùng ông Obama tại cuộc họp báo ở Đại lễ đường Nhân dân.
Nhưng ở chuyến đi lần này, Trung Quốc kiểm soát chặn báo chí nước ngoài tới đưa tin. Khi ông Tập đưa ông Obama đi dạo sau bữa ăn tối vào hôm 3/9, an ninh Trung Quốc cắt giảm số lượng nhà báo Mỹ được chứng kiến sự kiện từ 6 người xuống còn 3 người và cuối cùng là 1 người.
"Sự sắp xếp của chúng tôi là như thế," một quan chức Trung Quốc giải thích với người đồng cấp Mỹ. "Sắp xếp của các vị thay đổi liên xoành xoạch," quan chức Mỹ trả lời./.
Suckhoecuocsong.com.vn ( Theo Vietnam+)