Nga nâng lãi suất cơ bản nhằm cứu vãn nền kinh tế
Đây đã là lần thứ 6 trong năm Nga nâng lãi suất và là đợt tăng mạnh nhất từ năm 1998.
Tin tức bất ngờ này vừa được Ngân hàng Trung ương Nga thông báo. Đây đã là lần thứ 6 trong năm Nga nâng lãi suất và là đợt tăng mạnh nhất từ năm 1998 – thời điểm lãi suất tại Nga vọt lên hơn 100% khiến Chính phủ vỡ nợ. Tin tức này đã ngay lập tức đẩy đồng rúp lên khi các hợp đồng kỳ hạn một tháng tăng 1.6% trong phiên giao dịch châu Á.
Nga nâng lãi suất cơ bản lên 17% nhằm cứu vãn nền kinh tế.
Trước đó, tỉ giá của đồng rúp so với đồng đôla Mỹ đã giảm xuống mức chưa từng có do giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt do châu Âu áp dụng. Hiện tại 60 rúp đổi được 1 đôla (so với mức thấp nhất là 67 rúp/1 đôla trước đó).
Từ đầu năm nay đồng rúp đã mất giá 45% so với đồng đôla Mỹ. Ngân hàng Trung ương Nga đã bỏ ra hơn 80 tỉ đôla dự trữ ngoại hối để bảo vệ đồng rúp. Theo Ian Hague – nhà sáng lập Firebird Management, “Động thái tăng lãi suất lần này là biểu thị của sự đầu hàng, hy sinh tăng trưởng để bảo vệ hệ thống tài chính. Quyết định này dù đúng nhưng chắc chắn vẫn rất khó khăn để đưa ra.” Nếu duy trì lâu, lãi suất mới sẽ khiến chính nền kinh tế Nga “tụt dốc không phanh”.
Ông Piotr Matys – chiến lược gia tiền tệ tại Rabobank International cho biết “Các biện pháp thắt chặt mạnh tay thế này có thể gây tổn thương cho nền kinh tế nhưng vẫn phải thực hiện, không phải để ngăn chặn suy thoái mà là để chặn lại bất ổn tài chính gây ra bởi đồng rúp mất giá.”
Trong ngày 15/12, đồng rúp đã mất giá 9.7% so với đôla. Dầu thô Brent – loại dầu các nhà buôn theo dõi để định giá dầu xuất khẩu tại Nga cũng giảm 1.3% xuống 61.06 đôla một thùng. Hiện tại 50% ngân sách Nga phụ thuộc vào thuế dầu khí và khoảng một phần tư GDP liên quan đến lĩnh vực năng lượng.
Tỉ giá giữa đồng rúp và đồng đôla trong ngày 15 và sáng ngày 16/12 (giờ Nga).
Ngân hàng Thế giới cảnh báo nền kinh tế Nga sẽ sụt giảm ít nhất 0.7% trong năm 2015 nếu giá dầu không có dấu hiệu tăng trở lại.
Jorge Mariscal, trưởng bộ phận đầu tư tại các thị trường đang phát triển thuộc tổ chức UBS Wealth Management ở New York cho biết ông coi đây là một bước đi đúng đắn. Động thái tăng lãi suất tiềm ổn khá nhiều rủi ro nhưng rất có thể ngăn chặn dòng tiền chảy ra khỏi Nga.
Quang Phong - Skcs.vn (tổng hợp)