Lý giải nguyên nhân đôla tiếp tục tăng giá
Đồng tiền xanh tiếp tục lên giá, trái ngược hoàn toàn với tình cảnh giá dầu và giá vàng trên thế giới.
Chỉ trong vòng nửa năm, đồng đôla Mỹ đã tăng giá khoảng 20% so với đồng Yên Nhật và đôla Australia, 15% so với đồng Euro và 12% so với đồng Bảng Anh, chưa kể việc đồng Rúp bị mất giá tới 50%.
Trong khi đồng Euro, Yên Nhật suy giảm thì giá trị đôla vẫn tăng nhanh
Trong bối cảnh các nền kinh tế thế giới gắn kết chặt chẽ với nhau, việc đồng đôla lên giá nhanh chóng mặt đang trở thành câu chuyện kinh tế, tài chính toàn cầu cần được bàn kỹ và có cách ứng phó kịp thời trước khi trở nên quá muộn. Cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính châu Á 1997-1998 bắt nguồn từ việc phá giá đồng Baht và các tác động lan tỏa của nó khiến nhiều nước phải trả giá vì trở tay không kịp đến nay vẫn là bài học nhãn tiền.
Tại sao đôla lên giá?
Thứ nhất, do sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong năm ngoái. Sau giai đoạn phục hồi ì ạch sau khủng hoảng 2008-2009, năm 2014 kinh tế Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng cả năm là 3,3%, gấp rưỡi mức dự báo trước đó là 2,2%. Riêng trong quý III/2014, tăng trưởng GDP đạt 5% - mức cao nhất trong một quý trong 11 năm qua. Sự phục hồi của kình tế Mỹ trái với bức tranh khá ảm đạm của các trung tâm kinh tế khác trong năm qua, như các nước trong khu vực sử dụng đồng Euro chỉ tăng trưởng 0,8%, Nhật Bản là 0,5%, Nga là 0,6%. Trung Quốc tuy đạt tốc độ tăng trưởng cao là 7,4%, nhưng đây là mức thấp nhất kể từ năm 1990 và không đạt so với kế hoạch đặt ra là 7,5%.
Thứ hai, quyết định chấm dứt gói kích cầu khổng lồ trị giá 3.7 ngàn tỉ đôla mà Mỹ bơm ra suốt 6 năm qua kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng 2008-2009. Động thái này, cùng với việc cục dự trữ liên bang FED sẽ không sớm thì muộn nâng mức lãi suất (hiện đang cận mức 0%) cùng với tỉ lệ thất nghiệp thấp (dưới 6%) sẽ có tác dụng thu lại đồng đôla khiến đồng tiền này khan hiếm hơn trên thị trường và từ đó có giá hơn.
Đôla Mỹ tăng giá vùn vụt so với các đồng tiền khác
Thêm vào đó, cả Ngân hàng Trung ương Nhật BOJ và Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB đều cho biết sẽ tiếp tục giữ mức lãi suất thấp cũng như bơm thêm tiền vào nền kinh tế thông qua các gói kích cầu để tránh suy thoái. Điều này tuy có lợi nhưng cũng có hại khi làm cho Euro và Yên mất giá hơn so với đôla Mỹ.
Thứ ba, triển vọng kinh tế trong năm 2015 của Mỹ vẫn ở mức cao (trung bình khoảng 3.5%) còn của Nhật và EU chỉ dừng ở khoảng 0.9%. Kinh tế Trung Quốc cũng đang có dấu hiệu chững lại còn Nga vẫn phải tiếp tục vất vả chống đỡ những khó khăn của nền kinh tế.
Nắm bắt được xu hướng này, hiện một số quốc gia đã bắt đầu tích trữ đôla Mỹ và bán dự trữ các đồng tiền khác ra ngoài. Tuy đây chỉ là xu hướng ngắn hạn nhưng nó cũng góp phần khiến đôla trên thị trường khan hiếm hơn, dẫn đến giá cao hơn.
Ảnh hưởng của việc đôla tăng giá ra sao?
Việc đồng đôla trở nên khan hiếm khiến các nhà đầu tư có xu hướng rút tiền từ các thị trường mới nổi (có tiềm năng nhưng cũng ẩn chứa rủi ro) sang thị trường an toàn hơn là Mỹ. Nhờ đó, người Mỹ có thêm tiền để chi tiêu; doanh nghiệp Mỹ có thêm tiền để chi mạnh tay cho nghiên cứu, đối mới công nghệ và mở rộng sản xuất; còn chính quyền tăng thêm nguồn thu từ thuế.
Trong ngắn hạn, Mỹ có thể chấp nhận “thiệt thòi” do xuất khẩu khó khăn vì giá hàng hóa xuất từ Mỹ tính theo đôla trở nên đắt đỏ; kinh tế tăng trưởng tốt và việc thu hẹp thâm hụt ngân sách có thể giúp “bù” thâm hụt thương mại. Song về trung và dài hạn, thâm hụt thương mại lớn và kéo dài lại đe dọa đến công ăn việc làm của người Mỹ và tương lai tăng trưởng của nước Mỹ. Đây sẽ là nguyên nhân chính “kéo” đồng đôla không ở mức quá cao.
Đồng đôla tăng giá sẽ gây ảnh hưởng tới các thị trường mới nổi
Đối với các nền kinh tế khác thì hệ quả sẽ là: Thứ nhất, việc đồng nội tệ của họ mất giá so với đôla sẽ giúp việc xuất khẩu sang Mỹ có nhiều lợi thế do giá cả rẻ và có tính cạnh tranh hơn so với hàng hóa sản xuất tại Mỹ. Tuy nhiên, chưa chắc việc xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Mỹ sẽ có thuận lợi tương tự do đồng nội tệ của các nước khác cũng mất giá so với đồng đôla gần như tương đương với sự mất giá đồng nội tệ của họ. Điều này có thể dẫn đến cuộc “chiến tranh” hạ giá tiền tệ giữa các nước nhằm giành lợi thế tương đối.
Thứ hai, thị trường các nước mới nổi sẽ trở nên chao đảo do làn sóng rút đôla chạy về Mỹ và việc này có thể cản trở đến quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế của họ.
Thứ ba, các nước bị thiệt hại nhất là những nước thi hành chính sách tỷ giá cứng nhắc, gắn chặt đồng nội tệ của mình với đồng đôla. Việc này sẽ làm cho hàng hóa của họ trở nên đắt đỏ, mất sức cạnh tranh không chỉ ở thị trường trong nước, mà cả trên phạm vi quốc tế.
Thứ tư, gánh nặng trả nợ bằng đồng USD đắt đỏ hơn từ các đồng đôla rẻ trước đây sẽ làm tăng gánh nặng ngân sách và kìm hãm triển vọng tăng trưởng tại nhiều nước.
Quang Phong - Skcs.vn (tổng hợp)