Liệu các nhà đầu tư đã quên Brexit và ảnh hưởng của nó trên đất Mỹ như thế nào
Các nhà đầu tư phố Wall có quên Brexit và ảnh hưởng hậu Brexit trên đât Mỹ
Trên sàn chứng khoán giao dịch tại Mỹ ngày 28/6 tất cả các chỉ số đều tăng trên dưới 2%. Nhiều người cho rằng bão Brexit mới đi qua có vài ngày nhưng có vẻ các nhà đầu tư phố Wall đã quên ảnh hưởng của nó đối với thi trường kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên thực tế chưa hẳn là như vậy.
Một số nhà đầu tư cho biết, cơn “bão” Brexit đã khiến chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong thời gian qua. Nhiều cổ phiếu của các công ty làm ăn tốt, không liên quan đến việc Anh rời EU, nhưng do ảnh hưởng chung nên cũng bị mất giá. Hôm nay (29/6), các nhà đầu tư phố Wall đã lấy lại thăng bằng sau bão lớn, tận dụng cơ hội tốt để mua cổ phiếu để đầu tư dài hạn.
Trong phiên giao dịch ngày 28/6, chứng khoán Phố Wall phục hồi, trong bối cảnh các nhà đầu tư thúc đẩy hoạt động mua vào cổ phiếu giá rẻ, sau khi thị trường liên tục đi xuống trong hai phiên trước.
Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 269,48 điểm (1,57%) lên 17.409,72 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 35,55 điểm (1,78%) lên 2.036,09 điểm; còn chỉ số Nasdaq Composite tăng 97,42 điểm (2,12%) lên 4.691,87 điểm.
Ước tính, khoảng 3.000 tỷ USD đã “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu trong hai phiên trước, sau khi đa số cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ nước này rời Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, đến phiên 28/6, số liệu tích cực về kinh tế Mỹ đã giúp ổn định thị trường chứng khoán nước này.
Thống kê cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại trong quý I/2016, song không “quá tệ” như dự kiến trước đó. Một báo cáo của Conference Board - tổ chức nghiên cứu kinh tế hàng đầu thế giới có trụ sở tại New York (Mỹ) - cho thấy trong tháng 6/2016, lòng tin tiêu dùng đã tăng lên mức cao nhất trong 8 tháng.
Tuy thị trường có khởi sắc nhưng vẫn ở mức thấp so với thiệt hại nó để lại. Nhiều người cho rằng cơn bão Brexit đã khiến nền kinh tế ảnh hưởng rất lớn. Tờ Time cho biết, tác động có thể thấy ngay của Brexit là quyết định của FED. Tháng 6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã phải tạm ngừng đưa ra quyết định nâng lãi suất tiếp vì đợi trưng cầu dân ý ở Anh.
Trích lời một chuyên gia phân tích, tờ Thời báo tài chính của Anh (FT) nhận định “nước Mỹ phải đối mặt với thực tế rằng nước Anh sẽ trở thành một đối tác ít hiệu quả hơn và không đáng tin cậy trong các vấn đề toàn cầu”, và “đó sẽ không còn là mối quan hệ đồng minh đặc biệt nữa”.
Bà Janet Yellen, Chủ tịch FED cho rằng cử tri Anh bỏ phiếu tán thành Anh rời khỏi EU tạo ra những tác động kinh tế lớn, trong đó việc giới đầu tư tìm đến các tài sản định giá bằng đồng USD như là nơi trú ẩn an toàn, khiến đồng USD tăng giá, làm suy yếu xuất khẩu của Mỹ.
Đầu tháng 6/2016, ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JPMorgan cảnh báo các nhân viên ở Bournemouth - nơi làm việc của 1/4 trong tổng số 16.000 nhân viên của tập đoàn này, rằng Brexit sẽ buộc JPMorgan phải cắt giảm nhân công. Ông nói: "Sau Brexit, chúng tôi không thể chỉ tập trung ở Anh và sẽ phải khởi động lên kế hoạch tiếp theo. Tôi chưa biết nó sẽ như thế nào. Có thể 1.000, 2.000 thậm chí là 4.000 việc làm sẽ bị cắt giảm".
Tương tự, Ford Motor, tập đoàn ôtô có các nhà máy trải khắp ở Anh và châu Âu ngày 20/6 cũng gửi thư cho nhân viên, thông báo tập đoàn có thể phải đối mặt với mức thuế tăng 2,7% đánh vào động cơ nhập khẩu từ Anh và 10% đối với xe thành phẩm, có thể khiến lợi nhuận giảm hàng trăm triệu USD mỗi năm. Giám đốc điều hành Ford chi nhánh tại Anh Andy Barratt cho rằng "điều này sẽ có tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh của chúng tôi". Lợi nhuận của Ford tại châu Âu vừa mới khôi phục lại mức trước khủng hoảng năm 2008, sau nhiều năm thua lỗ và buộc lòng phải đóng cửa nhiều nhà máy.
Với những chuyển biến trên cho thấy thị trường đã bắt đầu có những khởi sắc nhưng những hậu quả mà Brexit để lại không thể khắc phục trong một sớm một chiều.
Suckhoecuocsong.com.vn (Theo vtv)