Kịch bản khủng hoảng ở Hy Lạp vẫn chưa có hồi kết
Hy Lạp vẫn đang “ngập sâu” trong khoản nợ công khổng lồ dù đã thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp hiện cao nhất khu vực đồng tiền chung châu Âu, lên tới 23,5%.
Trước đó vào năm 2009 các hãng Fitch và Moody’s lần lượt hạ bậc tín dụng Hi Lạp dochi phí vay nợ của Athens tăng vọt và có nguy cơ vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Vì vậy, Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) quyết định can thiệp.
Đến năm 2010, các nhà lãnh đạo khối đồng euro và Chính phủ Hi Lạp đạt thỏa thuận về gói cứu trợ 110 tỉ euro. Nhưng gói cứu trợ đi kèm các điều kiện rất ngặt nghèo. Đó là Chính phủ Athens phải cải thiện hệ thống thu thuế, giảm chi phí nhằm cân bằng ngân sách. Giảm chi có nghĩa là sa thải công chức.
Hậu quả là công chức mất việc buộc phải giảm chi tiêu, khiến các doanh nghiệp lao đao và sa thải công nhân. Tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt khiến nguồn thu thuế của chính phủ giảm mạnh. Đến năm 2012, thất nghiệp Hi Lạp vọt lên tới gần 30%.
Đầu năm 2012, chính quyền Athens nhận thêm gói cứu trợ thứ hai, nâng tổng số nợ lên 246 tỉ euro. Hi Lạp chấp nhận thêm một chương trình thắt lưng buộc bụng mới. Nợ Hi Lạp đã chạm ngưỡng 135% GDP. Athens cứ đi vay nợ để trả nợ và không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó.
Năm ngoái, ngân sách Hi Lạp vẫn thâm hụt vì các vấn đề cũ. Kinh tế không thể tăng trưởng do chính phủ phải thắt lưng buộc bụng.
Theo thống kê năm nay tỷ lệ thất nghiệp ở nước này vẫn tăng cao, chi tiêu của người dân hạn hẹp, khiến cho các siêu thị thiếu tiền, công ty cung cấp phá sản. Do đó, kịch bản khủng hoảng của Hy Lạp đến giờ vẫn chưa có hồi kết.
Tổng hợp