Khoảng 30% chuyến bay bị hủy, hoạt động giảng dạy gián đoạn do đình công tại Pháp
Giới chức hàng không dân dụng Pháp thông báo khoảng 30% số chuyến bay tại các sân bay trên toàn quốc đã bị hủy
Nhằm phản đối các kế hoạch của Tổng thống Emmanuel Macron giới chức hàng không dân dụng Pháp thông báo khoảng 30% số chuyến bay tại các sân bay trên toàn quốc đã bị hủy do đình công.
Ngày 10/10, cuộc đình công của người lao động trong lĩnh vực công ở Pháp nhằm phản đối các kế hoạch của Tổng thống Emmanuel Macron cắt giảm việc làm và siết chặt các điều kiện trả lương đã buộc các hãng hàng không phải hủy hàng trăm chuyến bay, đồng thời gây gián đoạn hoạt động giảng dạy tại nhiều trường học.
Giới chức hàng không dân dụng Pháp thông báo khoảng 30% số chuyến bay tại các sân bay trên toàn quốc đã bị hủy, song may mắn mạng lưới đường sắt không bị gián đoạn. Trong khi đó, Bộ Giáo dục Pháp cho biết trung bình cứ 5 giáo viên lại có 1 người tham gia đình công.
Nhiều thông báo đình công cũng đã được gửi tới các trường học, bệnh viện, sân bay và các bộ ngành nhằm phản đối các cải cách xã hội và kinh tế của Tổng thống Macron, trong đó nhà lãnh đạo Pháp cho rằng cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo dựng nền tảng bền vững hơn cho lĩnh vực tài chính công bằng cách cắt giảm khoảng 120.000 việc làm và giảm khoản trợ cấp cho những người thôi việc vì lý do sức khỏe.
Chưa dừng lại ở đó, các công chức, giáo viên và y tá còn xuống đường tuần hành tại các thành phố trên khắp nước Pháp, từ thành phố miền Nam Toulouse cho tới thành phố miền Bắc Strasbourg, trước ngày diễn ra cuộc tuần hành quy mô lớn chưa từng có ở thủ đô Paris. Đây là lần đầu tiên trong một thập kỷ qua tất cả các công đoàn đại diện cho hơn 5 triệu người lao động trong lĩnh vực công tổ chức tuần hành hưởng ứng lời kêu gọi biểu tình.
Người đứng đầu công đoàn lớn nhất của Pháp, CFDT, bà Mylene Jacquot nhấn mạnh người lao động mong muốn tiếng nói của họ sẽ được tôn trọng, đồng thời kỳ vọng chính phủ sẽ thực hiện tốt cam kết liên quan đến việc đảm bảo thu nhập của người lao động.
Trước đó, ngày 22/9, Tổng thống Pháp Macron đã ký ban hành luật cải cách lao động nhằm giúp các chủ doanh nghiệp linh hoạt hơn khi đàm phán lương và điều kiện làm việc với người lao động, trong khi giảm chi phí cho người sử dụng lao động trong việc sa thải nhân công. Tuy nhiên, động thái này liên tục vấp phải sự phản đối của người dân với hàng loạt cuộc biểu tình và đây cũng là vấn đề gây chia rẽ trong dư luận Pháp. Theo một cuộc thăm dò gần đây do hãng BVA tiến hành, đa số người được hỏi cho rằng những cải cách này sẽ giúp tăng tính cạnh tranh trên thị trường lao động, nhưng khó cải thiện được các điều kiện làm việc của người lao động.
Suckhoecuocsong.com.vn (Nguồn VTV)