Indonesia hoạn kẻ ấu dâm: Việt Nam có nên áp dụng?
công chúng Indonesia ủng hộ sắc lệnh khẩn cấp của tổng thống cho phép hoạn và tử hình kẻ phạm tội.
Nhiều vụ hiếp dâm trẻ em man rợ xảy ra gần đây khiến công chúng Indonesia ủng hộ sắc lệnh khẩn cấp của tổng thống cho phép hoạn và tử hình kẻ phạm tội.
Theo sắc lệnh này, thủ phạm hiếp dâm có thể bị tử hình, bị hoạn bằng hóa chất để “tiêu diệt dục tính”. Với mức án tối thiểu 10 năm tù giam, phạm nhân sau khi ra tù phải đeo thiết bị điện tử giúp cảnh sát theo dõi nhất cử nhất động của họ 24/24.
Sắc lệnh này đã được nhiều người dân Indonseia đồng tình vì họ cho rằng điều đó là chùn chân những kẻ bệnh hoạn, thú tính. Tuy nhiên, việc này cũng đã vấp phải phản ứng quyết liệt của nhóm hoạt động nhân quyền.
Indonesia không phải là đất nước đầu tiên trên thế giới thực hiện việc biện pháp hoạn bằng hóa chất (ảnh minh họa).
Dẫn lời, Bộ trưởng Y tế Indonesia Nila Moeloek ngày 27/5, trên báo Thanh niên Online, có đoạn: “Hoạn bằng hóa chất” thực tế là tiêm hormone nữ tính tổng hợp vào phạm nhân trong thời gian chờ xét xử và tác dụng của nó sẽ mất đi sau một thời gian. "Đó thực chất chỉ là kiểm soát hormone giới tính ở nam và nữ. Hormone giới tính nữ tiêm vào nam phạm nhân là nhằm giúp họ đạt được trạng thái cân bằng”, bà Moeloek nói.
Indonesia không phải là đất nước đầu tiên trên thế giới thực hiện việc biện pháp “hoạn bằng hóa chất” đối với những “yêu râu xanh”. Ở Hàn Quốc biện pháp này đã được tiến hành từ đầu năm 2013. Ở Mỹ, có ít nhất 9 bang gồm California, Florida, Georgia, Iowa, Louisiana, Montana, Oregon, Texas và Wisconsin, áp dụng biện pháp tiêm hóa chất, phần lớn là MPA (thành phần chủ yếu trong thuốc tránh thai) cho yêu râu xanh.
Hình phạt này cũng được áp dụng đồng thời với hình phạt tù ở một số nước như ở Ba Lan, New Zealand, Úc, Nga, Argentina, Estonia, Israel, Moldova…
Mỗi nước có một luật riêng, những quy định xuất phát từ thực tiễn xã hội. Rõ ràng những chế tài hiện tại chưa đủ sức răn đe, giáo dục, hạn chế loại tội phạm liên quan đến hiếp dâm nên Indonesia mới phải có những quy định mang tính chất nghiêm khắc hơn.
Ở Việt Nam tội phạm hiếp dâm diễn ra không phải hiếm, thậm chí ngày càng phức tạp. Liệu quy định “hoạn bằng hóa chất” đối với những “yêu râu xanh” có nên áp dụng ở Việt Nam? Các chuyên gia pháp lý có nhận định như thế nào về quy định này?
Đưa ra quan điểm về những thắc mắc trên, trao đổi với Pv báo điện tử Người đưa tin luật sư Nguyễn Hồng Thái – Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: “Việc áp dụng chế tài “hoạn bằng hóa chất” đối với người phạm tội hiếp dâm không phải Indonesia là nước đầu tiên. Có thể nói đây là một chế tài nghiêm khắc, có thể khi áp dụng nó sẽ mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng tăng hình phạt là thể hiện sự bất lực của chính quyền. Việc tiêm Hormone như vậy làm ảnh hưởng, mất cân bằng nội tiết trong cơ thể con người, hơn nữa không thể chắc chắn rằng việc làm này không ảnh hưởng đến thế hệ con cháu của họ. Nạn hiếp dâm do nhiều nguyên nhân và không phải cứ hình phạt hà khắc sẽ khiến nạn hiếp dâm giảm.
Đối với Việt Nam tội phạm liên quan đến hiếp dâm thường xuyên xảy ra, và chế tài liên quan đến tội phạm này được áp dụng cao nhất lên đến tử hình. Đây là hình phạt cao nhất, nghiêm khắc nhất mà luật hình sự Việt Nam quy định. Pháp luật bên cạnh mục đích răn đe, trừng trị người phạm tội còn có vai trò giáo dục. Đối với Việt Nam thì chưa cần thiết và không nên áp dụng hình phạt “hoạn bằng hóa chất” liên quan đến tội phạm hiếp dâm”.
Cũng có quan điểm không đồng tình, luật sư Trần Thu Nam – Trưởng văn phòng Tín Việt và cộng sự - Đoàn luật sư TP.Hà Nội có ý kiến cho rằng: "Theo Hiến pháp và Luật hình sự Việt Nam thì tính mạng và sức khoẻ, nhân phẩm là bất khả xâm phạm.
Ngoài ra, Việt Nam vừa phê chuẩn Công ước chống tra tấn. Vì vậy, hình phạt hoạn bằng hóa chất để “tiêu diệt dục tính” được coi là một hình thức tra tấn, để lại hậu quả trên cơ thể, tổn hại đến sức khoẻ của người phạm tội. Như vậy, pháp luật Việt Nam không cho phép áp dụng các hình phạt tác động trực tiếp lên cơ thể của tội phạm trừ hình phạt tử hình".
Luật sư Võ Công Hạnh - Giám đốc công ty Luật Công Khánh - Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: "Hình phạt hoạn bằng hóa chất để “tiêu diệt dục tính” không thể áp dụng ở Việt Nam. Đây là một hình phạt dã man, xâm hại đến quyền thiêng liêng của con người, quyền được yêu, được sinh con cái nên việc sử dụng hình phạt này là vô nhân đạo".
Suckhoecuocsong.com.vn ( Theo NĐT)