Học võ và những nguyên tắc Đạo - Đời
Học võ thuật ngoài việc rèn luyện sức khỏe còn giúp người học hiểu đạo lý ở đời.
Học võ là quá trình tu dưỡng phẩm chất, đạo đức
Trong Võ đường, trải qua các kỳ kiểm tra, người học võ được đánh giá dựa trên hai tiêu chuẩn: thành tựu công phu và phẩm chất đạo đức, được thể hiện qua cung cách quan hệ, ứng xử với mọi người.
Học võ là học đạo làm người
Quá trình học võ là quá trình tu dưỡng phẩm chất, đạo đức làm nền tảng cho hành vi ứng xử trong các mối quan hệ xã hội. Tuỳ theo từng mối quan hệ xã hội mà hành vi ứng xử khác nhau, được quy định trên một nguyên tắc chung.
Nguyên tắc Nhân ái và tôn trọng
Tôn trọng đối với người học võ là tôn trọng quyền sống, quyền làm người. Trong đời sống xã hội, vị trí mỗi người khác nhau, nhưng nhân cách làm người thì không khác nhau bởi ai cũng sinh ra và lớn lên bằng tình yêu thương của gia đình, cũng bình đẳng trước cái chết.
Do đó, người tập võ không hạ mình trước bất cứ ai, không phân biệt ai hơn ai, không tâng bốc người trên, không miệt thị người dưới. Tôn trọng con người, tôn trọng mình, tôn trọng đối thủ, đó là một trong những phẩm chất hàng đầu của người học võ.
Nhân ái là mục đích của người học võ, nó giúp định hướng hành vi của người học võ. Dù nghĩ gì, làm gì, nói gì, xử sự thế nào, tất cả đều phải nhằm mục đích làm sao cho con người tốt hơn, cho mình tốt hơn, cho đời đẹp hơn.
Nếu không vì lòng nhân ái, hành động của người học võ không khác hành động của tên cướp, nhưng nếu vì lòng nhân ái, hành động của anh ta sẽ là hành động anh hùng.
Nguyên tắc khiêm tốn và nhún nhường
Thói kiêu căng tự mãn là kẻ thù lớn nhất của người học võ bởi sự hiểu biết không bao giờ có giới hạn. Các cụ xưa thường dạy ai không thấy thiếu sẽ không thêm được gì, cái thùng đã đầy thì không còn chứa được nữa, muốn vượt qua xà phải biết uốn mình...
Do đó, với người học võ, đức khiêm tốn không làm cho mình bé lại mà giúp mình có sức mạnh đi xa về trước; không làm cho mình thấp hơn đối thủ mà làm cho đối thủ không cao hơn mình. Có thể nói, đức khiêm tốn còn thể hiện đạo đức của người học võ: yêu người, vì người, “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của mọi người”.
Niềm tin và bản lĩnh
Ở đời, không ai có tất cả, không ai không có tất cả, do đó học võ là học để biết mình là ai, biết cách hun đúc mình, hoàn thiện mình, có niềm tin và tự hào về mình.
Mất niềm tin là tự đánh mất vũ khí của mình. Niềm tin, đối với người trí thức, đó là sức mạnh nội tâm; đối với bậc thiền sư, đó là tinh thần vô uý; đối với người học võ, đó là dũng khí của người chiến sĩ.
Mất niềm tin, con người hoặc rơi vào tự ti, trầm cảm; hoặc trở nên hung hăng, gây hấn. Do đó chỉ có bản lĩnh, có niềm tin, người học võ mới có sức mạnh để thể hiện cái đức nhân ái, khiêm tốn, nhún nhường, và tôn trọng người khác.
Học võ là học làm người
Nhân ái và tôn trọng, khiêm tốn và nhún nhường, bản lĩnh và niềm tin, đó không chỉ là nền tảng của mọi hành vi ứng xử, mà còn là nền tảng của tinh thần Hoà Hợp. Do đó, mục đích tối thượng của người học võ là thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa con người và con người với tinh thần cộng tác, cộng đồng, cộng hưởng, cùng hưởng… trong xã hội; thái hoà trong gia đình và an lạc trong bản thân.
Suckhoecuocsong.com.vn sưu tầm