Hiệp đinh TPP - Đối tác xuyên Thái Bình Dương có 12 nước tham gia đầu tiên
Tin tức Hiệp đinh TPP, Đối tác xuyên Thái Bình Dương có 12 nước tham gia đầu tiên trên mục Kinh tế trang tin sức khỏe cuộc sống
Thế là sau 5 năm đàm phán, nhiều lúc tưởng như bế tắc, tất cả 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương cuối cùng cũng đã đạt được thỏa thuận về hiệp định thương mại lớn nhất thế giới tại vòng đàm phán vừa kết thúc ở thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một trong những hiệp định tham vọng nhất từ trước đến nay. Theo các chuyên gia kinh tế, TPP chính là con đường để mở ra tương lai tăng trưởng mạnh mẽ cho tất cả các nước tham gia.
Vậy thì Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương là gì? Và khi gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, cơ hội và thách thức đối với Việt Nam sẽ như thế nào?
Lịch sử hình thành Hiêp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - còn gọi là TPP) là một Hiệp định thương mại tự do nhiều bên, được ký kết với mục tiêu thiết lập một mặt bằng thương mại tự do chung cho các nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Hiệp định này đầu tiên được ký kết ngày 3/6/2005, có hiệu lực từ 28/5/2006 giữa 4 nước Singapore , Chile, New Zealand, Brunei (do vậy Hiệp định này còn gọi là P4).
Tháng 9/2008, Mỹ tỏ ý định muốn đàm phán để tham gia TPP. Sau đó (tháng 11/2008), các nước khác là Australia, Peru, Việt Nam cũng thể hiện ý định tương tự. Tháng 10/2010, Malaysia chính thức thông báo ý định tham gia đàm phán TPP. Ngày 13/11/2010, Việt Nam tuyên bố tham gia vào TPP với tư cách thành viên đầy đủ.
Đến nay, TPP đã có sự tham gia của 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Mỹ, Singapore, Nhật Bản và Việt Nam.
Ngoài ra hiện nay Colombia, Philippines, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến TPP.
Mục tiêu của TPP là thắt chặt hơn mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia này, thông qua các biện pháp giảm (thậm chí là loại bỏ hoàn toàn trong một số trường hợp) các hàng rào thuế quan giữa các nước, giúp tăng cường trao đổi hàng hóa và dịch vụ.
TPP cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nhóm 12 thành viên cùng với tăng cường dòng chảy vốn.
Lộ trình đàm phán Hiệp định TPP
Đàm phán TPP là một quá trình dài với rất nhiều cuộc họp ở nhiều cấp khác nhau. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán thực sự chỉ bắt đầu từ năm 2010 và mục tiêu đặt ra là chốt lại vào năm 2012.
Từ năm 2010 đến 2013, tổng cộng đã có 19 vòng đàm phán chính thức diễn ra. Trong đó có vòng đàm phán thứ 7 được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh trong các ngày từ 15 đến 24/6/2011.
Trong 2 năm gần đây là 2014 và 2015, tiếp tục có nhiều cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng và cấp trưởng đoàn đàm phán diễn ra tại nhiều nước.
Tìm kiếm giải pháp đối với những bất đồng khi ký kết TPP
Hiệp định TPP bao phủ nhiều vấn đề không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả trong các lĩnh vực môi trường, sở hữu trí tuệ… Do đó bất đồng là điều không thể tránh khỏi.
Trước khi bước vào đợt họp ở Atlanta đầu tháng 10 vừa qua, những vấn đề mấu chốt nhất còn vướng mắc trong quá trình đàm phán bao gồm thời gian bảo hộ độc quyền đối với thuốc sinh học, cơ chế tiếp cận thị trường bơ sữa và linh kiện ô tô.
Ngoài ra, TPP còn tác động đến nhiều khía cạnh khác. Thỏa thuận này yêu cầu các quốc gia thực hiện luật lao động và môi trường chặt chẽ hơn, củng cố rào chắn pháp lý cho các công ty dược, kéo dài thời kỳ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…
Hay nói cách khác, những thỏa thuận thương mại hiện đại như TPP bao hàm rất nhiều thứ ở bên ngoài phạm trù thương mại. Chúng đã trở thành một trong những con đường chính để điều hành kinh tế toàn cầu. Đó cũng chính là lý do lớn nhất khiến TPP gây ra nhiều tranh cãi. Ví dụ, các nhóm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ kỹ thuật số hay các nhóm y tế cộng đồng - vốn không quan tâm đến các vấn đề về thương mại – đã lớn tiếng cảnh báo về những ảnh hưởng tiêu cực từ TPP đối với tiến bộ khoa học công nghệ cũng như công cuộc chiến đấu với bệnh AIDS trên toàn cầu.
TPP cũng gây nhiều tranh cãi bởi các cuộc đàm phán được thực hiện bí mật. Các nhóm lợi ích có kết nối với nhau được tiếp cận với lượng thông tin nhiều hơn và cũng có nhiều cơ hội gây ảnh hưởng lên quá trình đàm phán.
Quyền lợi của người lao động được bảo đảm đối với các bên thâm gia TPP
Mặc dù phản đối TPP, các tổ chức công đoàn ở Mỹ lại coi TPP là một cơ hội để buộc các đối tác thương mại của Mỹ cung cấp nhiều quyền lợi hơn cho người lao động. Họ cho rằng tự do hóa thương mại nếu không đi kèm với các tiêu chuẩn khắt khe về quyền của người lao động sẽ khiến người lao động Mỹ mất đi lợi thế cạnh tranh.
Nhà Trắng nhấn mạnh rằng TPP sẽ chấm dứt việc lạm dụng lao động trẻ em, bảo vệ quyền lợi của người lao động và nâng cao các tiêu chuẩn về an toàn lao động.
Những cơ hội và thách thức của Việt Nam khi tham gia Hiệp định TPP
Theo Bộ trưởng Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng, TPP được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu thế kỷ 21, TPP gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, DNNN…
Với các kết quả đàm phán đã đạt được, TPP sẽ là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao trên cơ sở cân bằng lợi ích và lưu ý tới trình độ phát triển khác nhau giữa các nước tham gia Hiệp định, đồng thời kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại tất cả các nước TPP; tạo việc làm, thúc đẩy minh bạch hàng hóa, quản trị tốt, giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân, thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh, đồng thời củng cố các tiêu chuẩn về lao động và môi trường.
Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), sau khi TPP được ký kết, Việt Nam sẽ là nước có thu nhập và xuất khẩu tăng mạnh nhất trong 12 quốc gia TPP, với lần lượt 13,6% và 31,7%. Malaysia và Nhật Bản sẽ là những nước được hưởng lợi nhiều tiếp theo.
Những cơ hội khi tham gia Hiệp định TPP
Hội nhập khu vực đang nổi lên đóng vai trò chủ đạo với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đặc biệt là tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Xu thế này không chỉ phản ánh sự mưu cầu lợi ích kinh tế mà còn phản ánh cục diện chính trị quốc tế mới, sau sự nổi lên nhanh chóng của một số nước đang phát triển hàng đầu.
Tham gia Hiệp định TPP sẽ giúp Việt Nam có thêm điều kiện, tranh thủ hợp tác quốc tế để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, triển khai chiến lược hội nhập quốc tế nói chung và chiến lược đối ngoại ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tham gia vào Hiệp định TPP, một cấu trúc quan trọng của khu vực, sẽ giúp Việt Nam nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội do quá trình tái cấu trúc cục diện quốc tế và khu vực cũng như xu thế hội nhập kinh tế khu vực đem lại.
Thông qua Hiệp định TPP, Việt Nam sẽ có cơ hội đàm phán để Hoa Kỳ mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, tạo cú hích mạnh để thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Bên cạnh đó, việc tham gia Hiệp định TPP sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa đầu tư của Hoa Kỳ và các nước vào Việt Nam.
Những thách thức của nền kinh tế Việt Nam khi tham gia TPP
Việc cam kết và thực hiện các cam kết sâu và rộng trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định TPP sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ, đặc biệt là sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các doanh nghiệp của Việt Nam, vốn còn yếu, khả năng quản lý còn nhiều bất cập. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, nhiều ngành sản xuất và dịch vụ có thể sẽ gặp khó khăn.
Tuy nhiên, đây là con đường mà sớm hay muộn Việt Nam cũng phải đi qua để chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế.
Tham gia Hiệp định TPP có thể gây ra một số hệ quả xã hội tiêu cực như tình trạng phá sản và thất nghiệp ở các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh yếu. Ngoài ra, kết quả đàm phán nội dung lao động trong Hiệp định TPP có thể sẽ có tác động tới môi trường lao động ở Việt Nam.
Để thực thi cam kết trong Hiệp định TPP, Việt Nam có thể sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi nhiều quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ… Từ quá trình đàm phán gia nhập WTO trước đây cũng là cơ sở kinh nghiệm cho Việt Nam khi thực thi TPP.
SKCS (theo Tienphong)