Giá điện tính theo lũy tiến để đảm bảo cho số đông
Giá điện lũy tiến bậc thang đảm bảo nhu cầu đa số.
Hiện nay, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm 6 bậc gây phức tạp trong công việc ghi chỉ số công tơ, thanh toán tiền điện với khách hàng, lượng điện sử dụng càng cao thì áp ở mức giá cao. Đặc biệt trong những mùa nắng nóng gần đây, tiền điện tăng cao đã gây ra tâm lý không đồng thuận từ các hộ sử dụng điện.
Cách tính giá điện dưới con mắt của nhà quản lý
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, đại diện Công ty TNHH Tư vấn Quản lý và Phát triển Việt Nam (CMD), biểu giá điện hiện tại không còn phù hợp, cần thiết phải cải tiến đồng bộ, toàn diện cơ cấu biểu giá bán điện để phù hợp với sự phát triển của thị trường điện theo từng cấp độ, trong đó đặt trọng tâm thay đổi biểu giá điện sinh hoạt.
Cách tính giá điện dưới con mắt của các nhà quản lý
Ngoài ra, cần phải cải tiến, xây dựng một biểu giá bán điện mới để khắc phục những bất cập của biểu giá bán điện hiện tại nhằm đơn giản hóa và minh bạch hóa trong quá trình mua bán điện.
Biểu giá điện bảo đảm phù hợp với thực tế sử dụng điện trong nước, tạo thuận lợi trong quản lý, theo dõi, kiểm tra của người sử dụng điện, qua đó khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và có lộ trình để đưa cơ cấu biểu giá bán lẻ điện phù hợp với các bước phát triển của thị trường bán buôn và bán lẻ điện cạnh tranh và tiến tới vận hành theo cơ chế thị trường.
Qua đó, ông khẳng định “Nguyên tắc của việc cải tiến cơ cấu biểu giá điện là phải sắp xếp lại mức giá cho phù hợp với cơ cấu của biểu giá điện cải tiển nhưng không tăng giá bán điện bình quân, không tăng doanh thu của ngành điện. Từ đó giảm bù chéo giữa các đối tượng khách hàng, thu hẹp khoảng cách giá áp dụng tương ứng từng bậc thang, hạn chế đến mức thấp nhất việc xáo trộn các mức giá cụ thể”.
Lựa chọn phương án đảm bảo lợi ích số đông
Theo nội dung cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt năm 2016 – 2017 do CMD soạn thảo và đề xuất, Đề án biểu giá bán lẻ điện sẽ có 3 phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt: Phương án 1 sẽ giữ nguyên 6 bậc như hiện hành; Phương án 2 là quy định một biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá) và phương án 3 là rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc xuống còn 3 bậc hoặc 4 bậc.
Qua phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án, đơn vị tư vấn cho rằng, cần phải lựa chọn một phương án đảm bảo thực hiện tốt chính sách về giá điện về khuyến khích điện tiết kiệm và hiệu quả, tạo ra những điều kiện để quản lý, kiểm tra giám sát tốt hơn so với các phương án khác và đồng thời phải là phương án ít nhược điểm nhất, tác động của các mức giá cụ thể làm tăng giá ít nhất đến các đối tượng tiêu dùng.
Gía điện dưới con mắt của các chuyên gia kinh tế
Đóng góp ý kiến vào Đề án biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc điều chỉnh giá điện nhiều lần trong nhiều năm qua không nhận được sự đồng thuận của người dân. Đặc biệt, với việc thực hiện biểu giá mới trong gần 6 tháng qua đã gây bức xúc trong xã hội do không đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, do đó, biểu giá điện cần phải sửa chữa.
“Không nên biến những thứ đơn giản thành phức tạp. Biểu giá điện lũy tiến với 6 bậc không tạo hài hòa giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Do đó, trong điều kiện hiện nay, cần phân khúc giá sao cho hợp lý và nên theo cách tính điện bậc thang lũy tiến, căn cứ trên nguyên tắc tiết kiệm điện do nguồn năng lượng không tái tạo trong điều kiện cung không đáp ứng được cầu. Tuy nhiên, đơn vị kinh doanh điện cần tính toán, so sánh và giá điện phải được tính đúng, tính đủ cách tính giá phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân”.
Theo đánh giá chung, hiện nay xã hội đang trong quá trình phân cấp mạnh, do đó trong kinh doanh cần phân hóa giá để bán điện để có nhiều mức giá cho nhiều đối tượng khác nhau, nên cân đối với số bậc thang phù hợp, nếu nhiều bậc người tiêu dùng khó giám sát và tính toán. Mặt khác, trong biểu giá bán điện lũy tiến bậc thang, ở từng bậc không nên quá cao so với mức giá bình quân, phân khúc giá không nên quá lớn. Đối với người tiêu dùng sử dụng nhiều thiết bị, nên giãn bậc và bậc lớn nhất nên tính ở mức trên 600 kWh.
GS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, không thể mong muốn có một biểu giá bán lẻ điện đáp ứng được lợi ích của tất cả nhu cầu của các hộ dùng điện. Giá điện còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác khi có liên quan trực tiếp đến chính trị xã hội và đời sống nhân dân. Điều chỉnh giá điện sẽ tác động đến hệ số lương, vì vậy giá bản lẻ điện cần đáp ứng được nhu cầu của số đông người tiêu dùng.
Giá điện lũy tiến bậc thang đảm bảo nhu cầu đa số
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, sản lượng điện của các hộ sử dụng điện sinh hoạt đến 150 kWh/tháng đang chiếm tới 60% dân số, do vậy giá điện phải đáp ứng được cho nhu cầu của số đông. Với nguồn lực hiện nay, ngành điện nên khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, không khuyến khích người dân sử dụng nhiều điện để trả nhiều tiền. “Nên tính giá điện theo bậc thang lũy tiến nhưng nhất thiết phải tính đến số đông người nghèo. Người tiêu dùng đòi hỏi EVN cải tiến công tác quản trị, giảm chi phí nâng cao năng suất lao động và hiệu quả của nguồn vốn cũng như thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người nghèo.
Đồng quan điểm với phương án này, GS. Trần Đình Long cho rằng, bậc thang cho giá điện sinh hoạt bao nhiêu không quan trọng, nhưng số bậc làm sao phản ánh tốt tác động của việc điều chỉnh và dễ nhớ. Hiện có rất ít quốc gia áp dụng biểu giá điện 3 bậc, thường là lớn hơn 3 bậc, do đó EVN nên bỏ phương án tính đồng giá điện và lũy tiến 3 bậc. Biểu giá điện nên giữ ở mức 5 bậc thay bằng 6 bậc như hiện nay, nhưng điều chỉnh những bậc thang đầu trong khoảng từ 0 -150 kWh, đáp ứng phần lớn nhu cầu của người tiêu dùng.
Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết giá điện là lĩnh vực khó vì liên quan đến cả kinh tế và kĩ thuật. Nếu bây giờ EVN lập tức áp dụng giá điện theo cơ chế thị trường, giá điện có thể tăng gấp đôi, gấp 3 vì nguồn cung hiện nay chưa đáp ứng đượng nhu cầu và khẳng định “Quan điểm thống nhất là trong điều kiện nước ta còn thiếu điện, do đó biểu giá điện không thể áp dụng theo mức đồng giá, cần phải tính giá điện theo phương pháp lũy tiến, tập trung xem xét đến nhu cầu của phần lớn các hộ tiêu dùng, hạn chế việc sử dụng lượng điện lớn”.
Tổng hợp