Đồng tiền chung euro rớt giá kỷ lục
Đồng đôla Mỹ tăng giá khiến cho các đơn vị tiền tệ khác như euro, franc Thụy Sĩ, bảng Anh hay yên Nhật đồng loạt yếu đi.
Mức giá này thấp hơn khoảng 20 cent (14%) so với mức giá vào thời điểm tháng 5/2014. Tại sao euro lại sa sút đến vậy?
1. Đồng đôla tăng trưởng mạnh mẽ
Đây là hệ quả tất yếu khi nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng chóng mặt với 5% tăng trưởng chi riêng trong quý III/2014, giúp tạo thêm vô số việc làm cho người lao động Mỹ. Điều này tạo điều kiện cho cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chấm dứt gói kích thích kinh tế (hay còn gọi là gói nới lỏng định lượng) khẩn cấp và tính đến việc tăng lãi suất từ mức thấp kỷ lục 0% hiện nay.
Về phía các nước châu Âu, tỉ lệ thất nghiệp của họ đang ở mức cao gần kỷ lục, trong khi đó kinh tế lại trì trệ và mối nguy giảm phát vẫn hiển hiện trước mắt. Theo dự báo tăng trưởng kinh tế mùa thu của Ủy ban châu Âu (EC), mức tăng trưởng của 18 nước thành viên Eurozone chỉ đạt 0.8% trong năm 2014, thấp hơn tới 1.4% so với mức dự báo được đưa ra trước đó. Nhật Bản với nền kinh tế Abenomics thì đang chơi canh bạc tất tay khi đưa ra gói kích thích kinh tế của mình.
Tỉ giá giữa euro và đôla
Theo thống kê, đồng đôla đã tăng trưởng 13% tính từ tháng 9/2014, lên mức cao nhất trong gần 6 năm. Với đà tăng như hiện tại, 2 ngân hàng Goldman Sachs và Morgan Stanley còn dự đoán tỉ giá đôla/euro trong năm tới có thể xuống tới mức 1.15 đôla/euro.
2. Các gói kích thích kinh tế của châu Âu sắp được tiến hành:
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng đang chuẩn bị đưa ra gói kích thích kinh tế của riêng mình ngay khi Fed bắt đầu có động thái thắt chặt chính sách tiền tệ (thậm chí có thể ngay vào ngày 22/1 tới đây) để tối thiểu hóa nguy cơ giảm phát và kìm hãm sự trượt giá của euro so với đôla.
Tuy vậy, đây không phải phải kế hoạch có thể được thực hiện một cách cẩu thả mà cần cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng, bởi nếu không bơm thêm tiền vào thị trường thì khó lòng kích thích kinh tế tăng trưởng nhưng nếu bơm quá nhiều sẽ càng làm cho đồng euro tụt giá thê thảm hơn.
Ngân hàng trung ương châu Âu đang phải đối mặt với một bài toán nan giải
Nếu ECB thực hiện gói nới lỏng định lượng thông qua hình thức mua lại trái phiếu của chính phủ các nước đang khủng hoảng như Hy Lạp hay Tây Ban Nha, họ sẽ phải đối mặt với khó khăn còn nhiều hơn nữa khi giá trị đồng euro có nguy cơ giảm vì phải gánh thêm nhiều rủi ro.
Ông Mario Draghi – chủ tịch của ECB cũng cho biết nếu các nước thành viên của Eurozone không đẩy mạnh việc cải cách cơ cấu, linh động hóa thị trường lao động hay giảm bớt quan liêu và cắt giảm thuế thì kinh tế của khu vực cũng sẽ khó có thể phục hồi.
3. Lo ngại về Hy Lạp gia tăng:
Một mối lo khác cho các quốc gia trong khu vực Eurozone đến từ Hy Lạp và đây cũng là một phần nguyên nhân khiến giá trị đồng euro trượt dốc trong thời gian qua. Sắp tới đây, vào ngày 25/1, quốc gia này sẽ tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội và đảng được dự đoán sẽ thắng cuộc là đảng cực tả Syriza. Chủ trương của đảng này là ngay khi tiếp quyền sẽ tái đàm phán lại các điều khoản giữa Hy Lạp và EU cũng như quỹ tiền tệ thế giới IMF về gói cứu trợ thứ nhất quốc gia này được nhận trị giá 240 tỉ euro trước đây.
Kịch bản xấu được nêu ra là Syriza sẽ đòi giảm bớt một khoản lớn nợ công của Hy Lạp (vốn đang chiếm 175% GDP nước này) và loại bỏ một số biện pháp thắt lưng buộc bụng quốc gia này đang thi hành.
Nếu không đi đến được một biện pháp chung, Hy Lạp có thể bị các nước khác đẩy khỏi eurozone
Chắc chắn Đức cùng các quốc gia khác trong khối sẽ không nhượng bộ Athens bởi làm vậy sẽ khiến các quốc gia nợ công khác làm theo. Nếu không đi đến được một thỏa thuận chung, Hy Lạp có thể sẽ vỡ nợ và bị đẩy ra khỏi Eurozone.
Tuy vậy, từ cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp lần trước, vùng eurozone đã thiết lập những “hàng rào phòng thủ” như cơ chế ổn định châu Âu để bảo vệ đồng tiền chung của khu vực. Và lần này ECB cũng đã cam kết bằng mọi giá sẽ bảo vệ đồng Euro đến cùng…
Quang Phong - Skcs.vn (tổng hợp)