Doanh nghiệp như 'gà mắc tóc' khi muốn đưa vải thiều xuất khẩu

08/06/2016 09:57

Thị trường xuất khẩu đã mở, nhưng con đường để doanh nghiệp đưa quả vải Việt tới các thị trường lớn, mang lại giá trị gia tăng cao không hề dễ dàng.

Còn khoảng 10 ngày nữa, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương) sẽ vào chính vụ. Sau thành công ban đầu năm 2015, doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục nhắm tới những thị trường tiềm năng nhưng khó tính như Mỹ, Australia, Nhật... để đưa những quả vải đạt chuẩn của người nông dân xuất ngoại. Ngoài việc phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc, để có mặt tại những thị trường này, quả vải Việt phải vượt qua quy trình kiểm dịch thực vật, soi chiếu an ninh....

Tại cuộc họp giữa Cục Hàng không Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nhằm tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu vải đầu tuần này, bà Đặng Thị Thanh Hải - Phó giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty CP quốc tế logistic Hoàng Hà cho biết đây là năm thứ 2 doanh nghiệp làm đại diện xuất khẩu vải đi Australia. Tuy nhiên, khi vải đã sắp vào mùa, đơn vị này vẫn “như ngồi trên đống lửa” khi vướng quá nhiều thứ thủ tục.

 

Có thị trường, nhưng con đường xuất ngoại của quả vải còn khá gian nan. Ảnh: Giang Huy

Vướng mắc của doanh nghiệp nảy sinh khi trung tâm chiếu xạ tại Hà Nội được đưa vào sử dụng từ năm nay, từ chối yêu cầu soi chiếu, giám sát an ninh quả vải tại trung tâm, ngay sau khi chiếu xạ và yêu cầu doanh nghiệp tự liên hệ với các cơ quan chức năng liên quan để được giải quyết. “Nếu chiếu xạ xong mà không được soi chiếu an ninh luôn, chất lượng quả xuất khẩu sẽ không đảm bảo theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của phía đối tác nhập”, bà Hải nói.

Đại diện doanh nghiệp cho biết hơn nửa tháng nay đã chạy vạy, gõ cửa nhiều cơ quan liên quan nhưng đều không được giải quyết. “Nói thật là doanh nghiệp không biết phải tìm tới ai, hỏi tới cơ quan nào để được giải đáp thoả đáng, vì ở đâu cũng nói không có cơ chế, chính sách thực hiện. Cực chẳng đã, Hoàng Hà phải gửi đơn lên Cục Hàng không Việt Nam nhờ hỗ trợ”, bà Thanh Hải than thở.

Ngoài chuyện doanh nghiệp không được soi chiếu an ninh kịp thời, vị đại diện này còn cho rằng cước vận chuyển của Vietnam Airlines đối với mặt hàng trái cây tươi cao hơn các hãng khác từ 30-40 cents một kg so với hàng hóa thông thường. Việc này khiến trái vải Việt xuất khẩu khó cạnh tranh với sản phẩm của Thái Lan, Trung Quốc.

“Riêng chi phí vận chuyển, chiếu xạ… đã chiếm 2/3 giá thành quả vải, làm giảm tính cạnh tranh của quả vải thiều Việt Nam so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường Australia”, bà Hải lo lắng và đề nghị Vietnam Airlines nghiên cứu, đưa ra cơ chế giá ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp.

Trước kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Linh - Trưởng phòng An ninh (Cục Hàng không Việt Nam) cho hay, quy trình pháp luật hoàn toàn cho phép việc soi chiếu, giám sát an ninh tại cơ sở nằm ngoài cảng hàng không và thực tế đã triển khai đối với sản phẩm xuất khẩu của Samsung tại Bắc Giang, Thái Nguyên…. Vấn đề ở đây là doanh nghiệp phải đề nghị và ngồi lại cùng cơ quan chức năng để xây dựng quy chế làm việc. Vị trưởng phòng an ninh cho biết, để ra được quy chế này không thể “ngày một, ngày hai” mà có khi tới cả tháng trời.

Điều hành buổi họp, ông Võ Huy Cường - Cục phó Cục Hàng không Việt Nam ngắt lời: “10 ngày nữa vải vào chính vụ thu hoạch mà các anh nói quy chế làm mất hàng tháng thì còn xuất khẩu cho ai nữa?”.

Ông Cường yêu cầu phòng an ninh chủ động phối hợp với an ninh hàng không sân bay Nội Bài hướng dẫn doanh nghiệp quy trình soi chiếu an ninh tại trung tâm chiếu xạ mà không cần phải vận chuyển hàng lên cảng sân bay Nội Bài mới soi chiếu, kiểm tra an ninh và coi đây là quy chế mẫu để áp dụng luôn cho các trường hợp về sau.

Tuy nhiên, tham dự cuộc họp với tư cách là đơn vị liên quan trực tiếp, ông Tuấn Anh - Phó giám đốc Cảng Hàng không Nội Bài cho rằng, vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp là quy trình kiểm tra và địa điểm kiểm tra an ninh. Nhấn mạnh cảng hàng không Nội Bài sẽ tạo điều kiện hết mức cho doanh nghiệp xuất hàng đi Úc, như làm thủ tục an ninh hàng không nhanh chóng, phân luồng, bố trí hệ thống máy soi an ninh riêng.... nhưng bắt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ quy trình đảm bảo điều kiện an ninh và phải soi chiếu an ninh tại sân bay Nội Bài.

“Điều kiện kiểm tra an ninh là việc bắt buộc phải làm. Về địa điểm kiểm tra không thể nơi nào khác ngoài nhà ga hàng hoá của Cảng Hàng không Nội Bài”, ông Tuấn Anh quả quyết.

Theo lập luận của vị này, nhà ga hàng hoá của Cảng Hàng không Nội Bài được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại nhất phục vụ cho việc soi chiếu, nếu tiến hành soi chiếu an ninh ngoài địa điểm này sẽ không đảm bảo an ninh hàng không. Vị Phó giám đốc Cảng Hàng không Nội Bài nói thêm: “Chúng tôi rất tạo điều kiện, nhưng soi chiếu an ninh thì phải đưa lên Nội Bài. Còn nói triển khai làm ngay soi chiếu an ninh ngoài ga kho hàng Nội Bài để kịp mùa vải đang đến gần thì hơi khó, vì cái gì cũng phải có quy trình...”.

Góp ý kiến, ông Lê Nhật Thành - Cục bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) lo lắng, nếu thời gian xây dựng quy chế soi chiếu an ninh đối với hàng hoá nằm ngoài kho cảng mà kéo dài thì sẽ ảnh hưởng tới việc xuất khẩu của doanh nghiệp. “Xây dựng quy chế gì thì cũng cần nhanh vì trái vải chỉ có thời vụ. Nếu không công sức cố gắng bấy lâu của người trồng vải, doanh nghiệp sẽ đổ sông đổ bể cả”, ông băn khoăn.

Ông Lê Nhật Thành đề nghị, do mùa vụ vải đang tới gần và đây là loại trái cây chỉ có tính thời vụ, vì thế nên xây dựng quy chế soi chiếu an ninh tại nơi chiếu xạ như các doanh nghiệp vẫn tiến hành tại trung tâm chiếu xạ TP HCM, trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm và hỗ trợ doanh nghiệp. Riêng về phía cơ quan bảo vệ thực vật, ông Thành cho hay, cơ quan vừa có cuộc họp bàn giải pháp xuất khẩu quả vải với các bên liên quan và quyết định sẽ miễn phí kiểm dịch thực vật với quả vải tươi xuất khẩu bằng đường hàng không.

Đồng tình, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam – Võ Huy Cường đôn đốc và giao cho Phòng an ninh tham mưu, phối hợp với trung tâm chiếu xạ của Bộ Khoa học & Công nghệ chủ động xây dựng quy chế soi chiếu an ninh ngay tại trung tâm chiếu xạ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện. Song song đó, nghiên cứu phương án soi chiếu an ninh tại Nội Bài.

“Mùa vụ quả vải rất ngắn nên phải hỗ trợ doanh nghiệp tối đa để giữ thị trường xuất khẩu đã mở. Không thể vì khó khăn do chưa có quy trình mà lơ là, gây khó cho doanh nghiệp, đảm bảo hài hoà giữa an ninh hàng không và lợi ích kinh doanh”, ông Cường chỉ đạo. Vị Cục phó yêu cầu Phòng an ninh chậm nhất ngày 10/6 có báo cáo về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đáp lời, ông Linh cho rằng, thời gian một tuần khá ngắn để các bên ngồi lại với nhau đưa ra quy chế phối hợp. Tuy nhiên, tinh thần là sẽ hỗ trợ hết sức tối đa để vẫn đảm bảo hiệu quả an ninh, kinh doanh của doanh nghiệp.

Liên quan tới giá cước vận chuyển trái cây bằng đường hàng không, đại diện Phòng tiếp thị Vietnam Airlines phân trần việc đưa ra khung giá cước vận chuyển đối với mặt hang trái cây tươi là chính sách chung của hãng. Tuy nhiên, để hỗ trợ quả vải Việt có thể xuất ngoại được giá tốt, Vietnam Airlines sẽ giảm 30% giá cước vận chuyển mặt hàng này trên các chuyến bay thẳng của hãng sang Australia.

Suckhoecuocsong.com.vn (Theo vnexpress)

Các tin khác

Thiết kế môi trường cho các công trình xanh, những nỗ lực vì mục tiêu phát triển bền vững

Tiêu chuẩn hóa nền kinh tế tuần hoàn, những nỗ lực góp phần vì mục tiêu phát triển bền vững

Tiêu chuẩn về mua sắm bền vững đóng góp vào các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc

Kinh tế tuần hoàn và vai trò của tiêu chuẩn

Vietnam Airlines bán vé bay nội địa chỉ 199.000 đồng đến 06/03/2020

Chiến lược ngành du lich sau dịch Covid-19

Nguy cơ mất việc hàng loạt trong ngành ô tô Đức

Nguy cơ sa thải việc làm quy mô lớn tại Trung Quốc

Một số nội dung chính của Hiệp định EVFTA và EVIPA

EVFTA và EVIPA: Tạo dựng khuôn khổ hợp tác song phương lâu dài theo hướng đối tác bình đẳng, cùng có lợi