Châu Âu cần đổi mới có phải là ý kiến của riêng nước Anh
Ngày mai 23/6/2016, người dân Anh sẽ đi bỏ phiếu lựa chọn việc đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU) .
Những ngày này, trưng cầu dân ý dường như đang trở thành một xu thế nóng tại châu Âu. Đầu tháng 5, chính phủ Hungary xác nhận sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về kế hoạch phân bổ người tị nạn giữa các quốc gia thành viên của Ủy ban châu Âu. Vào tháng 4, người dân Hà Lan đã bỏ phiếu phản đối Hiệp định liên kết giữa EU với Ukraine trong một cuộc trưng cầu do một tổ chức bài EU tiến hành. Và ngày mai 23/6, đến lượt nước Anh sẽ đứng trước một cuộc bỏ phiếu quan trọng nhằm quyết định xem quốc gia này sẽ ở lại hay rời bỏ Liên minh châu Âu.
Trong những năm tới, các chính phủ, nhóm đối lập và các tổ chức xã hội dân sự có xu hướng tổ chức nhiều hơn các cuộc trưng cầu dân ý liên quan tới những chính sách của EU. Các quốc gia có thể sẽ dùng cách như Anh chuẩn bị làm để yêu cầu sự nhượng bộ từ EU. Chủ nghĩa quốc gia và nỗi lo toàn cầu hóa đang nổi lên trong lòng châu Âu.
Khi các chính phủ hỏi ý kiến người dân, kết quả thường cho thấy đi ngược lại tiến trình hội nhập của châu Âu. Người Ailen ban đầu đã bỏ phiếu chống lại các hiệp ước Nice (2001) và Lisbon (2008) liên quan tới việc chuyển giao thêm quyền cho các thể chế của EU. Sau đó, Ailen đã thương lượng với EU trước khi tiến hành cuộc trưng cầu thứ hai. Kết quả là người dân nước này đã bỏ phiếu ủng hộ. Tại Đan Mạch, phải đến lần bỏ phiếu thứ hai vào năm 1993, người dân nơi đâymới thông qua Hiệp ước Maastricht (hiệp ước thành lập EU). Nhưng cuộc trưng cầu nổi tiếng nhất của EU có lẽ là ở Pháp và Hà Lan hồi năm 2005, khi người dân đã chống lại kế hoạch xây dựng hiến pháp EU. Sự phản đối của công dân hai nước sáng lập EU đã buộc khối này phải từ bỏ dự án xây dựng một bản hiến pháp chung cho liên minh.
Cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị hiện nay đang làm phức tạp thêm tình hình khi các chính phủ ngày càng ngả theo chủ nghĩa dân tộc. Do đó, những gì đang diễn ra tại Anh là điển hình cho xu hướng này và không có gì đảm bảo là các nước khác sẽ không đưa ra các đòi hỏi tương tự trong tương lai.
Một chuyên gia kinh tế đánh giá tình trạng của Châu Âu hiện nay không được tốt. Dù người Anh có lựa chọn đi hay ở lại EU thì Châu Âu vẫn cần phải cải tổ. Đây có lẽ là một trong những quan chức đầu tiên lên tiếng về việc Châu Âu cần phải thay đổi, xung quanh chuyện Châu Âu và Anh thì cũng có nhiều quan điểm khác nhau.Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng cho rằng Brexit là sự đổ vỡ. Một số chuyên gia đánh giá Brexit là cú sốc nhưng cũng có thể là động lực để đưa Châu Âu bước sang một thời kỳ mới, cải tổ triệt để mà ông gọi là rối loạn và nhảy liên tục từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác giữa các vấn đề như là chính trị, nhập cư hay là nợ.
Như vậy có thể nói người Anh không phải là người duy nhất suy nghĩ Châu Âu cần phải đổi mới. Và sự ra đi của Anh liệu có kéo theo làn sóng rời EU? Chúng ta tiếp tục chờ đợi
Suckhoecuocsong.com.vn (Theo vtv)