Cảnh giác hàng kém chất lượng 'đội lốt' khuyến mãi dịp Tết
Cảnh giác với hàng khuyến mãi kém chất lượng là thông điệp mà cơ quan chức năng và các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng trong mùa mua sắm cuối năm.
Hiện nay, trên thị trường từ các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị cho đến những kênh mua sắm trực tuyến đều rầm rộ khuyến mãi, giảm giá, nhưng điều đáng nói là khó có thể kiểm soát được chất lượng hàng hoá cũng như giá cả sản phẩm.
Ghi nhận tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, các chương trình khuyến mãi, giảm giá đang được các nhà bán lẻ triển khai rầm rộ, chủ yếu tập trung vào những ngành hàng thời trang (quần áo, giày dép, túi xách...); hàng tiêu dùng; điện máy, điện tử... Điển hình, tại các trung tâm thương mại gồm Vicom, Aeon Mall, Parkson... mức khuyến mãi, giảm giá của các chương trình giảm giá ("sale off") lên đến 50% - 70%, đồng thời hầu hết các nhà bán lẻ đều dành khu trung tâm của cửa hàng để trưng bày sản phẩm khuyến mãi, giảm giá.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, trước nhiều quầy hàng treo rực rỡ các băng rôn giảm giá, kèm quà tặng... để thu hút khách hàng trong mùa mua sắm cuối năm.
Đặc biệt, hiện tại đang là thời gian cao điểm của mùa mua sắm cuối năm và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, nên ở những tuyến đường thuộc khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh như Cách Mạng Tháng Tám, Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Đồng Khởi... không chỉ các cửa hàng kinh doanh hàng thời trang thực hiện khuyến mãi, giảm giá sản phẩm, mà những cửa hàng thuộc hệ thống của một số thương hiệu thời trang lớn cũng "chạy" đồng loạt chương trình ưu đãi cho khách hàng.
Nhưng tình trạng chung của nhiều sản phẩm thuộc chương trình khuyến mãi, giảm giá, là chỉ có một hoặc rất hạn chế về kích cỡ, màu sắc và không có nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng.
Anh Trần Trung Hậu, cư ngụ tại quận Thủ Đức, cho biết, các chương trình khuyến mãi được nhà bán lẻ chạy liên tục trong năm và rầm rộ hơn vào những dịp lễ, Tết nhưng trên thực tế thường "tiền nào của đó".
Hàng khuyến mãi ít khi có mẫu mã mới, chỉ trừ khi có chương trình ra mắt sản phẩm thì nhà sản xuất mới giảm giá chút ít để thu hút khách hàng. Theo đó, hàng hóa thuộc các chương trình khuyến mãi, giảm giá thường là những sản phẩm trưng bày, đời cũ hoặc lỗi kỹ thuật...
Tương tự, theo bà Phạm Thị Nhã Linh (quận Bình Thạnh), trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, gia đình bà muốn đổi tủ lạnh mới, nên đã tham khảo nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá của các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, khi xem sản phẩm thì nhiều mặt hàng khuyến mãi, giảm giá thuộc dạng hàng thanh lý, tồn kho, chỉ còn số lượng ít, đặc biệt là công nghệ lạc hậu và mẫu mã cũ.
Đề cập đến vấn đề này, Giám đốc quản lý một của hàng thuộc thương hiệu lớn trong lĩnh vực máy ảnh tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, người tiêu dùng cần nắm rõ thông tin về các chương trình khuyến mãi để tính toán và lựa chọn sản phẩm phù hợp với số tiền bỏ ra mua.
Trong đó, cần lưu ý đối với những sản phẩm giảm giá, khuyến mãi, thường các đơn vị kinh doanh có quy định không được đổi trả, bảo hành sản phẩm hoặc chỉ bảo hành thời gian rất ngắn. Bên cạnh đó, khi mua sắm phải kiểm tra kỹ lưỡng sản phẩm để tránh mua phải những mặt hàng thuộc các trường hợp như hàng lỗi đã bị khách hàng đổi trả nhiều lần; sắp hết hạn sử dụng hoặc bảo hành....
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh, thời gian qua, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể từng hình thức khuyến mại đến doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định về khuyến mại. Tuy nhiên, kiểm soát hoạt động khuyến mại hiện đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực để theo dõi, kiểm soát, nhắc nhở việc thực hiện khuyến mại của doanh nghiệp.
Theo ông Phạm Thành Kiên, lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn trong việc xác định giá hàng hóa ngay trước thời điểm khuyến mại, vì giá sản phẩm do doanh nghiệp tự định giá (loại trừ các sản phẩm do nhà nước quy định giá); hay phát hiện tình trạng nâng giá lên rồi thực hiện khuyến mại bằng hình thức giảm giá để thu hút người tiêu dùng.
Để chủ động bảo vệ quyền lợi chính đáng của chính mình, theo các chuyên gia, khi mua sắm người tiêu dùng nên chọn lựa những mặt hàng áp dụng hình thức khuyến mãi, giảm giá thuế giá trị gia tăng, tặng kèm quà tặng, phiếu mua hàng hay dịch vụ lắp đặt, bảo dưỡng thì chất lượng sản phẩm sẽ đảm bảo hơn. Mặt khác, người dân cũng nên cập nhật thông tin giá sản phẩm trước và sau khi khuyến mãi, so sánh giá sản phẩm cùng mẫu mã, chủng loại, thương hiệu tại nhiều đơn vị kinh doanh khác nhau để lựa chọn địa điểm mua sắm tin cậy.
Tính đến hết tháng 12/2015, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có hơn 41.000 chương trình khuyến mãi, giảm giá của các doanh nghiệp và đơn vị kinh doanh.
Cụ thể, hình thức khuyến mại được doanh nghiệp ưa chuộng nhất là tặng phẩm chiếm hơn 50% tổng số lượng chương trình khuyến mại được thông báo và đăng ký, giảm giá chiếm 24% và các hình thức khác chiếm gần 30%. Từ đó có thể thấy, các đơn vị kinh doanh thực hiện khuyến mãi như một công cụ thường xuyên và liên tục để thu hút người tiêu dùng mua sắm.
Do đó, trên thị trường không tránh khỏi việc có những đơn vị kinh doanh không lành mạnh, vì lợi ích cá nhân hoặc doanh thu, mà sẵn sàng "đánh lừa" khách hàng, lợi dụng hoạt động giảm giá, khuyến mãi để buôn bán hàng hóa kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả.
Suckhoecuocsong.com.vn (Theo vietnamplus.vn)