Bộ GD&ĐT ban hành quy chế thi tốt nghiệp 2020 thí sinh cần nắm rõ
Bộ GD&ĐT ban hành quy chế thi tốt nghiệp 2020
Kỳ thi tốt nghiệp năm 2020 Chính phủ đã giao chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương nhưng Bộ có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn để đảm bảo kỳ thi “an toàn, nghiêm túc và thành công”.
Bộ quy định các hội đồng thi sử dụng phần mềm quản lý thi, phần mềm chấm thi trắc nghiệm do Bộ cung cấp; thiết lập hệ thống trao đổi thông tin về kỳ thi chính xác, cập nhật giữa trường phổ thông với sở GD&ĐT, giữa sở GD&ĐT với Bộ; thực hiện đúng quy trình, cấu trúc, thời hạn xử lý dữ liệu và chế độ báo cáo theo quy định trong hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT của Bộ.
Các hội đồng thi công bố kết quả thi sau khi được xác nhận hoàn thành chuyển dữ liệu kết quả thi về Bộ và hoàn thành việc đối sánh để bảo đảm dữ liệu trên hệ thống phần mềm của Bộ thống nhất với dữ liệu kết quả thi lưu tại hội đồng thi. Bộ tổ chức quản lý dữ liệu thi của thí sinh và sử dụng phù hợp với mục đích của kỳ thi; các sở GD&ĐT sử dụng dữ liệu thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Thí sinh tự do thi chung với thí sinh lớp 12
Thí sinh (TS) đã tốt nghiệp THPT, TS tốt nghiệp trung cấp tham dự kỳ thi và TS giáo dục thường xuyên được thi chung với TS là học sinh lớp 12 giáo dục THPT tại một số điểm thi do giám đốc sở GD-ĐT quyết định. Điều kiện là bảo đảm có ít nhất 60% TS lớp 12 giáo dục THPT trong tổng số TS của điểm thi (trong trường hợp đặc biệt cần phải có ý kiến của Bộ). Phòng thi được xếp theo bài thi, mỗi phòng thi tối đa 24 TS và phải bảo đảm khoảng cách tối thiểu giữa 2 TS ngồi cạnh nhau là 1,2 m theo hàng ngang.
Khi nào hủy kết quả thi?
Một trong những điểm mới của năm nay đó là có quy định hủy kết quả thi. Theo đó, những thí sinh có hai bài thi trở lên bị điểm 0 do phạm lỗi các lỗi: bài thi được chép từ các tài liệu mang trái phép vào phòng thi; có hai bài làm trở lên đối với một bài thi; bài thi có chữ viết của hai người trở lên; những phần của bài thi viết trên giấy nháp, giấy không đúng quy định.
Đồng thời các lỗi khác như viết, vẽ vào tờ giấy thi những nội dung không liên quan đến bài thi; để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sai khi đã nộp bài; dùng bài của người khác để nộp.
Camera giám sát 24/24 khu vực chấm thi
Quy cũng cũng định đối với công tác chấm thi tại mỗi hội đồng thi thực hiện ở không quá 2 khu vực; trong đó mỗi ban chấm thi thực hiện nhiệm vụ tại một khu vực duy nhất. Khu vực chấm thi phải bảo đảm an ninh, an toàn, có công an bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày. Nơi chấm thi, chấm kiểm tra bài thi tự luận và nơi bảo quản bài thi tự luận được bố trí gần nhau; bài thi trắc nghiệm được lưu trữ tại phòng xử lý và chấm bài thi trắc nghiệm hoặc được lưu trữ tại phòng chứa bài thi riêng biệt, tùy theo điều kiện thực tế của đơn vị.
Phòng chứa bài thi, tủ, thùng hoặc các vật dụng chứa túi bài thi phải an toàn, chắc chắn, phải được khóa và niêm phong, trên nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của người giữ chìa khóa, thanh tra và công an.
Chìa khóa cửa các phòng chứa bài thi, chấm thi do lãnh đạo các ban chấm thi giữ; có camera an ninh giám sát, ghi hình các hoạt động tại phòng liên tục 24 giờ/ngày; có công an bảo vệ, giám sát liên tục 24 giờ/ngày. Khi đóng, mở phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi và tủ, thùng hoặc các vật dụng chứa túi bài thi phải có sự chứng kiến của công an, thanh tra và ghi nhật ký đầy đủ.
Với những quy định này, những trường hợp được nâng điểm như tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở ba tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang sẽ bị hủy kết quả thi, điểm thực của thí sinh thế nào thì thí sinh cũng không còn cơ hội để học tiếp năm đó.
Suckhoecuocsong.vn/Nguồn Vietnamnet