Bản thiết kế ấn tượng tòa nhà cao tầng có khả năng lọc không khí ô nhiễm
bản thiết kế kỹ thuật đầy ấn tượng về những tòa nhà có khả năng lọc sạch không khí bẩn trong tương lai.
Kiến trúc sư người Nga Alexei Umarov, 31 tuổi, người đứng sau ý tưởng về tòa nhà chọc trời có khả năng lọc không khí bẩn cho biết: "Khi đọc tin tức về việc người ta bắt đầu bán oxy đóng trong lon ở Trung Quốc, tôi nghĩ rằng đây chính là dấu hiệu đáng báo động và chúng ta cần phải có những biện pháp thiết thực để ngăn chặn lại vấn nạn ô nhiễm không khí. Vào khoảng năm 2025, dự án của tôi sẽ được thực hiện và sẽ giúp làm sạch không khí ô nhiễm trong thành phố”.
Các tòa nhà chọc trời HyperFilter được cấu tạo từ hệ thống các đường ống lọc khổng lồ với công suất lọc không khí cao khủng khiếp. Nguồn ảnh: inhabitat.
Ô nhiễm không khí khiến hơn 3 triệu người chết sớm mỗi năm và đe dọa gần như toàn bộ cư dân thành phố lớn tại những nước đang phát triển.
Theo đài Fox News, 80% các thành phố trên thế giới không đáp ứng được tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về chất lượng không khí, trong đó chủ yếu tập trung ở các nước nghèo. WHO cho biết mức độ ô nhiễm không khí đô thị toàn cầu đã tăng 8% bất chấp những cải thiện ở một số vùng. Điều này dẫn đến nguy cơ đột quỵ bệnh tim mạch, ung thư phổi cùng hàng loạt vấn đề về đường hô hấp.
Kiến trúc sư Umarov sống ở thành phố Khabarovsk của Nga, nằm gần biên giới với Trung Quốc, cho biết dự án của ông với tên gọi “Tòa nhà chọc trời HyperFilter” sẽ trông giống như một cái cây khổng lồ.
Umarov không phải là người duy nhất có tham vọng xây dựng các tòa nhà lọc khí bẩn.
Nhiều kiến trúc sư khác trước ông cũng đã có ý tưởng sử dụng các vật liệu và thiết bị nhằm xây dựng những tòa nhà góp phần vào việc loại bỏ tạp chất trong không khí, từ đó cải thiện điều kiện sống của cư dân.
Một trong những nhà thiết kế nổi tiếng nhất là kiến trúc sư Daan Roosegaarde, người đã tạo ra các tòa tháp cao tầng như Bắc Kinh có khả năng lọc tạp chất trong không khí.
Tuy nhiên, lại không có một nghiên cứu nào chứng minh được rằng những công trình nhà ở dân dụng như vậy lại có thể thật sự giúp tác động đến mức độ ô nhiễm. Nói cách khác, khả năng hút khí bẩn của các tòa nhà thông minh là có, nhưng không cao và không mang lại hiệu quả thiết thực.
"Toàn bộ các thành phố lớn trên thế giới đều chịu ảnh hưởng bởi vấn đề này, và nó đang ngày càng tồi tệ hơn. Nhiệt độ tăng cao, không khí bị ô nhiễm, bụi kim loại trong không khí, lượng carbon dioxide quá mức… Vì vậy, tôi cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách thức của một kiến trúc sư và áp dụng thêm một số nền tảng công nghệ khác”, Umanov cho biết.
HyperFilter bao gồm bộ khung, vỏ xốp và một hệ thống đường ống với các bộ lọc bên trong. Không khí sẽ được hút qua các đường ống, làm sạch và làm mát. Trong khi các chất độc hại sẽ được tách ra và tích tụ ở các tầng dưới của tòa nhà để tiếp tục tái chế và xử lý.
Kiến trúc sư này thừa nhận rằng sẽ rất khó khăn và tốn kém khi lắp ráp tất cả các đường ống nếu không có sự trợ giúp của máy bay không người lái.
Alexei Umarov đang hy vọng, bản thiết kế của mình sẽ được thực hiện ở những thành phố lớn như Mexico, Delhi, Bắc Kinh hay Moscow.
Suckhoecuocsong.com.vn (BBC)